Bày mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những phong tục cổ truyền không thể thiếu của người Việt Nam. Mâm ngũ quả thường có 5 lọai quả và tượng trưng cho mong ước năm mới may mắn, thành công, sung túc,… Vậy mâm ngũ quả 3 miền Bắc Trung Nam khác nhau như thế nào và cách bày trí ra sao? Hãy cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé!
1.Mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa gì?
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với 5 loại quả khác nhau, được bày biện một cách hài hòa đẹp mắt, dùng để chưng vào những ngày lễ Tết. Mâm ngũ quả mang chính ý nghĩa của những loại quả được bày trên mâm.
Mỗi loại trái cây trưng trên mâm ngũ quả thường mang một ý nghĩa khác nhau thông qua tên gọi, màu sắc của chúng cũng như cách sắp xếp
- Quả bưởi, dưa hấu: hứa hẹn một năm mới đủ đầy, nhiều may mắn.
- Quả hồng, quýt: tượng trưng cho sự may mắn, hưng thịnh và thành đạt.
- Quả lê: ngụ ý cho mọi việc luôn suôn sẻ, thuận lợi.
- Quả lựu: tượng trưng cho mong muốn con cháu nhiều, vui nhà vui cửa.
- Quả đào: thể hiện sự thăng tiến trong công việc.
- Quả táo: có ý nghĩa phú quý.
- Quả thanh long: mang ý nghĩa rồng mây gặp hội.
- Trái dừa: có cách phát âm tương tự như “vừa” có nghĩa không thiếu.
- Quả sung: mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình cảm,…
- Đu đủ: mang ý nghĩa của sự đầy đủ, phồn thịnh.
- Quả xoài: có cách phát âm na ná như “xài” có nghĩa cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.
Tại sao lại là con số 5 (ngũ) loại quả. Bởi theo quan niệm người Việt , con số 5 tượng trưng cho mong muốn được ngũ phúc lâm môn: Phú (giàu có, nhiều của cải); Quý (phẩm chất sang trọng); Thọ (sống lâu trăm tuổi); Khang ( có thật nhiều sức khỏe); Ninh (cuộc sống bình an).
Thế nhưng, cách bày biện mâm ngũ quả của 3 miền Bắc Trung Nam lại có sự khác nhau. Nếu bạn ở ngoài Bắc và vào Nam sinh sống lập nghiệp hay ngược lại thì nhất định cần phải để ý điều này.
2. Sự khác nhau trong mâm ngũ quả 3 miền
- Miền Bắc: mâm ngũ quả thường đa dạng màu sắc và đảm bảo đúng ngũ hành. Họ không quan niệm các loại quả tốt xấu theo tên gọi mà theo màu sắc ngũ hành (xanh, đỏ, vàng, đen, trắng) Những loại quả không thể thiếu là chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa,..
- Miền Trung: mâm ngũ quả ngày Tết nơi đây đơn giản và bình dị nhất. Họ không quá quan trọng phải có quả nào, kiêng quả nào, thường là có quả gì gần gũi thì bày quả đó và chủ yếu là tấm lòng thành gia chủ.
- Miền Nam: nơi đây thường bày mâm ngũ quả theo tên gọi “Cầu sung vừa đủ xài” gồm 5 loại quả là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Ngoài ra không thể thiếu cặp dưa hấu bày 2 bên. Cũng theo tên gọi, họ sẽ tránh những loại quả có tên nghe xui xẻo như chuối (Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), cam, quýt (Quýt làm cam chịu),…
Ngoài ra, có một số địa phương quan niệm rằng không nên đặt những quả có gai góc như dứa lên bàn thờ vì sẽ khiến năm đó chông chênh, khó khăn hơn,… Tùy vào quan niệm của từng gia đình, từng địa phương mà bạn lưu ý chọn quả cho phù hợp để tránh mâu thuẫn trong dịp lễ trọng đại này.
Theo Thăng Long Đạo Quán, có một sự khác biệt khá lớn trong mâm ngũ quả của 3 vùng miền, nơi phải có quả này, nơi lại không nên bày. Mà với người Việt, nhập gia thì tùy tục, bạn nên lưu tâm để có thể bày biện mâm ngũ quả đẹp và phù hợp với nơi mình sinh sống nhé!
3. Cách trang trí mâm ngũ quả theo từng vùng miền
3.1. Miền Bắc
Với người miền Bắc, mâm ngũ quả được bày biện đa dạng màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng,… được phối với nhau một cách hài hòa. Những loại quả cần chuẩn bị cho mâm ngũ quả miền Bắc gồm: chuối xanh, bưởi, thanh long, cam (quýt), ớt. Ngoài chuối xanh không thể thay thế, các loại quả khác có thể thay thế bằng các loại quả khác như phật thủ, táo, xoài,… tùy theo khu vực có quả gì thì chưng quả đó. Miễn sao đủ 5 sắc màu ngũ hành là được.
Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải, phải là chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Bưởi hoặc phật thủ có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn.Quả quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả vì có màu đỏ, vàng rực rỡ, vô cùng đẹp mắt – biểu tượng cho sự may mắn, thành đạt
Cách trang trí:
Người miền Bắc thường đặt chuối xanh dưới cùng, sau đó là bưởi hoặc phật thủ bên trên, Những loại quả như thanh long, táo sẽ được xếp xung quanh, xen kẽ là ớt và quất để tô điểm cho mâm ngũ quả.
3.2. Miền Trung
Ở miền Trung, do thường phải chịu cảnh thiên tai lũ lụt, nên hoa quả không được đa dạng như miền Bắc và miền Nam. Người miền Trung khá đơn giản, không cầu kỳ và bắt buộc phải có quả gì trên mâm ngũ quả. Điều này cũng nói lên phần nào đức tính của người dân nơi đây, chân chất, mộc mạc, chủ yếu thành tâm là được.
Họ thường chọn loại quả ở thời điểm Tết hay có như:
- Thanh long
- Chuối
- Dưa hấu
- Mãng cầu
- Dứa
- Sung
- Cam
- Quýt
- Táo
Cách trang trí:
Cách trang trí mâm ngũ quả của người miền Trung không có gì quá khác biệt. Chủ yếu vẫn là những quả to xanh đặt lên trước, sau đó là các loại quả chín nhỏ đặt xung quanh. Làm sao cho mâm ngũ quả hài hòa, đẹp mắt là được.
3.3. Miền Nam
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam có chút khác biệt, nơi đây sẽ chưng các loại quả mang ý nghĩa tốt lành theo tên gọi. Cụ thể là “Cầu sung vừa đủ xài” với mong ước năm mới sung túc, may mắn, đầy đủ không thiếu thốn. Trong đó:
- Cầu – Mãng cầu
- Sung – quả sung
- Vừa- Quả dừa
- Đủ – Đu đủ
- Xài – xoài
Ngoài ra, người miền Nam không đặt những quả có tên gọi nghe xui xẻo nên bạn tránh những loại trái cây như chuối, lê, cam quýt, … nhé!
Cách trang trí:
Cách trang trí mâm ngũ quả miền Nam thông dụng nhất là đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước do có hình dáng to và khá nặng để đỡ các loại trái khác rồi sau đó mới lần lượt bày những loại quả còn lại lên.
4. Những sai lầm khi bày mâm ngũ quả ngày Tết
- Không tìm hiểu kỹ phong tục từng vùng miền, dẫn đến việc bày các loại quả không phù hợp vào ngày đầu năm
- Chọn các loại quả chín. Do mâm ngũ quả bày ngày Tết từ 3-5 ngày nên chọn những loại quả xanh và có thể để được lâu một chút. Nếu chọn các loại quả đã chín quá khi thắp hương không để được lâu và dễ bị nẫu.
- Bày quá nhiều quả, bày quả số chẵn: đây là những sai lầm bạn cần chú ý, chỉ bày tối đa 5 loại quả, đặc biệt là mỗi loại quả bày lên cũng phải là số lẻ. Ví dụ 1 quả bưởi, 3 quả táo, 7 quả ớt,…
- Rửa hoa quả trước khi bày: nhiều người cho rằng nên rửa quả trước khi bày cho sạch sẽ, điều này có thể khiến hoa quả héo nhanh. Nên bạn chỉ cần lấy khăn ẩm lau sạch quả trước khi bày là được.
Việc chọn trái cây bày mâm ngũ quả ngày Tết là một việc khá quan trọng. Chính vì vậy, bạn nên cẩn thận trong khâu lựa chọn bày biện để đảm bảo không có gì sai sót trong những ngày đầu năm.
5. Hình ảnh mâm ngũ quả ngày Tết đẹp
Hy vọng với những thông tin trên đây về mâm ngũ quả ngày Tết sẽ giúp ích cho bạn trong ngày Tết Nguyên Đán 2024. Thăng Long Đạo quán xin kính chúc quý độc giả có một năm mới an khang thịnh vượng và nhiều may mắn!