Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Đây là dịp lễ vô cùng quan trọng của người dân Việt. Vì thế, các gia đình thường chuẩn bị đồ cúng thật tươm tất dâng lên gia tiên và các vị thần. Sau đây, Thăng Long Đạo Quán sẽ hướng dẫn cúng Rằm tháng Giêng đúng chuẩn. Mời quý vị cùng theo dõi bài viết nhé!
1. Nên cúng gì vào ngày Rằm tháng Giêng?
Như đã nói trên, Rằm tháng Giêng là ngày lễ đặc biệt quan trọng của người Việt. Chẳng vậy mà ông cha vẫn có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Vào ngày này, người dân thường dâng lễ dưới đây.
1.1. Cúng Phật
Theo người xưa truyền rằng, vào ngày trăng sáng nhất đầu tiên của năm, Đức Phật sẽ xuống trần gia ân, độ trì chúng sinh. Nếu cầu nguyện vào ngày này, gia chủ sẽ có được chứng giám và vạn sự như ý.
1.2. Cúng gia tiên
Thêm nữa, có nhiều người nói rằng Tết Nguyên Tiêu được hình thành từ rất lâu đời. Nó được cho rằng xuất hiện từ thời nông nghiệp lúa nước mới bắt đầu. Người dân dâng lễ lên các vị thần và gia tiên để cầu gia tiên phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Kể từ đó, người dân vẫn thường làm lễ cúng vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm.
1.3. Cúng thần tài, thổ công
Về việc cúng Rằm tháng Giêng, mặt khác nhiều người cũng tin rằng đây là ngày mà các vị thần cai quản năm mới xuống trần. Họ là người thay vị trí của những vị thần cũ. Do đó mà người dân làm lễ để bày tỏ lòng biết ơn và thể hiện lòng thành. Mọi người cầu mong có một năm được các vị thần chở che, gặp được nhiều may mắn thuận lợi.
2. Sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất
2.1. Mâm lễ Phật
Mâm lễ cúng Phật thường có các món như:
– Bánh trôi nước
– Món xào chay
– Bát canh măng nấm hoặc là canh củ quả
– Hoa quả, chè xôi
– Các món đậu
…
Ngoài ra còn có những vật phẩm cúng như đèn, nến, nhang/hương, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, nước…
Gia chủ có thể cúng Phật tại nhà hoặc ở chùa, đình nơi làm lễ.
2.2. Mâm lễ gia tiên
Thường thấy, các gia đình cúng Rằm tháng Giêng với những món ăn và lễ vật gần giống với Tết Nguyên Đán. Mâm lễ cúng thường là mâm cỗ mặn gồm các món như sau:
- Bát mọc
- Bát măng ninh
- Bát miến
- Bát canh bóng
- Đĩa thịt gà/ thịt lợn
- Đĩa dưa muối
- Đĩa nem
- Đĩa giò chả
- Đĩa xôi
- …
Từ xưa, ông cha ta thường dâng mâm cỗ gồm 4 bát 4 đĩa. Nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể chuẩn bị mâm cỗ 6 bát 6 đĩa hay 8 bát 8 đĩa
Ngoài ra, lễ cúng cần đi kèm những vật phẩm như: nhang/hương, vàng mã, đèn/nến, trầu cau, rượu, nước…
2.3. Mâm lễ thần tài, thổ công
Nhiều gia đình có ban Thần Tài thì vẫn thực hiện lễ cúng Rằm tháng Giêng ban Thần Tài. Với ban Thần Tài thì lễ cúng không khác gì nhiều so với những ngày khác. Quý vị có thể chuẩn bị đơn giản hoa tươi, ngũ quả, xôi chè… để cúng ban Thần Tài. Nếu gia chủ có điều kiện thì có thể chuẩn bị thêm 1 miếng thịt lợn, 3 quả trứng, 3 con tôm hoặc 1 đĩa tôm nhưng cần dâng số lẻ.
3. Bài văn khấn cúng Rằm tháng Giêng
Để cúng Rằm tháng Giêng đúng chuẩn thì không thể thiếu bài văn khấn. Bài văn khấn Rằm tháng Giêng chia thành những mục như sau:
3.1. Bài văn khấn cúng Rằm tháng Giêng tại nhà đơn giản
Đối với gia chủ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà, có thể tham khảo bài cúng Rằm tháng Giêng đơn giản từ Văn khấn cúng Rằm tháng Giêng như sau:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
– Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
– Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
– Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ……….
Ngụ tại: ……….
Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm … gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ ………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
3.2. Văn khấn ban Thần Tài ngày Rằm tháng Giêng
Nếu gia chủ có cúng ban Thần Tài, cần chú ý văn khấn cúng ban Thần Tài ngày Rằm tháng Giêng như sau:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Thần Quân
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………
Ngụ tại: ………………………………
Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng năm 2021, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
4. Những lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng sao cho đúng
Khi cúng Rằm tháng Giêng, gia chủ cần lưu ý những điều sau:
- Không dùng hoa giả, trái cây giả
Hiện nay, có rất nhiều gia đình thường dùng hoa giả, trái cây giả để cúng. Trái cây và hoa giả thường sử dụng được nhiều lần, lại có màu sắc đẹp vì thế mà nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, việc bày hoa quả trên bàn thờ là việc làm không nên. Thờ cúng phải từ tâm, cúng hoa quả giả sẽ không có hương thơm và mùi vị, tổ tiên cùng các vị thần sẽ không ăn được.
- Không dùng đồ chay giả mặn
Ngày Rằm, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ chay để dâng bàn thờ Phật và gia tiên. Mọi người cầu mong Đức Phật độ trì, gia tiên phù hộ một năm mới nhiều may mắn. Đây là việc làm tốt, những tốt nhất là nên chuẩn bị đồ chay thuần làm từ các loại rau củ tươi chứ không nên dùng đồ như giò chay, thịt chay.
- Không đốt nhiều vàng mã
Vàng mã đốt từ xưa đến nay chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Việc cúng Rằm tháng Giêng miễn là có tâm, không nhất thiết phải mua quá nhiều vàng mã. Vàng mã đốt nhiều vừa tốn kém lại ô nhiễm môi trường.
- Nên dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng
Đây là việc nên làm bởi bàn thờ là nơi an tọa của các vị thần và tổ tiên. Bàn thờ có sạch sẽ mới mong được gia tiên và các vị thần, Đức Phật phù hộ. Chú ý khi dọn bàn thờ không được xê dịch bát hương.
- Không cúng thủ lợn
Mọi nhà thường cúng Rằm tháng Giêng khá giống với ngày Tết với những món ăn truyền thống. Nhưng tuyệt nhiên không nên cúng thủ lợn. Mọi người cho rằng thủ lợn không tốt để cúng, nên hạn chế sát sinh.
- Không dùng tiền giả
Nên đặt tiền lẻ vào bàn thờ chứ không nên đặt tiền giả. Bởi, khi gia chủ cầu may mắn, tài lộc mà tiền đặt là tiền giả thì sẽ khó linh nghiệm.
>> Xem thêm:Sớ cúng Rằm tháng Giêng chuẩn nhất
Trên đây là hướng dẫn cúng Rằm tháng Giêng sao cho đúng. Hy vọng quý vị sẽ có được thêm kiến thức để áp dụng vào ngày Rằm tháng Giêng tới đây. Chúc quý vị một năm nhiều may mắn. Đừng quên theo dõi Thăng Long Đạo Quán và chuyên mục Phong Thủy Việt để cập nhật nhiều thêm các kiến thức từ chúng tôi nhé!