Quẻ Lôi Trạch Quy Muội là quẻ số 54 trong tổng số 64 quẻ Kinh Dịch. Vậy đây là quẻ hung hay cát? Luận giải ý nghĩa của quẻ này như thế nào? Ứng dụng của Lôi Trạch Quy Muội vào đời sống hàng ngày ra sao? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết tổng hợp dưới đây của Thăng Long Đạo Quán nhé!
1. Quẻ Lôi Trạch Quy Muội là gì?
Quẻ Lôi Trạch Quy Muội, đồ hình ||:|:: còn gọi là quẻ Quy Muội (歸妹 gui1 mei4), là quẻ thứ 54 trong Kinh Dịch.
- Nội quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).
- Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).
Giải nghĩa: Tai dã. Xôn xao. Tai nạn, rối ren, lôi thôi, nữ chi chung, gái lấy chồng. Ác quỷ vi sủng chi tượng: tượng ma quái làm rối.
XEM THÊM: Quẻ Kinh Dịch là gì?
2. Luận giải ý nghĩa quẻ Lôi Trạch Quy Muội
2.1. Thoán Từ
Qui muội, chinh hung, vô du lợi.
歸 妹,征 凶,無 攸 利。
Qui muội, là gái theo trai.
Người trai do động tình mà thương gái, gái cũng vui lòng theo trai, theo các bậc tiên hiền đều cho đây là tà đạo, không phải là chính đạo, nên chê lắm! Việc này gây nhiều lo lắng không tốt, đó là một hung triệu cho hạnh phúc gia đình, cho cả hai nam và nữ! không có chút gì lợi cả (vô du lợi 無 攸 利).
Người thiếu nữ ở nội Đoài, với người đàn ông con trai ở ngoại Chấn, đôi lứa không cân xứng, chỉ vì ham vui mà người con gái lại theo trai, xét 2 hào Nhị Ngũ đều bất chính cả (Nhị thì dương cư âm; Ngũ thì âm cư dương), cho nên cái “Vui này” (duyệt 說) là cái vui bất chính, cái đó là xấu rồi! còn như người con gái tự động theo trai, càng xấu hơn nữa! Bởi vậy Qui Muội thì “chinh hung” và không lợi được việc gì cả (vô du lợi 無 攸 利).
Nói về tình cảm rất nặng giữa Nam Nữ, có tạo đoan phu phụ cũng là Nam với Nữ, tại sao ở Hàm thì nói “thú nữ kiết”, còn ở Qui Muội thì lại nói “chinh hung, vô du lợi”? Là bởi ở Hàm, thì Nam ở hạ quái, Nữ ở thượng quái, Nam đi cầu Nữ, và Nữ mới thuận mà theo Nam, các hào Nhị Ngũ đều chính ứng với nhau (Lục Nhị ứng với Cửu Ngũ): “Dương xướng, Âm họa”.
Còn ở Qui Muội, trái lại, Nữ đi cầu Nam, quả là bất chính vô đạo, mất cả thể thống và lại trái với tâm lý thông thường khiến cho đàn ông khinh đàn bà, làm sao có việc lâu dài được?
Gọi là “chinh hung”, là bởi 4 hào giữa quẻ đều bị Âm Dương điên đảo cả! Lẽ ra Nhị là Âm mà lại là hào Dương; Tam lẽ ra là hào Dương mà lại là hào Âm; Tứ lẽ ra là hào Âm thì lại là Dương; Ngũ, lẽ ra là Dương, thì lại là Âm, đều là Âm Dương điên đảo cả, thì còn nói gì đến hạnh phúc của tình yêu đôi lứa? Đó là “Âm Dương Thiên Địa bất giao, nhi vạn vật bất hưng”. “Nhu thượng cương dã” là nói 2 hào Tam Ngũ, lẽ ra phải là Cửu Tam Cửu Ngũ, thì lại là Lục Tam Lục Ngũ: gọi là Nhu cỡi Cương là thế!
2.2. Đại Tượng
Trạch thượng hữu lôi: qui muội.
象 曰:澤 上 有 雷,歸 妹。
Quân tử dĩ vĩnh chung tri tệ.
君 子 以 永 終 知 敝。
Trên đầm có sấm, là tượng Qui Muội. Người quân tử xem đó mà thấy, các điều tệ hại làm sao bền vững được, hãy nên theo lẽ chính để cầu được sự vĩnh viễn, và có được chung kết.
Nghĩa là người quân tử nhận thấy được cái “hữu hạn” trong cái “vô hạn”; những cảnh tượng phù du trong cái thiên thu bất tận. Sấm động làm chao động mặt nước của đầm hồ! Người con gái theo cảm hứng nhất thời của “ái tình sấm sét” làm động cảm tâm tư, chỉ trong chốc lát thôi! Cho nên trước sự cảm hứng nhất thời ấy, chớ bao giờ vội vàng hấp tấp! phải dè dặt, cẩn thận để cho thời gian làm lắng đọng mối xúc cảm, để ý nhìn đến phần chung kết như thế nào?
Những thứ “tình sấm sét” do Lôi Chấn gây nên bất ngờ, lắm khi xô đẩy con người vào cõi “địa ngục thiên thu” sau này, như đoạn văn sau đây nói về mối tình giữa Kiều và Kim Trọng trong một đêm mà mẹ cha đi vắng:
Hoa hương càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mặt, càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi…
Thưa rằng: Đừng lấy làm chơi,
Để cho thưa hết một lời đã nao!
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh!
Đã cho vào bực “bố kinh”
Đạo tòng phu lấy chữ Trinh làm đầu.
Ra tuồng trên bộc trong dâu,
Thì con người ấy, ai cầu làm chi?
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày?
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương?
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên đã chán chường yến anh.
Trong khi chắp cánh lìa cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Mái Tây đã lạnh hương nguyền,
Cho duyên đầm ấm ra duyên bẽ bàng.
Gieo thoi trước chẳng giữ gìn,
Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?
Đoạn thơ văn trên đây, có lẽ Nguyễn Du đã căn cứ vào Qui Muội “Qui muội, dĩ vĩnh chung chi tệ” mà hội ý chăng? hoặc chẳng phải như vậy, thì cũng giúp ta hiểu rõ câu kinh này.
Sở dĩ về sau có sự “tệ bạc” là vì lúc ban đầu không biết cẩn thận, không biết giữ gìn “trinh tiết”! Bất luận là việc giao tế giữa trai hay gái, hay việc gì khác, đã muốn có sự chung hợp lâu dài, đều phải hết sức cẩn thận trong lúc ban đầu! “Vạn sự khởi đầu nan!” Mình có biết tự trọng, thì người mới trọng!
XEM THÊM: Luận giải 64 quẻ trong Kinh dịch!
2.3. Tiểu Tượng
2.3.1. Hào Sơ Lục
Qui muội dĩ đệ, phả năng lý, chinh kiết.
初 九:歸 妹 以 娣,跛 能 履,征 吉。
Tượng viết:
Qui muội dĩ đệ, dĩ hằng dã; phả năng lý, kiết, tương thừa dã.
象 曰:歸 妹 以 娣,以 恆 也,跛 能 履, 吉,相 承 也。
Sơ Cửu, có đức dương cương, thuộc về phần đứa con gái có đức hiền thục, nhưng vì Sơ còn ở dưới thấp quá lại không có chính ứng (vì Tứ cũng thuộc dương nên không ứng được), tượng là người “đệ thiếp” (Lệ xưa bên Trung Quốc, khi bậc Thiên tử hay các bậc Công Hầu) hễ cưới vợ, tuy cưới chỉ có một người, nhưng có năm ba người em gái hay cháu gái được cùng theo người vợ ấy, gọi bằng “đệ 娣”. Sơ Cửu, là phận thấp, nên được theo “cô dâu” cùng về nhà chồng! để lo phục vụ cho cô dâu.
Thiếu nữ bị động vì tư tà, nên mới “chinh hung”, còn cô gái “đệ thiếp” này “bị động” vì phận sự. Cho nên, nếu đi làm “đích thê” thì không tốt, mà đi để làm “đệ thiếp” thì xứng với phận, mới có câu “chinh kiết”. “Qui muội, dĩ “đệ”, dĩ “hằng” là thân phận đệ thiếp, thì theo người vợ đích (đích thê) mà về, là phận thường (“hằng”), nên “kiết”. Dương cư dương, đi giúp việc thì tốt, chứ không phải đến để làm vợ! (vì vợ thì phải là hào âm).
2.3.2. Hào Cửu Nhị
Diếu năng thị, lợi u nhân chi trinh.
九 二:眇 能 視,利 幽 人 之 貞。
Nhị, là hào dương cương, đắc trung đắc chính, là người con gái trinh thục, hiền hậu, lẽ ra phải có người chồng tốt là Lục Ngũ. Nhưng, tiếc gì ông chồng Lục Ngũ thuộc âm nhu, bất tài, dở dang, nên hào từ tiếc cho Cửu Nhị, như người mắt nheo mà lại hay dòm, và chỉ dòm thấy được gần thôi (cận thị) (“diếu năng thị”) nên cần giữ phận người kín đáo lặng lẽ cho an phận… Có được trinh chính mới có lợi cho Cửu Nhị mà thôi!
Tóm lại, Cửu Nhị là trường hợp người con gái gặp phải một người chồng làm cho cô thất vọng. Người đàn ông cùng người đàn bà nên cùng nhau hợp tác như 2 con mắt hợp tác với nhau để xem sự vật. Té ra ông chồng này lại bất trung, bội bạc thành ra cô ấy sống trong cảnh cô đơn, như người chỉ còn có một mắt… nhưng nàng vẫn trung thành suốt đời trong cảnh cô đơn.
2.3.3. Hào Lục Tam
Qui muội dĩ tu, phản qui dĩ đệ; vị đáng dã.
六 三:歸 妹 以 須,反 歸 以 娣,未 當 也。
Lục Tam đứng trên hết nội quái, lẽ ra đâu phải đi làm “đệ thiếp”! nhưng vì là hào âm, lại cư dương vị, là người bất chính… Vì quá nặng về tình cảm, thấy ai cũng vui vẻ chạy theo, quá dễ dãi, nên không ai thèm cưới làm vợ. Cứ chờ đợi (tu, là chờ đợi), và chờ đợi mãi cũng chẳng thấy ai chịu cưới mình, thôi thì trở về làm người “đệ thiếp” may ra (phản quy dĩ đệ 反 歸 以 娣).
Thật là cảnh cực kỳ ti tiện, nhưng ở đây, đâu phải để nói riêng về con gái mất nết? Ở đời còn biết bao kẻ sẵn sàng chạy theo người, nhưng vì quá cầu cạnh nên không ai chịu dùng mình! Rốt cùng, xin đi ở làm kẻ “nô tỳ” không hơn không kém! mà còn bị khinh.
2.3.4. Hào Cửu Tứ
Qui muội khiên kỳ, trì qui hữu thời.
九 四:歸 妹 愆 期,遲 歸 有 時。
Tượng viết:
Khiên kỳ chi chí, hữu đãi nhi hành dã.
象 曰:愆 期 之 志,有 待 而 行 也。
Cửu Tứ, khác Lục Tam, vì Cửu Tứ là dương cương, người con gái đã quý lại hiền, lẽ ra phải được sớm có chồng, nhưng vì không có chính ứng bởi Tứ và Sơ cùng một loại dương nên không cảm nhau. Chờ có người tốt đến cưới, Tứ là cô gái kén chồng, tuy muộn mà không sao, sau sẽ được vừa lòng! Không bao giờ ế chồng!
XEM THÊM:Quẻ 53 – Phong Sơn Tiệm
2.3.5. Hào Lục Ngũ
Đế Ất qui muội, kỳ quân chi duệ,
bất như kỳ đệ chi duệ lương, nguyệt cơ vọng, kiết.
六 五:帝 乙 歸 妹,其 君 之 袂,
不 如 其 娣 之 袂 良,月 幾 望,吉。
Tượng viết:
Đế Ất qui muội, bất như kỳ đệ chi duệ lương dã, kỳ vị tại trung, dĩ thực hành dã.
象 曰:帝 乙 歸 妹,不 如 其 娣 之 袂 良 也, 其 位 在 中,以 實 行 也。
Đế Ất là một vị Vua đời nhà Thương, gả em gái cho người dân thường.
Lục Ngũ, là âm nhu, tượng người em gái của vua Đế Ất, chính ứng với hào Cửu Nhị là người thuộc về cấp dân thứ. Áo quần trang sức của nàng Quận chúa còn kém xa trang sức các cô hầu theo Quận chúa (“duệ” là ống tay áo). “Đế Ất qui muội bất như kỳ đệ chi duệ, lương dã 帝 乙 歸 妹,不 如 其 娣 之 袂,良 也.
Hào Lục Ngũ (em gái vua Đế Ất) quả là kiểu mẫu người con gái gương mẫu, đoan trang, thùy mỵ, ở địa vị tôn quý mà xử sự hết sức khiêm cung, không chút kiêu kỳ!
2.3.6. Hào Thượng Lục
Nữ thừa khuông, vô thực, sĩ khuê dương, vô huyết, vô du lợi.
上 六:女 承 筐 無 實, 士 刲 羊 無 血,無 攸 利。
Hào này, có thể gọi là hào xấu nhất trong quẻ, cùng một hạng với Lục Tam.
Quẻ cuối cùng của Qui Muội, tượng bao nhiêu con gái đều đã gả hết rồi! bây giờ mới nghĩ đến mình, bản thân không có chính ứng (vì Tứ cũng cùng một loại âm), thì có ai đâu chịu đi cưới mình. Mình đã là người con gái bất chính bất trung, còn ai “cầu” đến? Mới có câu: “Nữ thừa khuông vô thực” (trong giỏ không có gì cả để dâng cúng tổ tiên) nghĩa là không có nghĩa vụ làm vợ, như đàn bà đi chợ về mà rổ thúng trống trơn. Cho nên, không ra cái gì cả, như cái rổ không.
Các hào đều có ghi 2 chữ “qui muội” (gái vu qui), riêng Thượng Lục, không có nhắc đến hai chữ “qui muội” đủ thấy Lục này đã “hết xài” rồi! Việc tế lễ trong cuộc lễ hôn nhân, thì gái phải có giỏ đầy đồ cúng, còn trai phải cúng một con dê… Nhưng đây gái thì cái giỏ không, còn trai thì dâng cúng con dê, nhưng con dê không còn máu!
Câu “khuê dương” là cắt cổ con dê, nhưng cắt mà không có máu. Nghĩa vụ làm chồng của người trai, là cắt cổ dê lấy máu dâng lên bàn thờ tổ tiên, nhưng giả vờ cắt chứ không có cắt thiệt, lấy gì có máu, ý muốn bảo, làm mà không thành tâm, làm lấy lệ… Ý chính của hào này, là đôi trai gái cầu hôn với nhau, không có gì thực cả, gái thì bưng rổ trong đó chẳng có gì để cúng tế, còn người trai thì giả vờ cắt cổ dê lấy máu tế thần, nhưng cũng giả vờ, chứ đâu có cắt thật mà ra máu, thành cả 2 đều bất chính cả!
3. Quẻ Lôi Trạch Quy Muội là quẻ HUNG hay CÁT?
Quẻ Đoài chồng lên quẻ Chấn tạo thành “Quy muội”, có nghĩa là “thiếu nữ theo trưởng nam”, âm dương bất giao, vì vậy nó có hình tượng “leo cây tìm cá”. “Duyên mộc”: trèo cây, “Cầu ngư”: tìm cá. “Duyên mộc cầu ngư” là chuyện một người muốn bắt cá, không tìm ở dưới nước mà trèo lên cây, làm sao bắt được? Kẻ gieo phải quẻ này gặp điềm “Mưu sự bất thành”.
Như vậy Quẻ Lôi trạch Quy Muội có điềm “Mưu sự bất thành” là một trong các quẻ hung kinh dịch. Quẻ chỉ thời vận xấu, mọi việc đều khó khăn, dễ bị tình cảm chi phối, dễ bị chuyện trai gái dẫn dắt vào đường cùng, ngõ cụt. Công danh sự nghiệp dang dở, tài vận không đến. Thi cử khó đạt, đi xa bất lợi, kiện tụng dễ bị thua thiệt. Hôn nhân dở dang, có khi không đúng vị. Cảnh vợ lẽ nàng hầu, bệnh tật khó chữa.
4. Ứng dụng của quẻ Lôi Trạch Quy Muội trong đời sống hàng ngày
- Ước muốn: Lúc đầu, có vẻ có khả năng thành công, nhưng rồi sẽ kết thúc trong thất bại.
- Hôn nhân: Dù đã rất thân thiết, nhưng có vẻ khó trở thành hiện thực. Dù đã kết hôn, vẫn không phải là một hôn nhân xứng hợp. Đối với phụ nữ, bạn có thể là vợ lẽ hoặc thậm chí là tình nhân.
- Tình yêu: Không thích hợp cho cả hai người. Tuy có thể đã có thời gian yêu đương mặn nồng, nhưng sẽ kết thúc trong cảnh chia tay buồn bã.
- Gia đạo: Nhìn bề ngoài, gia đình có vẻ như sung túc và hòa thuận. Nhưng trong thực tế có sự bất hòa, chia rẽ, và không hạnh phúc; cơ đồ của gia đình đang hồi suy vi.
- Con cái: Trác táng, chơi bời phóng đãng hay hoang đàng. Tư cách đạo đức đáng ngờ, nhất là đối với các cô con gái. Thai nghén: con gái.
- Vay vốn: Không thành công.
- Kinh doanh: Lúc đầu, mọi việc sẽ có vẻ diễn ra trôi chảy và mỹ mãn. Thật ra, những tính toán sai lầm và các sơ suất trong việc hoạch định sẽ dẫn đến sự không may – lỗ lã hay thất bại.
- Thị trường chứng khoán: Đang giữa lúc giảm giá.
- Tuổi thọ: Cho đến giờ vẫn khỏe mạnh, nhưng sự chăm sóc thân thể không thích hợp và việc xem thường vệ sinh làm dẫn đến tổn thương thân thể.
- Bệnh tật: Có thể bình phục. Tuy nhiên, sự lơ là chăm sóc cơ thể và việc xem thường vệ sinh thường thức sẽ làm cho sức khỏe trở nên tồi tệ, thậm chí còn đến mức tuyệt vọng. Bệnh truyền qua đường sinh dục, bệnh gan hay các tật bệnh ở ngực.
- Chờ người: Sẽ không đến.
- Tìm người: Đã bỏ đi bởi sự bất hòa trong gia đình hay vì vấn đề tình ái nào đó. Người này có thể đang gặp nguy hiểm. Hãy tìm ở hướng đông hay hướng tây. Có thể sẽ không tìm được người này.
- Vật bị mất: Không thể tìm lại được.
- Du lịch: Trở ngại và rủi ro. Nên hủy bỏ kế hoạch.
- Kiện tụng và tranh chấp: Sự cố chấp vô lý dứt khoát sẽ dẫn đến thất bại. Tốt nhất là hãy hòa giải.
- Việc làm: Không có kết quả.
- Thi cử: Điểm kém.
- Kinh doanh mới, thay đổi nghề nghiệp, chuyên môn hay chỗ làm: Bất lợi. Tốt nhất hãy ngưng lại trong lúc này.
- Thời tiết: Nhiều mây, về sau sẽ quang đãng.
- Thế vận: cẩn thận, rơi vào sự mê muội cầu lợi thì bị thất bại. Đề phòng người khác giới dẫn vào vòng nguy hiểm.
- Hy vọng: ban đầu tưởng như ý, sau thất vọng.
- Tài lộc: chưa có. Có thể bị mất tiền của.
- Sự nghiệp: nên duy trì, phát triển việc đang làm.
- Nhậm chức: không xong.
- Tình yêu: cả hai còn đang tính toán thiệt hơn.
- Hôn nhân: có thể thành nhưng sau đó thường bất hòa.
- Đợi người: nam thì không tới, nữ có thể tới.
- Đi xa: bất lợi
- Pháp lý: bất lợi, nên hòa giải.
- Sự việc: không cầu lợi thì thành công.
- Bệnh tật: nguy hiểm, dễ tái phát.
- Thi cử: không như dự tính.
- Mất của: khó tìm.
- Xem người ra đi: người nhà bỏ đi, khó biết chỗ tìm.
5. Lời kết
Trên đây là bài viết luận giải ý nghĩa và các ứng dụng của quẻ Lôi Trạch Quy Muội vào đời sống hàng ngày. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn các thông tin hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết này đến bạn bè, người thân nhé!
Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc, đừng ngần ngại để lại comment hoặc liên hệ trực tiếp hotline: 1900.3333 hoặc Zalo: 0855.100000. Nhanh tay cài đặt ứng dụng phù hợp về điện thoại của mình tại đây: