Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nhất của Thủ đô. Hồ Tây cảnh đẹp thì ai cũng biết. Thế nhưng việc Hồ Tây huyền bí, thậm chí còn là hồ thiêng ở góc phía Tây của Hà Nội thì mấy ai biết?

Cũng như Hà Nội trải qua lịch sử với nhiều cái tên Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Bắc Thành, Hồ Tây cũng có những tên gọi khác nhau khi trải qua đằng đẵng các thời kỳ lịch sử như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Tây Hồ, Đoài Hồ. Nhưng có lẽ, tên gọi cổ xưa nhất được biết đến là Đầm Xác Cáo

Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu về sự tích hình thành nên cái tên này nhé.

Truyền kỳ tên gọi Hồ Xác Cáo
Truyền kỳ tên gọi Hồ Xác Cáo.

Hồ Xác Cáo (Đầm Xác Cáo)

Đầm Xác Cáo được người đời cho là tên gọi xưa nhất của Hồ Tây. Tên gọi này gắn với sự tích con Hồ Ly chín đuôi. Sự tích kể rằng vùng đất Hồ Tây ngày xưa là rừng rậm hoang vu và nhiều gò núi. Ở đó, có một con Hồ Ly chuyên tác oai tác quái quấy nhiễu đời sống dân lành. Nhưng việc diệt trừ Hồ ly tinh được kể trong các câu chuyện dân gian cũng khác nhau. 

Một chuyện cho rằng Lạc Long Quân vì thương xót con dân nên đã dâng nước biển dìm chết con cáo và tạo ra hồ nước. 

Một câu chuyện khác kể về Huyền Thiên cũng vì thương xót và nghe lời cầu khẩn của dân chúng mà diệt trừ con cáo. Việc diệt trừ xảy ra ác liệt, khi con cáo bị diệt xong đã tạo ra một hồ nước. Từ đó, hồ có tên là Đầm Xác Cáo.

Nguyễn Huy Lượng trong Tụng Tây Hồ phú có câu nói về sự tích này

“Trước bạch hồ nào ở đó làm hang,

Long vương hổ nên vùng đại trạch”

Tham khảo: Bí ẩn nghĩa địa cổ dưới đáy Hồ Tây: Sự thật rùng mình, ai cũng phải khiếp sợ

Sự Tích Hồ Xác Cáo (Đầm Xác Cáo)

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa Long Quân đã lập chùa quán để trấn yểm bên Hồ Tây là Thiên Niên quán, nay là chùa Thiên Niên ở Trích Sài ven hồ Tây. 

Chùa Thiên Niên nơi có bia đá ghi lại sự tích diệt trừ Hồ Ly Tinh
Chùa Thiên Niên nơi có bia đá ghi lại sự tích diệt trừ Hồ Ly Tinh.

Ở chùa này có lưu sự tích về việc diệt con Cáo chín đuôi qua tấm bia Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký (Bài ký trên bia chùa Thiên Niên, thôn Trích Sài, huyện Hoàn Long). Bài ký này được khắc trên tấm bia đá dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 13 (1901). 

Nội dung kể:

“Khu vực Hồ Tây, trước kia là khu rừng rậm mọc toàn gỗ lim. Trong rừng có hòn núi nhỏ, một con cáo chín đuôi thành tinh đã lâu ẩn náu trong hang núi đó. Nó thường xuyên hiện hình làm hại người và vật, đã lâu ngày không trừ được.

Vua Tiền Lý Nam Đế thấy vậy vô cùng lo lắng, sai hai công chúa đi học pháp thuật để trừ hại cho dân. Hai công chúa tu luyện ba năm nhưng kết chưa thành, con cáo yêu quái lại càng quấy phá nhiều hơn. Hai công chúa xin sang phương Bắc học Trung Quốc. Thuyền đi đến sông Nguyệt Đức, buổi chiều gặp một vị Đại tiên. Vị này nói:

– Ta nghe hai công chúa có chí trừ yêu quái mà con hồ tinh lọt lưới ẩn nấp chưa trừ được. Vậy ta đến giúp để cứu dân.

Hai công chúa lấy làm mừng, đón vị Đại tiên về và tâu với vua. Vua cho mời vị Đại tiên, hỏi tường tận về pháp thuật. Đại Tiên bảo hãy chuẩn bị lập đàn ở nơi cao ráo, sạch sẽ, dựng 8 cửa, 8 tháp như hình bát quái trận đồ và dạy hai công chúa tất cả những bí quyết phù chú.

Trong khoảng 100 ngày, khi việc học đã thạo, bèn chọn ngày tốt, xem địa thế và lập đàn trừ yêu. Dùng cờ và lọng ngũ sắc mỗi thứ 100 cái. Rồi rước vị Huyền Chân Đại Đế ở phương Bắc chủ trì đàn trấn yêu. Lại dựng miếu thờ vĩnh viễn, để con cáo yêu quái sau khi bắt được, không thể lại hiện hình, tác quái được nữa. Vua theo lời lập 3 đàn, đàn giữa thờ Thiên, Địa, Thần kỳ do vị Đại tiên chủ trì, đàn tả thờ Dương thần, đàn hữu thờ Âm thần do hai công chúa phụng lễ.

Đến ngày lễ đàn, Đại tiên một tay cầm bùa, một tay cầm kiếm, chỉ vào trước núi đá. Bỗng thấy con cáo từ trong hang núi nhảy vọt ra, đá núi đổ xuống. sóng nước sôi lên, bắn tung tóe ra bốn phía, rừng lim sụt xuống, tất cả biến thành hồ nước, đất sụt tới tận bên cạnh đàn. Trong đàn lửa bốc lên, cờ lọng bị cháy hết. Phía trên đám lửa kết thành một đám mây đen bay lên lưng chừng trời, Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. Sau cùng không thấy nữa, chỉ còn hai công chúa bắt quyết ngồi ở đàn, lửa chẳng hề bén đến thân thể.

Quan quân báo tin về với vua Lý, vua theo như lời Đại tiên nói trước, sai dựng đền ở nơi lập đàn, để hai công chúa sớm chiều thờ phụng. Đền ở giáp bên hồ. Sát bờ bên kia hồ cũng lập miếu để thờ Huyền Chân Đại Đế và chỗ dựng 8 tháp nơi đàn cũ, xây ngôi chùa để hai công chúa trụ trì. Sau một thời gian, hai công chúa cũng hóa theo Tiên Phật…”

Sau khi bắt Hồ Ly Tinh, hình thành nên một vùng nước mênh mông, đó là khởi đầu của Hồ Tây ngày nay.
Sau khi bắt Hồ Ly Tinh, hình thành nên một vùng nước mênh mông, đó là khởi đầu của Hồ Tây ngày nay.

Kết luận

Hồ Tây ngoài là một địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội thì còn là một chỗ vô cùng linh thiêng với nhiều giai thoại lịch sự hay truyền thuyết. Hãy cùng đồng hành với Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu thêm về những giai thoại khác ở những bài viết tiếp theo nhé.

Tham khảo: Cách đi lễ Phủ Tây Hồ chuẩn chỉ, khấn sao cho đúng?