Được mệnh danh là “đệ nhất linh sơn” của Việt Nam, Yên tử nổi tiếng là ngọn núi với nhiều sự tích. Trong đó, ly kỳ nhất chính là sự tích về “Phật Hoàng” Trần Nhân Tông. Gắn liền với đó là sự sáng lập Phật sơn Yên Tử với hệ thống các chùa và trường phái thiền Trúc Lâm.

1. Núi Yên Tử

1.1. Vị trí tọa lạc của núi Yên Tử

Yên tử là ngọn núi nổi tiếng tại Việt Nam với độ cao 1068m so với mực nước biển. Yên tử thuộc dãy Đông Triều tại miền Bắc. Nằm giữa ranh giới tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh. Hẳn ai nghe về Yên tử cũng biết đây là ngọn núi mang hồn cốt của lịch sử đất Việt. 

1.2. Đặc điểm của núi Yên tử

Yên tử không chỉ là nơi hội tụ văn hóa, văn hiến lâu đời mà còn được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Hệ thống động thực vật tại Yên tử vô cùng phong phú.

Và cũng không chỉ có thiên nhiên đa dạng, núi Yên tử hiện nay cũng lưu giữ một hệ thống các di tích văn hóa, đền chùa và các tư liệu vô cùng đồ sộ. Những di tích gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Đỉnh Yên tử thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên trước kia được gọi là Bạch Vân Sơn.

Yên tử có đường bộ lên đến 6000m để tới đỉnh. Tương đương với khoảng 6 giờ đi bộ liên tục. Ngoài ra, bao quanh cung đường, thác suối là các di tích, địa danh, thắng cảnh vô cùng nổi tiếng.

2. Chùa Yên tử

2.1. Lịch sử hình thành

Yên tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng. Khoác áo cà sa tu hành để tìm sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi. 

Tháng 10 âm lịch năm 1299, Trần Nhân Tông đến Yên tử với pháp danh Hương Vân đại đầu đà và tu hành thep Thập nhị đầu đà (12 điều khổ hạnh).

Ông thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam. Đó là dòng Thiền Trúc Lâm yên Tử. Và từ đó, ông trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền giảng đạo.

Tại Yên tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hệ thống các chùa chiền, mỗi chùa lại có những sự tích riêng, nổi tiếng có thể nói đến chùa Giải Oan.

Phật Hoàng trong 19 năm tu hành đã để lại không biết bao nhiêu những bài giảng, những tác phẩm nổi tiếng. Trong đó có bộ sách Thạch thất mỵ ngữ, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng già toái sự. Đồng thời, ông cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị. Những ngôi chùa nổi tiếng có thể kể tên như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)…

Ngày 17 tháng 5 năm, Yên tử và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã cùng với chùa Bái Đính ở Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là những địa danh của Việt Nam được chọn là những thắng tích phật giáo. Dành cho các đại biểu tham dự đại lễ phật đản thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam đến tham quan, chiêm bái.

2.2. Thắng cảnh tại chùa Yên Tử

Hành trình tham quan chùa Yên tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bên bờ suối. Cầu có chiều dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng khoác lên ngoài vẻ cổ kính. Tương truyền rằng, khi xưa vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông. Trần Nhân Tông có nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ khuyên ông trở về cung cấm những không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua thương cảm nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó suối có tên Giải Oan.

Trước sân chùa sum suê từng khóm và xung quanh có 6 ngọn tháp. Tháp lớn nhất là mộ vua Trần Nhân Tông, hai tháp bên là mộ sư Pháp Loa và Huyền Quang.

Sau đó là chùa Hoa Yên, có tên gọi khác là chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên. Chùa này nằm ở độ cao 543m với hàng cây tùng tương đối cổ. Trên đó nữa là chùa Vân Tiêu. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1068m.

Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.

3. Hội xuân Yên Tử

Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, chiêm bái. Là đệ nhất linh sơn, Phật sơn Việt Nam. Lễ hội Yên Tử là nét đẹp văn hóa tâm linh tiêu biểu của cả dân tộc.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).

Yên Tử là danh lam thắng cảnh, là nơi linh thiêng hàng trăm khách thập phương tìm về mỗi năm. Trên đây là một vài thông tin về chùa Yên Tử mà Thăng Long Đạo Quán đã tìm hiểu và tóm lược lại. Hy vọng sẽ giúp ích cho quý vị hiểu thêm về Trung tâm Phật giáo lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn: Internet