Chùa Dạm, hay chùa Rạm tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấmchùa Caochùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085), Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa, và khởi công xây dựng từ năm 1086-1094.
Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Sau mười năm xây dựng, năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, ban 300 mẫu ruộng tự điền (ruộng thuộc nhà chùa) để chùa có hoa lợi hương khói và bảy gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng – mở cửa chùa.
Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn. Khi ấy, chùa có quy mô vô cùng nguy nga gồm 100 gian, dài 120m, rộng 70m, tổng cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bên dưới 4 lớp nền được bó ghép bằng đá tảng, mỗi viên có kích thước 50x60cm được đặt choãi chân, chếch khoảng 700 và cao 5-6m. Dân gian lưu truyền, ngôi chùa lớn đến mức triều đình phải cắt cử 7 gia đình chuyên trông coi, đóng mở cửa chùa. Sau ngày Rằm hàng tháng, muốn đóng hết cửa chùa phải bắt đầu từ tối đến lúc trăng lên cao mới xong.
Trong thời gian dài sau đó chùa luôn được sự chiếu cố đặc biệt của triều đình, nên chùa càng được gia công mở mang quy mô. Vua Trần Nhân Tông từng đến thăm, ca ngợi thành thơ về bức tranh kiến trúc kế tiếp mười hai lớp này.
Không chỉ nguy nga, chùa Dạm còn được bao phủ bởi vô vàn câu chuyện lưu truyền trong dân gian đậm màu liêu trai, huyền thoại… Cụ Trần Anh Thật, người làng Tự Thôn, huyện Nam Sơn, từ nhiều năm nay vẫn hàng ngày cùng các cụ ông, cụ bà trong thôn chia nhau chăm sóc, trông nom các gian thờ tự trên núi, kể rằng một dòng họ lớn cách chùa không xa, mấy trăm năm trước tưởng đã tuyệt tự, thế nhưng sau khi đến làm lễ dâng cầu Lý Thánh Mẫu, uống nước giếng Bống đã sinh hạ được 2 con trai.
Đến nay đều đặn hàng năm con cháu của dòng họ ấy tề tựu về chùa Dạm tạ lễ cảm ơn đức Thánh Mẫu. Sau nhiều năm bị quên lãng cỏ bụi mọc tràn che lấp, nhưng trong mùa khô hạn nước giếng Bống vẫn trong vắt, mát rượi.
Cấp nền thứ 2 là nền chùa chính. Đây cũng là nơi lưu giữ những di tích quan trọng nhất, mà nổi bật là cột đá chùa Dạm. Đây là một cột đá lớn nguyên khối được dựng trên bệ tròn cao 1m, đường kính khoảng 4,5m. Tổng chiều cao của cột đá là 5m.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao ngôi quốc tự ngàn năm tuổi linh thiêng lại có lúc biến mất, các cụ cao tuổi trong làng cho biết thời kỳ tiêu thổ kháng chiến những năm 1947-1948, để không cho giặc Pháp chiếm nơi này làm đồn trú, người dân buộc phải phá hủy cổ tự trong xót xa.
“Ngôi chùa lớn cháy ngùn ngụt trong mấy ngày vẫn chưa hết. Đến đêm thứ ba, có một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mịt mù, dân làng ai cũng kinh sợ… Chùa cháy rụi, chỉ còn duy nhất cột đá chạm rồng ở lớp nền thứ 2 còn lại sừng sững trên núi cao” – cụ Nguyễn Thị Đạo nhớ lại.
Tuy không còn trọn vẹn, nhưng cột đá ngàn tuổi với đôi rồng dâng châu được chạm khắc tinh xảo từ thế kỷ 11 hiện là bảo vật duy nhất nhắc nhớ đến quy mô một đại danh lam thời nhà Lý đến tận giờ vẫn bao phủ quanh lớp sương mù thần bí.
Cây cột đá có chức năng gì? Tại sao được đặt ở vị trí đó? Thông điệp tiền nhân gửi gắm là gì? Làm thế nào để người xưa có thể di chuyển và dựng được cây cột đá khổng lồ nặng tới hàng chục tấn trên độ cao dốc của sườn núi như vậy?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra đến chưa có câu trả lời.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cột đá chùa Dạm là một phế tích còn lại của kiến trúc Liên hoa đài chùa Dạm. Tức là cột đá chỉ là phần chân nâng đỡ một kiến trúc phía trên nó.
Sau một thời gian dài bị chìm vào quên lãng, năm 2011 việc khai quật khảo cổ có quy mô lớn mới được tiến hành tại chùa Dạm. Kết quả sau đó khiến không ít người ngỡ ngàng về tầm vóc của ngôi Quốc tự xưa kia.
Quần thể kiến trúc chùa Dạm xưa gồm 4 lớp xây cao dần theo độ cao sườn núi Lãm. Các kiến trúc tháp đá, cột đá nằm ở cấp nền 2 trong tổng thể chung của khu di tích.
Ngoài ra, việc tìm thấy các trụ sỏi lớn có đường kính trên 1m chứng tỏ công trình rất đồ sộ. Theo giới chuyên môn, số trụ sỏi tìm thấy còn khá nguyên vẹn, giống với những trụ sỏi đã tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Tại đây, các nhà khảo cổ học cũng tìm hàng loạt di vật xây dựng như: Gạch đất nung có hình hoa cúc, những đầu rồng nhỏ cũng có sự tương đồng về nghệ thuật với một số vật liệu xây dựng Hoàng thành Thăng Long.
Với những dấu tích khảo cổ học tìm thấy ở chùa Dạm, các nhà khoa học đã khẳng định chùa Dạm có kiến trúc đúng như những gì ghi trong lịch sử.
Đây là công trình mang đậm dấu ấn Hoàng gia thời Lý, có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa cổ ở Việt Nam.
Cấu trúc cột chia làm hai thớt khối. Khối gốc hình hộp vuông với cạnh 1,4 m và 1,6 m. Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3 m.
Sau cuộc khảo cổ ấy, bí ẩn về cột đá chùa Dạm vẫn chưa tìm ra lời giải nhưng tựu chung đều thống nhất cột đá chùa Dạm, Quế Võ, Bắc Ninh là hiện vật điêu khắc đá hoành tráng nhất, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hồ sơ cột đá chùa Dạm được Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch lưu lại miêu tả khá tỉ mỉ chi tiết.
Cột cao trên 5m, nặng 40 tấn, được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái chùa. Phần dưới là khối hộp vuông với những vết đục nhám rất thô phác. Tiếp theo là phần trụ tròn được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”, nét chạm vô cùng tinh xảo. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột, đầu rồng nhô cao chầu nhau. Toàn thân rồng có vẩy kép, uốn khúc hình sin nhịp nhàng, mềm mại quanh thân cột.
Hoa văn cột đá chùa Dạm. phần trụ tròn được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”, nét chạm vô cùng tinh xảo. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột, đầu rồng nhô cao chầu nhau. Toàn thân rồng có vẩy kép, uốn khúc hình sin nhịp nhàng, mềm mại quanh thân cột.
Bài liên quan
Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim, chân trước dâng viên ngọc sáng. Ngoài đôi rồng người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “điền” vào những chỗ trống cho thêm phần hài hòa, sinh động. Hình tượng đôi rồng chính là điểm nhấn của phần thân cột đá, và cũng là nét đặc trưng điển hình mỹ thuật thời Lý. Phần bệ cột còn lại 2 lớp đá chồng xen kẽ lên nhau. Lớp dưới ở mặt ngoài chạm hoa văn thủy ba (sóng nước).
Trên mặt những viên đá lớp trên, còn rất rõ mép giật cấp thành gờ cao để lắp thêm các lớp đá nữa, các mộng đuôi cá vẫn còn để liên kết các viên đá, còn gờ làm cho các viên đá đó đều có lực hướng tâm, không bị bay ra ngoài, tạo thành một khối vững chắc sau khi đã lắp ráp.
Hai chân phía trước của rồng giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Đầu rồng vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo.
Đối xứng với cột đá qua trục thần đạo, còn một phế tích một cấu trúc hình vuông có 4 mặt bên hình thang cân đáy lớn ở phía dưới rất vững chãi, trên mặt còn một tấm bia thời Lê trung hưng, chữ đã mờ hẳn, mặt sau còn 2 chữ tín thí. Ở góc còn nguyên vẹn hơn cả, có đến 6 lớp hoa văn tương tự chồng lên nhau và những viên đá trên cùng chưa phải lớp cuối. Nếu thêm một lớp nữa thì chạm mặt bằng chân rùa đội bia. Đó là dấu tích của một cây tháp đá thời Lý có tính đối xứng với cột đá chạm rồng trong bố cục mặt bằng tổng thể của kiến trúc chùa Dạm.
Hiện nay, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Bắc Ninh đang triển khai dự án phục dựng chùa Dạm, với tổng diện tích 4,7ha. Bên cạnh khu vực phục dựng mới gồm tam quan, hành lang, nhà thờ tổ, đền thờ mẫu, tam bảo… theo kiến trúc cổ phần trung tâm khảo cổ, dấu tích của nền móng chùa Dạm xưa vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Sẽ không lâu nữa, báu vật trên núi Đại Lãm sẽ bừng tỉnh trong tiếng thỉnh kinh văng vẳng sớm khuya.
Hy vọng, qua lần khôi phục di tích lịch sử của ngôi quốc tự ngàn năm tuổi này, vẫn giữ được uy nghi và hồn cốt của một ngôi chùa đã ghi dấu huy hoàng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.