Ngày Tết quan trọng thứ 2 của Việt Nam là Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, Tết Đoan Dương. Ngày Tết Đoan Ngọ cúng gì? Lễ cúng Tết Đoan Ngọ như thế nào? Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!!!
1. Lễ cúng Tết Đoan Ngọ vào ngày nào?
Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày người dân tổ chức Lễ diệt sâu bọ hay Tết Đoan Ngọ. Năm nay 2021, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ hai ngày 14 tháng 6 dương lịch. Thứ hai bắt đầu một tuần mới, đa số mọi người thường bận rộn với công việc. Dù là vậy thì cũng đừng quên chuẩn bị đồ lễ đầy đủ dâng gia tiên, trời đất cùng các vị thần nhé!
2. Lễ diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 giờ nào tốt?
Thứ hai ngày 14 tháng 6 dương lịch là ngày Quý Tỵ. Theo đó, mọi người có thể thực hiện lễ cúng vào những giờ đẹp sau:
- Giờ Thìn: từ 7h đến 9h sáng
- Giờ Ngọ: từ 11h đến 13h chiều
Ngoài ra,bạn cũng có thể cúng vào giờ Mùi từ 13h đến 15h nếu không thể cúng vào hai khung giờ tốt trên.
3. Tết Đoan Ngọ cúng gì?
Người xưa có tích kể rằng, xưa kia có thời gian sâu bọ phát triển quá nhiều, người dân không tài nào tìm ra cách để đuổi chúng đi được. Mùa màng đứng trước nguy cơ bị tàn phá. Khi ấy, có một ông lão đã mách nước cho mọi người. Ông nói mọi người làm mâm cơm cúng với đĩa bánh gio (bánh tro), hoa quả tươi ngon… để dâng làm lễ. Sau khi cúng xong, ông kêu mọi người ra trước nhà tập thể dục. Quả thật, sau khi họ tập thể dục xong ra ngoài đồng thì sâu bọ dường như ít hẳn, cây trồng không còn bị cắn phá. Người dân biết ơn và lấy ngày này làm ngày tưởng nhớ và đặt tên là Tết diệt sâu bọ.
>> Xem thêm: Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ đâu?
Lễ Tết Đoan Ngọ cúng gì? Tham khảo những thông tin dưới đây nhé!
3.1. Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
3.1.1. Lễ vật cúng mùng 5 tháng 5 miền Bắc
Ở miền Bắc, trong ngày Tết Đoan Ngọ không thể thiếu cơm rượu nếp. Cơm rượu nếp dời, không kết dính, hạt gạo nếp được lên men rượu ăn có vị cay cay, ngọt ngọt. Nhiều người cho rằng, trong cơm rượu nếp có chứa nhiều chất có thể tiêu diệt được vi khuẩn và ký sinh trùng trong đường ruột cơ thể người. Ông bà ta khuyên rằng nên ăn cơm rượu nếp vào sáng sớm ngày mùng 5 tháng 5 bởi lúc đó, vi khuẩn và ký sinh trùng hoạt động mạnh. Gạo nếp của người miền Bắc được sử dụng là gạo nếp trắng hay nếp cẩm có màu độc đáo.
Món ăn thứ 2 của nhiều vùng miền Bắc Bộ là bánh gio hay còn gọi là bánh tro. Món này cũng được làm từ gạo nếp ngâm với nước tro nhiều ngày. Sau đó gói vào lá bánh và nấu chín. Loại bánh này khá dính, khi ăn có thể chấm với mật mía, đường… để làm tăng thêm hương vị.
Ngoài ra, các loại quả tươi ngon chắc chắn không thể thiếu trong lễ cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 của người miền Bắc. Vải, mận, dưa hấu… đang vào mùa vụ nên rất thơm ngon được ưa chuộng.
Xôi chè cũng là món ăn thanh mát phổ biến trong mẫm cỗ cúng ngày này.
Ngoài ra, trên mâm cúng không thể thiếu nước, hoa tươi
3.1.2. Lễ vật cúng mùng 5 tháng 5 miền Trung
Người miền Trung có món thịt vịt là món ăn của nhiều gia đình trong ngày lễ này. Thịt vịt độ tháng 5 đang vào mùa, không có mùi hôi và rất béo tốt. Chính bởi thế, mỗi gia đình miền Trung sẽ mua vịt về và làm thành nhiều món khác nhau như vịt quay, vịt luộc, vịt nấu măng…
Món chè kê nổi tiếng xứ Huế cũng được mọi người đem lên mâm cúng. Món chè được làm với những nguyên liệu chính là hạt kê, đậu xanh, đường thốt nốt, bột sắn… Nếu có bánh tráng mè ăn kèm thì quả là tuyệt vời. Nếu đến miền Trung, đến Huế thì nhất định bạn nên thử món ăn độc đáo này.
3.1.3. Lễ vật cúng mùng 5 tháng 5 miền Nam
Người miền Nam cũng ăn Tết Đoan Ngọ với những món như bánh ú (bánh gio, bánh tro), cơm rượu nếp. Tuy nhiên, cơm rượu nếp của người miền Nam thường được làm bằng gạo nếp trắng hơn là nếp cẩm.
Những loại hoa quả miệt vườn cũng được người dân sử dụng trong mâm cỗ cúng như chôm chôm, xoài…
3.2. Văn khấn lễ mùng 5 tháng 5
3.2.1. Văn khấn lễ mùng 5 tháng 5 trong nhà cúng gia tiên
Đa số các gia đình có lễ cúng trong nhà để dâng lên gia tiên, cảm tạ sự phù hộ và cầu mong một cuộc sống bình an, mùa màng bội thu. Văn khấn lễ diệt sâu bọ mùng 5 tháng 5 trong nhà theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam như sau:
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
– Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ chúng con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày mồng 5/5 âm lịch, nhằm ngày tết Đoan ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
Nam mô A di Đà Phật!
3.2.2. Văn khấn Tết diệt sâu bọ ngoài trời
Nhiều gia đình thực hiện nghi lễ cúng ngoài trời để tỏ lòng biết ơn trời đất cùng các vị thần đã cho mùa màng bội thu, mong cầu may mắn, bình an.
Bài văn khấn ngoài trời chi tiết như sau:
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ).
Tín chủ chúng con là:… Tuổi:.. Ngụ tại:…
Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
4. Tết Đoan Ngọ nên và không nên làm gì?
4.1. Tết Đoan Ngọ nên ăn và làm gì?
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, các gia chủ nên làm những điều sau:
- Ăn những món ăn như cơm rượu nếp, bánh gio, hoa quả tươi..
- Đeo vòng trường thọ: Dùng dây ngũ sắc kết thành vong, sau đó đeo trên cổ, trên tay hay treo trước cửa nhà để tránh bệnh tật, phù hộ cuộc sống được bình an.
- Đeo túi thơm: Người ta sử dụng túi thơm với mong muốn có thể đẩy lùi bệnh tật, xua đuổi tà khí.
- Tắm nước hoa tươi: bất luận là già, trẻ, gái, trai đều có thể thực hiện tắm hoa tươi thanh lọc cơ thể. Mong sao cho sức khỏe được dồi dào.
- Phóng sinh: nhân dịp Tết Đoan Ngọ, gia chủ có thể thực hiện phóng sinh để tăng thêm phúc đức và may mắn.
- Ngoài ra ở nhiều vùng miền, người dân còn ăn bánh ngũ độc để tránh tà và tiểu nhân giở trò. Bánh này là loại bánh có màu sắc khác nhau và hình thù của 5 loại động vật kịch độc là bọ cạp, ếch, nhện, rết, rắn.
4.2. Tết Đoan Ngọ không nên ăn và làm gì?
4.2.1. Tết Đoan Ngọ không nên ăn gì?
- Tránh ăn hoa quả, trái cây hóng, héo hoặc bị sâu. Đây là điềm không may báo hiệu những điều chẳng lành về sau. Hơn nữa, hoa quả sâu đi trái ngược lại với ước nguyện diệt trừ sâu bọ và mong muốn mùa màng bội thu của cha ông.
- Không nên ăn mực: Ăn mực sẽ bị đen đủi đeo bám, làm gì cũng không thành công trong tháng này.
- Không nên ăn mắm tôm: Người kiêng ăn mắm tôm vì sợ sự ô tạp, hôi hám, gây độc cho cơ thể.
4.2.2. Tết Đoan Ngọ không nên làm những gì?
- Không nên soi gương vào ban đêm: từ 11h đến 1h đêm là lúc dương khí suy giảm. Gương là vật hội tụ những tà khí, vào ngày Tết Đoan Ngọ, chúng ta không nên soi gương vào ban đêm và nên kiêng kỵ chụp ảnh vào thời điểm này.
- Kiêng mua đồ lưu niệm hình thù kỳ quái: Việc này dễ mang về những điều không may vì chúng ta không biết rõ nguồn gốc của sản phẩm mình mang về. Trong những vật lưu niệm dễ chứa tà khí.
- Không xếp mũi giày quay vào trong nhà. Nhiều nước châu Á coi việc quay giày vào phía trong nhà là điều tối kỵ. Và vào ngày này thì tốt nhất bạn không nên làm như vậy. Giày dép trong tiếng Hán còn gần với “tà” trong tà khí, mang ý nghĩa không hay.
- Cẩn thận tránh để rơi mất tiền: Tiền bạc để rơi vào ngày quan trọng rất dễ dẫn đến xui xẻo.
- Không nên ở lại những nơi nhiều âm khí quá muộn: Ví dụ như nhà tang lễ, bệnh viện… Đây là những địa điểm chứa nhiều âm khí, dễ dẫn đến ốm đau bệnh tật.
- Nên hạn chế ân ái vợ chồng vào ngày này: theo dân gian, vào ngày Lễ diệt sâu bọ, cơ thể con người có thể không được khỏe mạnh, có thể bị suy kiệt khi sinh hoạt vợ chồng rất nguy hiểm.
>> Xem thêm: Tết Đoan Ngọ đi chơi ở đâu?
Những thông tin trên đây hy vọng đã giúp bạn có được những kiến thức đầy đủ và chính xác nhất về ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 cũng như biết được Tết Đoan Ngọ cúng gì. Chúc bạn có một ngày lễ suôn sẻ và bình an.Đừng quên theo dõi Thăng Long Đạo Quán hoặc tải ứng dụng phong thủy cùng tên để được cập nhật các thông tin chính xác nhất về phong thủy cũng như phong tục Việt Nam nhé!