Quan Hoàng Bảy hay còn được gọi là Quan Hoàng Bảo Hà. Ông được thờ ngay chính đền Bảo Hà, Lào Cai. Quan Hoàng Bảy là ai? Sự tích Quan Hoàng Bảy như thế nào? Đền ông Hoàng Bảy ở đâu?… Tất cả sẽ được giải đáp sau bài viết này của Thăng Long Đạo Quán. Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
1. Ông Quan Hoàng Bảy là ai?
Quan Hoàng Bảy là một trong mười vị quan hoàng trong Tứ phủ Quan hoàng. Tứ phủ Quan Hoàng còn được gọi là Tứ phủ Thánh Hoàng hay Thập vị Quan Hoàng. Bao gồm mười vị Quan Hoàng, hầu hết được quy về làm con Đức vua cha Bát Hải Động Đình.
Trong đạo Mẫu, Tứ phủ Thành Hoàng đứng sau Ngũ vị Tôn Ông và Tứ phủ Thành Chầu, đứng trên Tứ phủ Thánh Cô và Tứ phủ Thánh Cậu.
Văn Quan Hoàng Bảy
Gió nam thoảng đưa hương bay ngào ngạt
Bóng ác tà đã gác non tây
Trăng in mặt nước vơi đầy
Bảo Hà có tích xưa nay còn truyền
Quan Hoàng Bảy trần miền Băc địa
Hợp binh hùng lục thuỷ Thao Giang
Quân cơ mưu lược luận bàn
Doang trung thường có hai hoàng vào ra
Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Hai
Can qua dâu bể biến dời
Anh hùng xưa đã ra người cung tiên
Nhớ công đức lập đền phụng sự
Thổ, Mán, Nùng tiên nữ dâng hoa
Thú vui điếu khách bàn trà
Phong lưu thuốc cống Bảo Hà dâng ông
Hoàng hoa tửu khăn hồng gối xếp
Ngự tính tình phong nguyệt hoạ ca
Nhắn ai lên đất Bảo Hà
Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên
Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích
Quan Bảo Hà thực đích trung quân
Sinh thời làm tướng trung thần
Tấc lòng yêu nước thương dân hãy còn
Dẫu bể cạn non mòn cũng quyết
Thử ra tài cho biết oai danh
Bao phen lẫm liệt tung hoành
Định an xã tắc đề binh cõi ngoài
Đất Lào Cai là nơi dụng võ
Quyết ra tay đội ngũ tiến công
Biên cương súng nổ đùng đùng
Sa trường sương núi máu sông chẳng nề
Đem quân về Thất Khê phòng thủ
Đền Bảo Hà lạc thú huê viên
Mãn tuần chiếu hạc hồi thiên
Tấm thân thoát lánh nghiệp duyên cõi trần
Bỗng một trận sầu vân ám kết
Hiện chân hình dạo Bắc hết Nam
Vui cùng nước biếc trăng ngàn
Tốt tươi quả lạ trăng vàng đìu hiu
Độ dân xã ngày Nghiêu tháng Thuấn
Cõi Việt Nam Bắc trấn oai danh
Từ bi cải dữ làm lành
Chọn ngươi nữ tú nam thanh chấm đồng
Kẻ xuôi ngược dưới sông trên bộ
Ai khẩn cầu tế độ thì qua
Hoàng về trắc giáng điện toà
Hộ trì đệ tử vinh hoa thọ trường.
2. Sự tích Quan Hoàng Bảy
Về sự tích Quan Hoàng Bảy có rất nhiều dị bản. Tuy nhiên, theo các tài liệu có sự đáng tin thì sự tích Ông Hoàng Bảy được kể lại rằng:
Vào thời Lê (1740-1786), tại vùng Bảo Hà và biên cương phía Bắc, giặc Trung Quốc tràn sang tàn phá. Các tù trưởng ở đây đấu đá lẫn nhau, Tổ quốc lâm nguy. Vì thế, triều đình đã cử danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn thủ.
Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan giặc ngoại xâm. Với nội bộ, ông đã có công chiêu dụ các tù trưởng, thổ hào… Nhân dân quanh vùng đó trở thành một lực lượng thống nhất, đoàn kết. Bảo Hà trở thành một căn cứ quân sự lớn bảo vệ biên ải Tổ quốc.
Ông được các triều vua phong tặng mỹ tự “Trần An Hiển Liệt” và “Thần vệ quốc”. Trong một trận chiến sau này, ông đã anh dũng hy sinh. Thân xác ông trôi dạt vào đất Bảo Hà ngày nay. Nhân dân nhớ ơn nên đã lập đền thờ.
Có thể thấy rằng, Quan Hoàng Bảo Hà là một nhân thần. Tuy nhiên, cũng chưa có tài liệu nào chính thống khẳng định về thân thế của ông Hoàng Bảy.
3. Đền Quan Hoàng Bảy
3.1. Đền thờ Quan Hoàng Bảo Hà ở đâu?
Đền thờ ông Hoàng Bảy được lập ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây chính là nơi năm xưa di hài của ông được lưu lại. Nằm dưới chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, bên bến phà xã Bảo Hà.
Đền ông Hoàng Bảy có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ. Phía tả ngạn sông Hồng cuồn cuộn chảy. Còn bên hữu ngạn là một hồ rộng, tạo cho nhà đền cảnh đẹp trữ tình.
Ngôi đền được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng).
3.2. Nên đi lễ đền thờ Quan Hoàng khi nào?
Đền ông Hoàng Bảy thường hay diễn ra nhiều lễ hội. Trong đó, những ngày lễ chính là Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/05 âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/07 âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên).
Ngày tiệc chính của ông là ngay 17/07 âm lịch. Thông thường, vào ngày này, ở đền ông tấp nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo lạc… để cầu tài cầu lộc.
4. Đôi nét về tiệc Quan Hoàng Bảy
Tiệc ông Quan Hoàng Bảy cũng sẽ trùng với thời điểm lễ Ngài, đó chính là vào 17/7 âm lịch hàng năm. Khánh tiệc Đức Hoàng Bảy là một trong ba Đại lễ của Phủ Chúa Bắc Hà.
Tiệc ông Hoàng Bảy sẽ diễn ra nhiều hoạt động như tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá – thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.
Quan Hoàng Bảy là vị thánh hoàng thường hay ngự về đồng nhất trong Thập vị Quan Hoàng, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Quan Hoàng Bảy được Mẫu giao chấm lính nhận đồng.
Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng.
Xem thêm: Tiệc Tứ Phủ là gì
5. Vật phẩm lễ Quan Hoàng Bảy
Đi lễ cốt là thành tâm. Nếu đi theo đoàn thì mọi người sắm lễ đầy đủ, có thể tham khảo mâm lễ như sau:
- Lễ mặn (xôi, gà), rượu, bia, nước ngọt, nước khoáng
- Hoa tươi, quả tốt
- Bánh, kẹo lạc, trà, thuốc lá
- Vàng lá, hương, nến, tiền trần, cau trầu
- 1000 vàng Bốn Phủ, 1000 vàng tím…
Nếu có đủ điều kiện hơn thì có thể sắm thêm ngựa, quần áo…
Tuy nhiên, không nhất thiết phải sắm đủ các món. Quan trọng nhất vẫn là thành tâm cúng lễ.
Bài viết dựa trên những kiến thức Thăng Long Đạo Quán sưu tầm và tóm lược lại. Hy vọng quý vị hiểu thêm về vị Quan Hoàng Bảy trong Thập vị Quan Hoàng Tứ phủ.
Các bài viết hay liên quan: