Bốc mộ hay còn gọi là sang cát, sang tiểu, cải táng. Đây là phong tục lâu đời và rất quan trọng đối với người miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Để tìm hiểu chi tiết hơn về phong tục bốc mộ ở miền Bắc, hãy cùng theo dõi qua bài viết sau của Thăng Long Đạo Quán.
1. Bốc mộ, cải táng là gì? Ý nghĩa của việc bốc mộ?
Bốc mộ là việc di dời mộ phần của người thân sang khu đất khác, làm cho thân thể người mất được sạch sẽ, không để thân thể họ ở lâu trong quan tài mục nát.
Nghi lễ bốc mộ thường phổ biến ở miền Bắc hơn miền Nam. Việc làm này có ý nghĩa:
- Thể hiện sự thành tâm, hiếu kính của con cháu đối với người thân đã khuất.
- Mang ý nghĩa giúp cho vong hồn người thân không cảm thấy hiu quạnh.
- Đây cũng là cách để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Bốc mộ là gì?
2. Khi nào nên bốc mộ?
Khi xem thời điểm bốc mộ thích hợp, bạn nên dựa vào 5 tiêu chí sau:
- Thời điểm có thể bốc mộ sau khi an táng người mất:Theo phong tục từ xa xưa, người mất sau 3 năm thì có thể bốc mộ, cải táng vì đây vừa là lúc đã mãn tang, vừa là thời điểm tử thi đã phân hủy hết. Tuy nhiên, hiện nay do môi trường có nhiều thay đổi, hóa chất được sử dụng nhiều hơn trong đất để phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời thường ngày con người cũng dùng nhiều hóa chất hơn nên sau 3 năm, hiện tượng xác người mất chưa phân hủy hết diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, để tránh tình trạng trên, sau khi người mất khoảng 4 – 7 năm, nhiều gia đình mới tiến hành nghi lễ này.
- Mùa tốt nhất trong năm để bốc mộ: Bốc mộ nên được tiến hành từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm ( ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch) bởi dân gian cho rằng đây là thời điểm “âm vượng”.
- Năm nên bốc mộ: Một số chuyên gia phong thủy cho rằng, nên bốc mộ vào năm hợp với tuổi của trưởng nam trong nhà, vì mọi chuyện may rủi khi cải táng sẽ do người này gánh vác. Bên cạnh đó nên tránh những năm xung với tuổi của vong.
- Ngày, giờ bốc mộ: Gia chủ nên nhờ thầy phong thủy xem ngày, giờ tốt để bốc mộ. Tuy nhiên, bốc mộ nên tiến hành vào ban đêm hoặc sáng sớm (khi chưa có ánh mặt trời). Bởi dân gian cho rằng, tiến hành vào ban đêm sẽ tránh làm xương cốt bị đen và hỏng.
Xem thêm:Bốc mộ vào ban ngày có được không?
3. Các công việc cần tiến hành khi bốc mộ
3.1. Xem ngày, giờ, năm bốc mộ
- Gia chủ nên chọn tuổi bốc mộ thuộc Tam Hợp hoặc Lục Hợp, Chi Đức Hợp, Tứ Kiểm Hợp với trưởng nam và vong.
- Ngoài ra nên chọn ngày, giờ tương sinh hoặc bình hòa với người đã mất và trưởng nam trong nhà.
- Nên tránh ngày, năm tương khắc với tuổi của vong, trưởng nam.
3.2. Chọn vị trí địa lý để đặt huyệt đất mới
Khi chọn vị trí địa lý để đặt huyệt đất mới, bạn nên nhờ thầy địa lý. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện, và bắt buộc quy tập mộ phần do địa phương quy định thì có thể lựa chọn huyệt trong vùng đất đó dựa vào những gợi ý sau:
- Đất để đặt mộ mới chưa từng bị chôn lấp, đào xới. Nếu là vùng đồng bằng thì nên là đất mịn, khi đào lên khoảng 6m thì có màu vàng nhạt hoặc nâu đậm. Nếu ở vùng núi đồi thì đất không nên quá khô, có màu vàng nhạt.
- Nếu chọn được khu mộ có phần đất phía trước thông thoáng, hướng ra ao hồ, sông suối thì càng tốt.
- Không nên chọn khu đất ở đáy huyệt có mạch nước ngầm chảy xiết bởi về sau sẽ dễ trôi mất tiểu.
- Khu vực đặt mộ mới nên yên tĩnh, tránh xa lối đi. Đặc biệt nên tránh đặt mộ có đường đi phía sau, đường đi hai bên, đường đi hướng thẳng vào mộ.
3.3. Các đồ vật cần chuẩn bị để bốc mộ
Để sang cát cho người mất thì bạn nên chuẩn bị những đồ vật sau:
- 1 cái tiểu sành.
- 1 cái quách làm sẵn.
- 1 miếng vải đỏ.
- 1 tấm ni lông.
- 2 chai rượu nồng độ cao ngâm với ngũ vị hương (thường bán ở các tiệm thuốc Bắc).
- 1 cái xô hoặc chậu nhựa dùng để rửa xương.
- 1 tấm bạt để che gió.
- Giấy trang kim.
- Vải bọc cốt.
- Tiền cổ (đồng trinh).
- Thất bảo hoặc tiền lẻ.
- Hoa nhài khô hoặc hoa cúc khô.
- Vải bọc tiểu.
- Đá thạch anh ngũ sắc.
3.4. Các bước tiến hành bốc mộ
Trước khi cải táng mộ, người nhà thường làm lễ cúng gia tiên để xin phép. Mâm cúng sẽ tùy vào điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên sẽ thường có 1 đĩa xôi, 1 con gà luộc, 1 đĩa rau xào hoặc luộc.
Sau đó gia chủ sẽ đến nghĩa địa cùng với người thực hiện bốc mộ để làm lễ cúng thần linh cai quản vùng đất đó. Thông thường lễ cúng sẽ có: áo, ủng, mũ dành cho Quan Thần Linh; 1 con ngựa; tiền vàng; 1 đĩa trầu cau; 1 chai rượu; 1 bao thuốc lá; đèn nến; gạo muối. Nếu có điều kiện hơn thì có thể cúng thêm 1 con gà trống luộc; 1 bộ tam sên (1 miếng thịt lợn luộc, 1 quả trứng luộc, 1 con tôm luộc).
Sau khi làm xong những việc trên, người có nhiệm vụ bốc mộ sẽ thực hiện những công việc như sau:
- Bước 1: Đào đất ở mộ phần. Đến khi thấy quan tài thì người ta sẽ cậy ván thiên lên, đổ rượu vào quan tài để tẩy uế.
- Bước 2: Tiến hành lấy xương cốt của người mất. Với trường hợp thi thể của người quá vãng chưa phân hủy hết thì sẽ phải đổ xăng vào mộ và đốt cháy phần chưa phân hủy. Tiếp đó dùng dao lấy phần thi thể chưa phân hủy còn lại.
- Bước 3: Dùng rượu ngâm ngũ vị hương để rửa xương cốt và dùng vải thấm khô xương.
- Bước 4: Trải 1 tấm ni lông bên dưới, 1 tấm vải đỏ ở trên rồi xếp xương lên theo thứ tự từ đầu đến chân. Riêng hộp sọ thì dùng vải hoặc trà kê bên dưới và cho mặt hướng lên trên.
- Bước 5: Kiểm tra lại xem xương cốt đã đủ hay chưa. Bên cạnh kiểm tra bằng mắt thường thì dân gian còn dùng thêm cách khác là cắm 1 bó hương to giữa đáy huyệt. Nếu thấy khói quyệt lại và bay thẳng lên trên tức là đã bốc hết cốt. Còn khói hương tỏa xuống, bay quanh lòng huyệt nghĩa là chưa lấy hết xương.
- Bước 6: Xếp tiền cổ (đồng trinh) ở dưới đáy tiểu. Sau đó trải giấy trang kim kín lòng tiểu. Gia chủ lưu ý nên để mặt kim quay vào lòng tiểu. Tiếp đó trải vải bọc cốt lên, xếp xương vào. Tuy nhiên cần chú ý phân biệt đầu tiểu và chân tiểu. Đầu tiểu có hình chữ Thọ tròn, chân tiểu có hình chữ Thọ vuông.
- Bước 7: Cho thất bảo, thiếc vàng, thiếc bạc vào cùng xương cốt. Tuy nhiên, nếu gia đình nào không có điều kiện thì có thể dùng tiền lẻ để thay thế. Sau đó gấp vải lại, chỉ để hở mặt của cốt.
- Bước 8: Đóng nắp tiểu, trùm vải gấm thêu hoa lên rồi đặt vào quách. Dùng nêm gỗ để cố định tiểu trong quách.
- Bước 9: Cho đá thạch anh ngũ sắc vào giữa khe tiểu sành và quách. Cuối cùng cho hoa cúc khô hoặc hoa nhài khô lên trên và đóng nắp quách lại.
Sau khi người có nhiệm vụ bốc mộ đã làm những việc trên thì sẽ tiến hành xây mộ mới (gia chủ có thể thuê người khác làm, hoặc thành viên trong gia đình làm đều được).
Bốc mộ, sang cát có quy trình như thế nào?
3.6. Tiến hành lễ tạ mộ
Đây là thủ tục quan trọng, vì thế bạn cần chuẩn bị lễ cúng chỉn chu. Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà chuẩn bị mâm lễ. Tuy nhiên, trong mâm cúng lễ tạ mộ thường gồm những lễ vật sau:
- 10 bông hoa hồng đỏ.
- 3 lá trầu, 3 quả cau.
- 1 mâm trái cây tươi.
- 1 đĩa xôi trắng.
- 1 con gà trống luộc để nguyên con.
- 1 chai rượu trắng.
- 10 lon bia.
- 2 bao thuốc lá.
- 2 gói trà mạn.
- 2 cốc nến.
- Vàng mã: 5 con ngựa, mỗi con có 1 màu riêng; 1 cây vàng hoa đỏ; 5 bộ mũ, áo, hia; 5 bộ cờ lệnh, kiếm, roi; 10 lễ tiền vàng.
Sau khi đã đặt các lễ vật trên lên bàn thờ, người con trai hoặc cháu trai trong gia đình, dòng họ sẽ đọc văn khấn lễ tạ mộ, tiến hành cúng bái.
Sau khi đã xây mộ xong, gia đình sẽ tiến hành lễ tạ mộ.
4. Văn khấn cúng lễ cải táng
4.1 Văn khấn gia tiên trước khi bốc mộ, sang cát
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
– Con lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương
– Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
– Con kính lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ tỷ
Hôm nay là ngày…. tháng …. năm ……., tại tỉnh……huyện……xã……thôn……..
Hiển khảo (hoặc tỷ)………………………………………mộ tiền
Than rằng: Thương xót cha (hay mẹ)xưa, vắng xa trần thế.
Thác về, sống gửi, đất ba thước phải vùi chôn.
Phách lạc hồn bay, hình trăm năm khó gìn để;
Lúc trước việc nhà bối rối, đặt để còn chưa hợp hướng phương.
Tới nay, tìm đất tốt lành, sửa sang lại, cầu an hình thể.
Rày thân: Phần mộ dời xong, lễ Ngu kính tế.
Hồn thiêng xin hưởng, nguyện cầu vĩnh viễn âm phần.
Phúc để di lưu, phù hộ vững bền miêu duệ.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
4.2. Văn khấn thần linh trước khi bốc mộ tại nghĩa trang
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy các ngài Long Mạch, Sơn Thần, Thổ địa, Thần linh cai quản trong xứ này.
Hôm nay là ngày……tháng…..năm……
Tín chủ (chúng) con là:……………………..
Ngụ tại………………………………………………
Nhân hôm nay ngày Cải Cát (dời mộ, sửa mộ) của…………… mộ phần tại………
Chúng con cùng toàn thể gia quyến tuân theo nghi lễ sắm sửa hương hoa lễ vật dâng lên án tọa Tôn thần cùng chư vị uy linh, kính cẩn tấu trình.
Kính cáo Sơn Thần, Thổ Thần, Long Mạch và các vị Thần linh, cúi xin chứng minh, phù hộ cho toàn gia chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Khấn thần linh trước khi bốc mộ
4.3. Văn khấn lễ tạ mộ
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Nam mô a di đà phật!
Con kính lạy:
– Quan đương xứ thổ địa chính thần
– Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần,
– Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
– Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Con kính lạy vong linh ……….
Hôm nay là ngày…tháng…năm…,
nhằm tiết ….. Chúng con là:…………… Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở noi này.
Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối.
Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ.
Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.
Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong)
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Khấn lễ tạ mộ.
5. Những lưu ý khi bốc mộ, làm lễ cải táng
Khi tiến hành tục cải táng, bốc mộ, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Trẻ em, phụ nữ mang thai, những người đang có sức khỏe không tốt thì không nên đi bốc mộ vì trong quan tài có nhiều vi sinh vật độc hại, khiến cho những người này dễ bị ốm yếu.
- Người tham gia bốc mộ nên đeo khẩu trang, bao tay kỹ càng để đảm bảo sức khỏe.
- Trước khi cải táng, bạn nên kiểm tra xem mộ phần có đang kết hay không. Bởi theo quan niệm dân gian, khi mộ kết thì con cháu sẽ làm ăn thịnh vượng. Tuy nhiên nếu cải táng khi mộ đang kết thì sẽ khiến con cháu làm ăn đi xuống, gia đạo lục đục, gặp rất nhiều chuyện xui xẻo. Đặc điểm bên ngoài của mộ kết là sau một thời gian chôn cất, phần đất của ngôi mộ sẽ đùn lên, khiến ngôi mộ to bất thường. Ngoài ra, để nhận biết mộ kết thì cũng có thể kiểm tra bằng phương pháp cảm xạ.
- Trường hợp khi đang tiến hành bốc mộ mà thấy quan tài có những giọt nước đục như sữa, tơ hồng hoặc mạng nhện kết trong nắp quan tài thì không nên tiếp tục bốc mộ. Lúc này, hãy đổ xôi vào, lấp mộ lại và về nhà làm lễ tạ.
- Khi đang đào đất của mộ phần lên mà gặp rắn vàng thì không nên thực hiện bốc mộ vì dân gian cho rằng đây là hiện tượng “long xà khí vật”. Thay vào đó, hãy lấp lại mộ, sau đó về làm lễ tạ chỉn chu.
Xem thêm:Bốc mộ thấy cá trê có xui không?
Trên đây là những thông tin cơ bản về phong tục bốc mộ, cải táng, sang cát. Để cập nhật nhanh chóng các kiến thức về phong thủy, phong tục Việt Nam, gia chủ hãy tải ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại. Ngoài ra, khi dùng ứng dụng này, gia chủ còn được dùng miễn phí các công cụ hữu ích như luận giải lá số Bát tự/ Tử vi, xem ngày tốt – xấu, xem tuổi…
Cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại tại đây: