Tử Cấm Thành Huế là một “công trình để đời” của triều đình nhà Nguyễn. Thế nhưng ít ai biết được từ lúc xây dựng Tử Cấm Thành có tên là Cung Thành, mãi đến đời vua Minh Mạng, cái tên Tử Cấm Thành mới xuất hiện.

Hãy cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu xem tại sao vua Minh Mạng lại đổi tên Cung Thành thành Tử Cấm Thành nhé.

Tử Cấm Thành – tòa thành cấm màu tía

Châu bản triều Nguyễn có ghi chép triều Minh Mệnh năm thứ 3 (1822), vua lệnh cho sơn lại Cung Thành màu vàng và đổi tên thành Tử Cấm Thành – nghĩa là thành cấm màu tía.
Tuy nhiên, tại sao sơn màu vàng lại có gọi ý là màu tía? Giới nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, theo hán tự chữ “Tử” có nghĩa là Thiên tử và cũng có nghĩa màu tím, dựa theo thần thoại về chòm sao Tử Vi Viên. Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, vua là con Trời nên nơi ở của vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào.

Một vài phần còn sót lại của Tử Cấm Thành Huế.
Một vài phần còn sót lại của Tử Cấm Thành Huế.

Tư liệu từ khối Châu bản cũng cho biết thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn Phòng, mới mở thêm cửa Văn Phòng. Mặt Đông có hai cửa Hưng Khánh và Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía Đông Duyệt Thị Đường. Mặt Tây có 2 cửa: Gia Tường và Tây An. Tất cả các cửa thành ở ba mặt đều xây bằng gạch và vôi vữa, mái chồng nhiều tầng, làm giả ngói.

Bên trong Tử Cấm Thành có hàng trăm công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Một số công trình chính gồm điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung. Vì là trung tâm nên Tử Cấm Thành thường xuyên được tôn tạo, sửa chữa.
Bản tấu ngày 12 tháng 10 năm Thành Thái 18 (1906) của Công bộ có ghi: Ngày mồng 10 tháng trước bộ thần làm phiến xin tu bổ đường tại 3 cửa Thể Nhân, Đông Nam và cửa Chính Nam để tâu trình lên. Vâng được Châu phê: Các đường trong Tử Cấm Thành từ trước đến nay chỉ dùng vôi ngói dỡ ra để đắp, chưa từng dự trù mua đá núi. Nay truyền cho bộ ngươi bàn trích độ 1.000 đồng tại ngân khoản xây dựng tại Nội để phát mua đá, xếp đống ở ngoài cửa Nghi Phượng và truyền cho các công sở tại Nội lần lượt lấy đắp đường.

Bản tấu ngày 15 tháng 12 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của Công bộ tâu rằng: Trong Hoàng Thành và phía ngoài Tử Cấm Thành có 12 đoạn đường, do bị mưa lụt, đất cát trôi mất còn trơ nền đá gồ ghề, cỏ cây mọc rậm rạp, thiếu nhã quan. Đã phái binh lính dọn cỏ cho được quang sạch sẽ. Nay nên thuê mướn đào hết gốc cỏ cây, bồi đắp mặt đường rồi lại lấp đất san cho được bằng phẳng.

Châu bản 1906 về việc trích tiền mua vật liệu sửa chữa Tử Cấm Thành Huế
Châu bản 1906 về việc trích tiền mua vật liệu sửa chữa Tử Cấm Thành Huế (Ảnh: TTLTQG)

Bản tấu của bộ này ngày 24 tháng 12 năm Duy Tân thứ 3 (1909) ghi rằng: Ngày Tết Nguyên đán đã gần, tường gạch xây vây quanh các nơi Tử Cấm Thành, tả hữu miếu, điện Phụng Tiên, 2 cung Thọ Ninh và Ninh Thọ, điện Khâm Văn, phủ Nội vụ, nhà cầu tả hữu điện Cần Chính… hai mặt thân thành trong ngoài đều quét vôi, nhưng do lâu ngày đã bị xám đen. Nay xin nhất loại quét vôi, trang trí lại cho được nhã quan.

Kết luận

Dù là một quần thể quan trọng bậc nhất của Huế, nhưng sau này trải qua những biến động của lịch sử mà Tử Cấm Thành đã không còn nguyên vẹn, hầu hết đều bị san phẳng, chỉ còn đó những phế tích đầy xót xa về một thời hoàng kim của lầu son gác tía.

Tham khảo: Giai thoại lịch sử: Truyền thuyết về sự hình thành 6 tên gọi của Hồ Tây