Nếu bạn là người từng lớn lên với tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, ắt hẳn các bạn sẽ không mấy xa lạ với thiên tiểu thuyết “Thiên Long Bát Bộ” lừng danh. Song có lẽ các bạn ít nhiều chưa để ý rằng “Thiên Long Bát Bộ” kỳ thực là một khái niệm phổ biến trong Phật giáo về tám loài phi nhân (không phải người) cùng tồn tại trên thế gian, cùng chịu vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử như muôn loài có thất tình lục dục khác. Bài viết này sẽ giới thiệu vài nét cơ bản nhất về tám loài chúng sinh hữu tình này.

1. Thứ nhất, Thiên (Deva)

Đứng đầu trong tám bộ chúng sinh là Thiên, còn gọi là Thiên chúng, Thiên thần, Thiên nhân hay Chư thiên. Đây là loài ở sáu cõi trời dục giới, bốn cõi trời sắc giới, bốn cõi trời vô sắc giới, thân mình có toả ánh hào quang. Theo quan điểm Phật giáo, đại thể Thiên tương đương với thiên thần mà Trung Thổ thường hay nói đến, bao gồm thiên thần Phạm Thiên, Đế Thích Thiên (hay còn được coi là thủ lĩnh Thiên chúng), Tứ Đại Thiên Vương… Thiên luôn là nam (nhưng cũng mang dạng nữ là Devi), là loài hữu tình làm thiện, nói thiện và nghĩ thiện. Thiên tuy được hưởng phúc báu to lớn hơn người thường nhưng vẫn nằm trong vòng sinh tử. Trước khi chết, Thiên sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu tàn héo, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, đứng ngồi không yên, đó là thời kỳ đau khổ nhất của Thiên. Theo ghi chép trong kinh Phật, Thiên thích Phật sự, thường hay cất lời tán thán, rải hoa tấu nhạc. Trong các bích họa Phật giáo liên quan, thường có thể nhìn thấy Thiên bay lượn, vây chung quanh Phật hoặc Bồ Tát.

2. Thứ hai, Long (Naga)

Trong Ấn Độ giáo, Long chính là Naga, là chủ các loài thuỷ tộc sống ở biển. Loài rồng có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo và cũng được người dân Ấn Độ tôn sùng. Theo truyền thuyết, rồng của Ấn Độ không có chân nên hình dáng giống loài rắn, nhưng ở đây là loại rắn chúa có thần lực để phân biệt với rắn thường Sarpa. Trong nhiều văn bản, rắn Naga còn là loại hổ mang bành bảy đầu. Trong kinh Udana, khi Đức Phật thiền định dưới gốc cây Bồ đề thì trời đất tối sầm, mưa to ập xuống kéo dài suốt bảy ngày liền, lúc đó một con rắn thần tên là Mucalinda xuất hiện quấn quanh đầu ngài, bảo vệ cho đức Thế Tôn khỏi mưa gió. Trong các kinh khác thường xuất hiện rắn thần đến lễ Phật; rắn cũng là sinh vật đầu tiên (ngoài người) quy y Tam bảo. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa thì Naga trở thành Long vương và gắn liền với hoàng gia cao quý. Thiên tử mặc áo long bào, ngồi ghế long ỷ, mặt mày gọi là long nhan, thân mình gọi là long thể, đó là bắt nguồn từ sự kính trọng với loài rồng mà ra.
Thêm nữa, theo “Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ”, rồng cũng có phân thành thiện ác, rồng thiện là Hành Pháp Long Vương, có thể làm mưa đúng lúc khiến cho ngũ cốc chín đều. Rồng ác là Phi Hành Pháp Long Vương, có thể làm ra mưa độc khiến ngũ cốc bị hư hại. Quan niệm này cũng gần giống hình tượng thiện long, ác long được lưu truyền trong dân gian sau này.

3. Thứ ba, Dạ Xoa (Yaksha)

Theo kinh Bi Hoa, Dạ Xoa là một loại quỷ, còn gọi là Dược Xoa, dịch đúng nghĩa là “năng đạm quỷ” – tức là quỷ có thể ăn thịt người. Có lẽ vì ảnh hưởng sâu rộng của truyện thần tiên lưu truyền trong dân gian nên nhiều người thường nghĩ hễ Dạ Xoa là quỷ sai âm phủ, nhưng trong kinh văn cũng có rất nhiều Dạ Xoa tốt, có những Dạ Xoa quy y Phật pháp và dùng thần lực bảo vệ con người. Dạ Xoa thiện duy hộ Phật Pháp, Dạ Xoa ác làm khổ chúng sinh, thường biến hóa thành bộ dạng xấu xí đầu lớn thân nhỏ, hoặc một đầu hai ba mặt, tay cầm đao, kiếm, kích… khiến người ta trông thấy phải run sợ, tiếp đó khiến người thần trí mê man, nhân đó Dạ Xoa đoạt hồn nhiếp phách và uống máu ăn thịt nạn nhân.
Ghi chép trong “Kinh chú Duy Ma Cật” cho thấy Dạ Xoa có ba dạng: Không Hành Dạ Xoa (đi trong hư không) Thiên Hành Dạ Xoa (đi trong cõi trời) và Địa Hành Dạ Xoa (đi trên mặt đất). Dạ Xoa nam có tướng mạo vô cùng xấu xí thô kệch, nhưng Dạ Xoa nữ (yakshi) lại thường xinh đẹp và phong nhũ phì đồn. Dù là Dạ Xoa nam hay Dạ Xoa nữ, Dạ Xoa xấu hay Dạ Xoa tốt thì cũng đều thông minh mẫn tiệp và di chuyển nhanh nhẹn nhẹ nhàng.

4. Thứ tư, Càn Thát Bà (Gandharva, Apsara)

Đứng vị trí thứ tư trong bát bộ chúng là Càn Thát Bà (có nơi gọi là Kiền Thát Bà hoặc Ngạn Đạt Bà), trong tiếng Phạn là Gandharva (nam) và Apsara (nữ). Càn Thát Bà thường có tư dung xinh đẹp mặn mà lại giỏi múa hát, không ăn rượu thịt mà chỉ lấy hương thơm để nuôi dưỡng xác phàm, chính thế nên còn được gọi là Hương thần hay Nhạc thần. Gandharva trong tiếng Phạn có nghĩa là “biến hóa khôn lường”, phiếm chỉ hương thơm hay điệu nhạc đều mênh mang khó nắm bắt. Cũng chính vì tính ưa thơm thảo mà Càn Thát Bà thường náu mình nơi cỏ cây hoa lá, trong những mùi hương của lá cây, vỏ cây hay nhụy hoa. Đối với chư Thiên, Càn Thát Bà nữ hay theo hầu để dâng hương, dâng rượu và ca múa. Ngoài ra, với đặc điểm thay hình đổi dạng tùy ý của mình, Càn Thát Bà còn được ghi nhận trong kinh Phật là một trong ba mươi ba pháp tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm và được coi là ảo ảnh trong Ấn Độ giáo.

5. Thứ năm, A Tu La (Asura)

Thứ năm là A Tu La (Asura), một hàng thần nhiều phép thần thông biến hóa nhưng phúc đức không sâu dày như hàng Thiên, nên còn gọi là Phi Thiên hay Vô Thiện Đẳng. Trong Phật giáo, đây là vị thần có tính khí nóng nảy, là nam thì xấu xí, là nữ thì diễm lệ nhưng đều có điểm chung là bản tính hiếu chiến. A Tu La có hiềm khích với Thiên vì Thiên ăn ngon nhưng không có mỹ nữ, còn A Tu La có mỹ nữ nhưng không ăn ngon. Thêm phần đố kỵ với phúc đức sâu dày của Thiên mà Phật ban cho nên A Tu La thường xuyên gây chiến, hai bên đánh nhau liên miên. Đây chính là ẩn dụ Phật giáo cho bản tính sân si của chúng sinh muôn loài. Không chỉ có vậy, A Tu La còn hợp với địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời và người hình thành nên lục đạo luân hồi.

6. Thứ sáu, Khẩn Na La (Kinnara)

Hàng thứ sáu trong bát bộ chúng là Khẩn Na La, hay Khẩn Nại Lạc, Chân Đà La (Kinnara), tư dung hết sức kỳ diệu: lúc thì nửa người nửa ngựa, lúc thì nửa người nửa chim, trên đầu thường có sừng. Do hình dáng giống người mà chẳng phải người đó nên ai gặp cũng đều ngờ vực không yên, tục mới gọi là Nghi thần (Kinnara). Giống với Càn Thát Bà, Khẩn Na La cũng giỏi ca múa, thường theo hầu Thiên bằng tài nghệ của mình. Nam thần là Kinnara, nữ thần là Kinnari, đều là những sinh linh đẹp đẽ tới mức độ phi thường, hay trú ngụ ở những nơi kín đáo, bí ẩn. Khẩn Na La nữ có sức dụ hoặc con người rất lớn, nhan sắc cùng âm thanh mỹ diệu của nó khiến cho người tâm thần rối loạn, thậm chí còn có thể quyến rũ được cả Phật tăng. Theo sử thi Mahabharata, Khẩn Na La nam và nữ là đôi tình nhân trẻ mãi không già, sống bên nhau trọn đời hoan lạc.

7. Thứ bảy, Ca Lâu La (Garuda)

Vị trí thứ bảy trong hàng Bát bộ chúng thuộc về Ca Lâu La (Garuda), hay còn gọi là Kim Sí Điểu, là đại bàng cánh vàng chúa tể muôn loài chim ở núi Tu Di. Theo quan niệm của Ấn Độ giáo thì Ca Lâu La là vật cưỡi của thần Vishnu.

Nguyên hình thể của Ca Lâu La là thần điểu dũng mãnh, tính tình hung bạo, đôi cánh hễ sải ra là trải dài nghìn dặm, có ánh vàng. Ánh vàng do đôi cánh tỏa ra khiến nó mang tên Kim Sí Điểu, song thực tế lông cánh Ca Lâu La do nhiều bảo vật đan dệt tạo thành, nên tục còn gọi nó là Diệu Sí Điểu. Lúc mới sinh ra, loài phi nhân này toàn thân đã có hào quang chiếu rọi, vỗ cánh tạo gió có thể khiến loài người vô tình nhìn vào mà mù hoàn toàn. Theo sử thi Mahabharata, Ca Lâu La có mối thù không đội trời chung với Long vì rắn thần đã làm hại mẹ nó. Trên đường đi cứu mẹ, Ca Lâu La được Đế Thích hứa cho dùng loài rồng – rắn đó làm đồ ăn vĩnh viễn. Mỗi ngày Ca Lâu La ăn một con rồng lớn hoặc năm trăm con rồng nhỏ, ngoài ra còn nuốt hết cả những ma chướng, phiền não của loài người.Tới lúc Ca Lâu La mệnh tận, liền nhả hết chất độc của rồng – rắn trong ruột ra, bay tới đỉnh Kim Cang Luân để tự thiêu và chỉ để lại một trái tim xanh biếc.

8. Thứ tám, Ma Hầu La Già (Mahoraga)

Loài phi nhân cuối cùng trong Bát bộ chúng là Ma Hầu La Già (Mahoraga), là một loài rắn lớn, còn có tên khác là Ma Hộ La Nga, Ma Phục Lặc, Địa Mãng Xà hay Địa Long để phân biệt với loài Long vốn là rắn biển. Theo Lăng Nghiêm kinh, Ma Hầu La Già “thuộc loại bò sát; vì ngu si độc ác nên tự chiêu mời rắc rối, đần độn vô tri, muốn thoát luân hồi nên đã tu luyện từ bi trí huệ, vãn hồi hậu quả gây ra, thoát được luân hồi”. Điều này nói lên rằng, Ma Hầu La Già là Địa Long đối ứng với Thiên Long, nguyên là loài bò sát, nhưng bởi “đần độn vô tri” mà trái lại có thể “thoát khỏi luân hồi, tu luyện từ bi trí huệ”, cuối cùng cứu vãn được tiền căn, thoát khỏi xác thân bò sát, thay da đổi thịt.

Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các Bồ Tát, tỳ kheo thường có tám loại chúng sinh đến nghe giảng kinh. Pháp Hoa kinh trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép:

“Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật”.

(Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật)

Lại có câu:

“Trời, Rồng, A Tu La, Dạ Xoa
Đến nghe Phật Pháp, nên chí Tâm
Ủng hộ Phật Pháp mãi trường tồn
Mỗi mỗi siêng tu lời Phật dạy”.

Đủ thấy được rằng, bất kể là người hay không phải người, cứ là chúng sinh trong lục đạo luân hồi, nếu thành tâm kính Phật, tu tâm dưỡng tính, sẽ sớm tinh tấn và giải thoát bản thân mình khỏi nghiệp chướng nơi cõi tục.

Những kiến thức trên đây được Thăng Long Đạo Quán dày công tìm kiếm, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức về phong thủy, Phật giáo. Chúc mọi người nhiều bình an, may mắn. Đừng quên theo dõi Thăng Long Đạo Quán để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!
Tài liệu tham khảo:
1. Về Thiên Long bát bộ, tác giả Anh Nguyễn, bài đăng 3 kỳ trên tạp chí Soi.today.
2. Bát bộ chúng, website Hoa Đàm, Ni giới Việt Nam.
3. Fanpage: Nam Quốc Sơn Hà