Chùa Diên Hựu được xây dựng năm 1049 và là một biểu tượng của mảnh đất Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn vật. Nhưng kiến trúc hiện tại mà chúng ta thường thấy, thực ra mới chỉ được phục dựng từ năm 1955, kế thừa phong cách thời Nguyễn, với quy mô nhỏ hơn so với chùa cũ, vốn đã bị thực dân Pháp cho nổ tung khi chạy khỏi Hà Nội.
Theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh (dựng năm 1121 ở Hà Nam) chép lại, vua Lý Nhân Tông “Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ mống lành. Nơi Tây Cấm danh lừng thượng uyển, mở Diên Hựu gọi đó danh lam. Theo quy chế vốn có trước kia, ra mưu tính ý vua nay tỏ. Đào ao thơm mang tên Linh Chiêu, giữa ao kia cột đá vọt đứng. Đỉnh cột nở ngàn cánh hoa sen, hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt Thích Ca kim tướng, bên ngoài ao là hành lang vẽ bọc quanh. Ngoài hành lang có Bích Trì khơi vòng, đều bắc cầu vồng đi thông vào. Sân nơi cầu trước, tả hữu dựng tháp báu lưu ly…”
Hiện nay, dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, văn bia và nhiều đồ khảo cổ khác, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc phỏng dựng lại bình đồ chùa Diên Hựu và đặc biệt là Liên Hoa Đài- Tháp Một Cột thời Lý với hình dáng một lầu hoa sen sáu cạnh một cột, nhằm truyền tải những tinh hoa văn hóa Đại Việt đến xã hội ngày nay.
Theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, chùa Một Cột mà ta thấy hiện nay thực chất chỉ là Liên Hoa Đài – một tháp hoa sen nằm trong quần thể chùa Diên Hựu. Liên Hoa Đài tượng trung cho núi Tu Di- trung tâm của vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo. Dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm, ta có thể mường tượng tháp này có phần đế bằng đá phình ra, trang trí nhiều họa tiết. Phần thân tháp thóp lại với một đôi rồng thời Lý được đắp nổi. Trên cùng là tòa điện thờ hình lục giác, tượng trưng cho bông hoa sen đang nở. Hình thái kiến trúc như vậy được gọi là Tu Di tòa, ta có thể bắt gặp ở một số cổ vật thời Lý như Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích,…
Tháp Liên Hoa nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một bình đồ đồng tâm, đa tầng gồm 2 ao Linh Chiêu, Bích Trì, 1 vòng hoàn lang, 5 cầu gỗ (phi kiều), 4 sân diễn xướng Tứ Thiên Vương và hàng lang giải vũ. Đó là một bình đồ tiêu chuẩn của một Mạn đà la( Mandala, biểu tượng vũ trụ ) theo thế giới quan Phật giáo. Ngôi chùa đồng thời cũng là một bông sen thể hiển tư duy “nhất hoa nhất thế giới”, hoa sen này bọc lấy hoa sen kia biểu thị ý niệm Thiên hoa- thiên thế giới. Vì thế, đây là một sáng tạo vô cùng độc đáo và tài hoa của con người Đại Việt xưa kia trong lĩnh vực kiến trúc và biểu tượng, từ đó đã toát nên những giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc.
Như vậy, chùa Diên Hựu thời Lý chắc chắn phải có diện tích và quy mô lớn gấp nhiều lần chùa Một Cột thời nay. Đây là một báu vật, thể hiện sự tài năng, tinh tế của cha ông chúng ta cách đây ngàn năm…