Tết Trung thu là một ngày lễ được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Đây được xem như ngày lễ lớn thứ 2 sau ngày Tết truyền thống ở các nước Châu Á, hầu hết những người từ xa xứ sẽ về quê vào dịp lễ này để cùng tận hưởng không khí ấm cúng bên gia đình, bạn bè và người thân. Vì thế nên việc tổ chức Tết Trung thu ở các nước sẽ có những điểm đặc trưng riêng biệt.

Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu những điểm độc đáo trong văn hóa đón Tết Trung thu ở các nước nhé.

Tết Trung thu Việt Nam

Theo truyền thống của người Việt Nam, ý nghĩa chính của Tết Trung thu là dịp lễ để bày tỏ sự biết ơn, chăm sóc, báo hiếu tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Đây là dịp lễ thể hiện để những người con xa quê về sum vầy, đoàn viên và hưởng sự ấm áp bên gia đình.

Vào dịp đặc biệt này, người Việt thường bày cỗ trông trăng. Khi trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng, phá cỗ. Vào đêm rằm, một người sẽ đeo mặt nạ tròn diễu hành trên đường phố để mua vui cho mọi người bằng những hành động và cử chỉ hài hước của mình. Mặt nạ này được cho là hiện thân của Ông Địa, vị thần tượng trưng cho sự thịnh vượng, để nhắc nhở người dân biết ơn cho vụ mùa năm qua.

Đối với người Việt Nam, Tết Trung thu là Tết đoàn viên, là khoảng thời gian sum vầy bên những người thân yêu sau những ngày làm việc vất vả. Mâm cỗ cúng trăng truyền thống của người Việt Nam trong ngày Tết Trung thu gồm 5 loại hoa quả tượng trưng cho ngũ hành trong trái đất, và bánh nướng, bánh dẻo mang hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay biểu tượng sự sung túc. Những chiếc bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại có màu trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị khác nhau. 

Bánh nướng Trung thu truyền thống và văn hóa uống trà của Việt Nam.

Xem thêm: Sự tích chú Cuội chị Hằng, câu chuyện về nguồn gốc Tết Trung thu thân thuộc nhất!

Tết Trung thu Trung Quốc

Tết Trung thu ở Trung Quốc đã có từ thời Đường Huyền Tông, vào đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thống, người Trung Quốc tổ chức Tết Trung thu để tạ ơn Trời Đất, Thần Nông, ông bà tổ tiên, nên dùng các loại ngũ cốc làm ra các loại bánh cùng hoa quả để cúng tế. Trung thu ở Trung Quốc cũng là ngày lễ lớn thứ hai, chỉ sau Tết nguyên đán.

Tết Trung thu là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau dù có ở xa đến đâu. Vào ngày này người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố. Trong đêm Rằm sẽ thả đèn trên sông và thả đèn trời có chứa điều ước với hy vọng tâm nguyện sẽ được gửi tới trời xanh chứng giám.

Bánh Trung thu là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu ở Trung Quốc. Bánh thường mang hình tròn tượng trung cho sự đoàn viên, viên mãn. Bánh Trung thu ở Trung Quốc gần giống với bánh trung thu ở Việt Nam. Lớp bánh làm mỏng, trong nhân sen, đậu xanh hoặc trứng muối, được nướng và thưởng thức khi bánh chín vàng đều.

Trong ngày này, trẻ em Trung Quốc cũng được tham gia các đoàn múa lân, rước đèn và xem những chú hề nhảy múa trên phố vui nhộn.

Bánh trung thu là thứ không thể thiếu trong văn hóa Trung Quốc.

Xem thêm: Tết Trung thu ở Việt Nam và Trung Quốc khác nhau như thế nào?

Tết Trung thu Campuchia

Người Campuchia thường tổ chức “lễ hội trăng rằm” vào ngày 15/10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok-Om-Pok. Món ăn đặc trưng của người dân Campuchia trong ngày lễ hội này chủ yếu là cốm dẹt và một số lễ vật trong ngày này như mía, khoai, chuối…

Trong lễ hội, người Campuchia cũng thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.

Tết Trung thu Singapore

Ở Singapore, Tết Trung thu là dịp để gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức món bánh trung thu ngọt ngào. Người Singapore tặng bánh trung thu cho nhau để thể hiện tình yêu thương cho nhau.

Bánh Trung thu ở Singapore có hình dáng khá giống với bánh trung thu ở Việt Nam nhưng hương vị thì hoàn toàn khác. Singapore có nhiều loại bánh Trung thu khá lạ như bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ, nhân sầu riêng. Bánh dẻo không còn giữ màu trắng truyền thống nữa mà được biến tấu với đủ loại màu sắc.

Ngoài bánh Trung thu truyền thống, một số loại bánh như Bloody Mary Snow Skin và Cranberry Cheese cũng được người dân lựa chọn.

Vào đêm Trung thu, chú sư tử biển Merlion – biểu tượng du lịch Singapore – sẽ trở nên lung linh hơn bao giờ hết liên tục đổi màu. Ánh sáng đèn màu được chiếu tạo thành một chú sư tư biển mang dáng dấp và màu sắc sặc sỡ. Các đường phố của Singapore cũng đông đúc người dân và rực rỡ muôn màu tào nên một khung cảnh rất đông vui, nhộn nhịp.

Bánh Trung thu ở singapore cũng giống như ở Việt Nam nhưng mùi vị khác nhau hoàn toàn.

Tết Trung thu Lào

Tết Trung thu ở Lào được gọi là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào ngày này mọi người dân Lào, bất kể già trẻ, gái trai đều ngắm trăng, thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa hát ca các giai điệu truyền thống thâu đêm./.

Tết Trung thu Hàn Quốc

Tết Trung thu ở Hàn Quốc có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn), ngày những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ. Thông thường, cả gia đình sẽ cùng vào bếp và thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh songpyeon, một loại bánh gạo nhân vừng, đậu hoặc hạt dẻ sên ngọt và được gói lại thành hình trăng lưỡi liềm, rượu sindoju.

Các buổi sáng sớm, gia đình sẽ làm nghi lễ pha trà charye để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đầu tiên, con trai lớn trong gia đình sẽ dọn bàn ăn. Sau đó, mọi người cúi đầu chào nhiều lần dựa trên giới tính và tuổi tác. Đây là hành động để cầu may mắn trong năm mới.

Nếu Trung thu ở Việt Nam có múa lân thì Trung thu Hàn Quốc có múa mặt nạ Talchum, nhảy vòng tròn Ganggangsullae. Ở Hàn Quốc người ta thường biểu diễn các điệu múa dân gian truyền thống, đấu vật và thăm viếng mộ của người thân vào dịp Tết Trung thu.

Bánh songpyeon là loại bánh biểu tượng cho Trung thu ở Hàn Quốc.

Tết Trung thu Triều Tiên

Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Lúc trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này này bánh xốp (muffin). Bánh muffin xốp giống hình bán nguyệt – nửa vầng trăng. Bánh làm làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo… Người Triều Tiên thường biếu tặng nhau loại bánh này vào Trung thu.

Tết Trung thu Nhật Bản

Tết Trung thu của Nhật Bản còn được gọi là Tsukimi – Lễ hội ngắm trăng, diễn ra ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thuyết Nhật Bản, trên Mặt trăng có một con thỏ sinh sống. Và nó giã bánh gạo mochi bằng vồ và cối. Người Nhật Bản ăn bánh gạo dango hình con thỏ trong ngày Trung thu để có sức khỏe tốt và hạnh phúc. Ngăn xếp bánh hình kim tự tháp thường đặt 15 chiếc dango để tượng trưng cho ngày 15 của tháng hoặc 12 chiếc bánh để đại diện cho số tháng trong một năm. Màu trắng và độ tròn của món bánh này nhằm mô phỏng vẻ đẹp của mặt trăng.

Vào dịp Trung thu ở Nhật Bản, còn có một số món ăn khá được ưa thích như: khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen…

Không chỉ có vậy, vào lễ Trung thu, trẻ em Nhật Bản, đặc biệt là các bé trai được cha mẹ sắm cho một chiếc đèn lồng cá chép để tham gia rước đèn, đèn lồng cá chép có ý nghĩa tượng trưng cho lòng can đảm.

Người Nhật Bản sử dụng bánh mochi làm loại bánh đặc trưng cho Trung thu

Tết Trung thu Malaysia

Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8 và thắp đèn lồng để đón mừng Tết Trung thu. Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi. Bánh Trung thu ở Malaysia không chỉ là bánh dẻo và bánh nướng với dạng hình tròn hay hình vuông mà còn có khuôn bánh hình sò biển, bông hoa, ngôi sao,… và đặc biệt là có rất nhiều màu. Ngoài ra còn có bánh trung thu lạnh hay còn gọi là bánh trung thu tuyết với nhân và vỏ lạnh mang đến một cảm giác hoàn toàn khác lạ cho người thưởng thức.

Tết Trung thu Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả mọi người đều phải tham gia lễ cúng trăng. Mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.

Phía trên bàn thờ sẽ có quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.

Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.

Bánh Trung thu ở Thái Lan thường được làm theo hình quả đào để gửi tới các vị thần tiên.

Tết Trung thu Myanmar

Trung Thu tại Myanmar còn được biết đến với cái tên Lễ Trăng tròn hay Tiết Quang minh. Có thể nói, vào dịp này, khắp đất nước Myanmar đều lung linh, rực sáng khi nhà nhà đều thắp đèn lồng, vì thế ánh sáng lung linh, chiếu rọi khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách tối tăm. Bánh Trung Thu ở đất nước này là các loại bánh nướng, nhân đậu xanh, trứng muối,…

Tết Trung thu Philippines

Món bánh truyền thống được ăn vào dịp này là gọi là bánh Hopia. Bánh này có rất nhiều loại như: Hoping mungo (bánh nướng đậu xanh), Hoping baboy (bánh nướng thịt heo), Hoping ube (bánh nướng khoai lang tím),…

Ngoài ra vào dịp Trung Thu, những người Philippines còn tham gia trò chơi xúc xắc làm cho ngày Trung thu thêm nhộn nhịp và náo nhiệt.

Kết luận

Thăng Long Đạo Quán nhấn mạnh, với những nét đặc sắc riêng trong văn hóa từ trước tới nay, mỗi quốc gia sẽ có cách đón nhận và tận hưởng Tết Trung thu một cách rất riêng biệt. Tuy nhiên điểm chung của tất cả mọi người ở các quốc gia đó đều mang trong mình tâm lý vui sướng khi lại được quay về đoàn tụ với gia đình và tận hưởng không khí ấm áp nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Xem thêm: Những nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung Thu chưa ai kể cho bạn biết!