Hồ Tây là một địa danh vô cùng nổi tiếng, linh thiêng và gắn với nhiều giai thoại lịch sử của Việt Nam qua từng thời kỳ. Vì thế hồ cũng có những tên gọi khác nhau khi trải qua đằng đẵng các thời kỳ lịch sử. Trong đó có một tên gọi rất đặc biệt được gắn với “nỗi oan thiên kỷ” của một vị quan đại tài thời Lý, Hồ Dâm Đàm.
Hãy cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu về giai thoại Hồ Dâm Đàm này nhé.
Nguồn gốc cái tên Hồ Dâm Đàm
Dâm Đàm với ý nghĩa là đầm tràn đầy nước. Có lẽ ý nghĩa ấy muốn nói tới sự rộng lớn, mênh mang sóng nước của Hồ Tây. Tên gọi này cũng không biết chính xác được gọi trong thời gian nào, nhưng theo cố GS. Trần Quốc Vượng, một giáo sư, nhà sử học, nhà khảo cổ học lỗi lạc của Việt Nam thì Dâm Đàm có tên thật từ thời Lý – Trần (Thế kỷ X – XV).
Xem thêm: Truyền kỳ sự hình thành Hồ Xác Cáo, tên gọi xa xưa nhất!
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép
“Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua Lý Nhân Tông ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ thì phát hiện Thái sư Lê Văn Thịnh” và ông gọi nơi đây là Dâm Đàm (nghĩa là Hồ mù sương).
Câu chuyện về vụ Thái sư Lê Văn Thịnh mưu hại Vua Lý Nhân Tông được các sách ghi chép khác nhau. Sách Việt điện u linh, Truyện Thái uý Trung duệ Vũ Lượng Công của Lý Tế Xuyên (Thế kỷ XIII) có đoạn viết: “Trong thời Lý Nhân Tông, quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một tên gia nô người Đại Lý, có thuật lạ đọc thần chú biến được thành hổ báo. Lê Văn Thịnh cố dỗ dành tên gia nô dạy pháp thuật cho mình, sau khi học được rồi thì Văn Thịnh lập mưu giết chết tên gia nô và định dùng nó để hại Vua cướp ngôi”.
Vụ án Đâm Đàm này là một câu chuyện hoang đường, nó chỉ có thể là một màn nguỵ trang cho một sự tranh giành quyết liệt trong nội bộ triều đình nhà Lý vào cuối Thế kỷ XI và sự thất thế dẫn đến việc buộc phải ra đi của Lê Văn Thịnh. Hoặc giả, nó phản ánh về sự mâu thuẫn tôn giáo, tư tưởng xã hội của thời đại.
Lúc này, Nho giáo đang dần khẳng định vị trí của mình mà Lê Văn Thịnh là người khai khoa cho lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam. Lê Văn Thịnh quê ở Bắc Ninh, ông đỗ đầu khoa Minh kinh bác học năm 1075, đời Lý Nhân Tông, ông từng làm chức Thị lang Bộ Binh.
Năm 1084, ông làm Chánh sứ đi sứ sang Tống, bằng tài ngoại giao, ông đòi lại được vùng đất Vật Dương, Vật ác (Cao Bằng) từ triều đình phương Bắc. Vì công lao của ông đối với triều chính, Lê Văn Thịnh được phong Thái sư năm 1096.
Cái kết nào dành cho Thái Sư Lê Văn Thịnh?
Sử sách không thấy ghi mâu thuẫn triều chính của Lê Văn Thịnh nên khi vụ án Dâm Đàm xảy ra, ông bị xích sắt đóng cũi và bị đày lên thượng nguồn Sông Thao nhưng không bị giết vì nhà Vua đã nghĩ đến công lao của ông. Theo dân gian lưu truyền, khi sức tàn lực kiệt, Lê Văn Thịnh được ân xá về quê. Đến đầu làng, ông được một bác nông dân nấu cháo và kho cá cho ăn. Ông ăn xong nằm nghỉ rồi mất tại đó, xác ông được mối đùn kín. Dân làng sau khi biết ông là Thái sư Lê Văn Thịnh thì chôn cất, lập đền thờ và tôn làm Thành hoàng làng.
Còn Mục Thận làm nghề chài lưới đánh bắt cá ở Dâm Đàm, nhờ có công cứu Vua Lý Nhân Tông nên được phong làm Đô uý và được ban đất quanh hồ làm thực ấp. Khi mất, ông được lập đền thờ ở Làng Võng Thị, truy phong tước Thái úy Duệ Lượng Công.
Thật là:
“Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời,
Tay lưới phép còn ghi công bắt hổ”
(Nguyễn Huy Lượng – Tụng Tây Hồ phú)
Kết luận
Đây là một vụ án đậm chất thần bí, hoang đường ma thuật phản ánh mâu thuẫn tôn giáo của một thời đại. Hồ Tây ngoài là một địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội thì còn là một chỗ vô cùng linh thiêng với nhiều giai thoại lịch sự hay truyền thuyết. Hãy cùng đồng hành với Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu thêm về những giai thoại khác ở những bài viết tiếp theo nhé.
Tham khảo: Bí ẩn nghĩa địa cổ dưới đáy Hồ Tây: Sự thật rùng mình, ai cũng phải khiếp sợ