Người dân Hà Nội và du khách thập phương đã không còn mấy xa lạ trước địa danh Hồ Tây. Nhưng bạn có biết, ẩn sau vẻ đẹp mà bạn vẫn thường thấy chính là một nghĩa địa dưới lòng hồ và những sự thật đằng sau nó khiến người khác thực sự phải rùng mình.

Giải mã bí ẩn nghĩa địa giữa lòng Hồ Tây
Giải mã bí ẩn nghĩa địa giữa lòng Hồ Tây

Chia sẻ từ người dành cả đời lặn ngụp dưới đáy hồ

Người chúng tôi nhắc đến ở đây là ông Nguyễn Văn Bân nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thuộc Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây. Ông chính là người đã dành cả cuộc đời của mình để lặn ngụp dưới đáy Hồ Tây, với ông, nó thân thuộc như lòng bàn tay của mình vậy.

Khi nhắc đến “nghĩa địa dưới đáy hồ”, kỷ niềm của ông lại trần về. Theo ông Bân, xưa kia Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, bên Hồ Tây có hàng chục làng mạc cổ, cánh đồng, ruộng vườn bám ở mép hồ và cũng có hàng chục cái nghĩa địa, để chôn cất những người trong làng, hoặc chôn người chết ở các làng phía trong bãi.

Cũng theo ông, bên cạnh các nghĩa địa của người Việt cũng không thiếu nghĩa địa của người Chăm-pa, dấu ấn từ cuộc chiến từ thời nhà Lê. Chỉ cần lặn xuống đáy Hồ Tây, khu vực làng Hồ, Võng Thị, Trích Sài thuộc phường Bưởi, có thể phát hiện cả một góc hồ là một nghĩa địa khổng lồ, rộng hàng chục ha.

Toàn bộ đáy Hồ Tây ở khu vực phường Bưởi, là một nghĩa địa. Những nghĩa địa hình thành từ hàng ngàn năm trước, đã bị những đợt sóng kiên trì của Hồ Tây đánh tan và nhấn chìm xuống đáy bùn.

Những cuộc săn của ở nghĩa địa đáy Hồ Tây

Ngày trước khi rừng còn nhiều, những nhà giàu quyền quý chết thường được chôn cùng với quan tài gỗ quý, rát vàng. Nào là đinh hương, pơ mu,.. dù có ngâm mình trong lòng đất cả trăm năm cũng chẳng sợ mối mọt, thậm chí càng ngâm càng rắn chắc, càng đẹp. Chính vì vậy mà những năm 70-80 của thế kỷ trước, dân làng Yên Phụ rộ lên phong trào “săn gỗ” dưới nghĩa địa ở lòng hồ.

Chuyện săn gỗ ngày ấy ai ai làng Yên Phụ cũng biết, những thanh niên trai tráng nhất đều tham gia mò gỗ. Những ngôi mộ bị sóng đánh, bị người dân dùng thuốn sắt phá tan để thu thập gỗ rồi bán lại cho các xưởng mộc chế tác, làm ra đủ đồ nội thất bán đi khắp mọi nơi.

Bên cạnh đó còn là những cuộc săn tìm cổ vật, thu lượm tiểu sành. Có cả những đội ngũ lặn chuyên nghiệp chuyên lặn săn đồ cổ. Theo lời đồn, có nhiều người bới được cả những hũ vàng, vòng bạc, khuyên tai trong những chiếc quan tài. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến chum, lọ, bát đĩa gốm, toàn là những đồ vật vài trăm năm tuổi.

Giới săn đồ cổ còn táo bạo đến mức dùng mìn đánh bật nắp quan tài để tìm kiếm cổ vật. Ông Nguyễn Văn Tiến (hiện quản lý thuyền vịt ở hồ Trúc Bạch) kể rằng, ông là người có thâm niên 20 năm kéo cá thuê ở Hồ Tây, từng lượm được rất nhiều đồ cổ đem bán. Phần lớn những món đồ ông lượm được là do dính vào lưới vét. Trong số những món đồ ông kiếm được, có một cái hũ rất đẹp. Lòng chiếc hũ tráng men xanh, mặt ngoài có nhiều hình thù cổ quái.

Nghĩa địa dưới mắt nhà khảo cổ

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là người am hiểu rất sâu sắc về Hà Nội. Năm 2008, ông viết tác phẩm Địa chí Tây Hồ. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Phúc cũng thừa nhận không nắm được thông tin gì về những nghĩa địa dưới đáy Hồ Tây.

Có lẽ, những khu nghĩa địa cổ này, cùng với việc chìm nghỉm dưới đáy Hồ Tây từ hàng trăm, hàng chục năm nay, nó cũng đã biến mất trong tâm trí người Hà Nội. PGS Nguyễn Lân Cường:

“Trước kia Hồ Tây rất rộng, có nhiều nhánh khác nhau, thậm chí, nó còn ăn sát vào Hoàng thành Thăng Long. Nhiều cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy cả bờ sông ở gần thành, có cả biểu hiện của giao thông thủy. Hàng ngàn năm nay, Hồ Tây lúc lở, khi bồi, nên chuyện các nghĩa địa cổ bị chìm dưới đáy Hồ Tây do hiện tượng xói lở là hoàn toàn bình thường và có thể xảy ra, chỉ có điều, tôi cũng như các nhà khoa học, khảo cổ, đều chưa nghiên cứu về chuyện này”. Tuy nhiên, với những gì mà người thực địa dưới lòng hồ Tây kể lại, hoàn toàn có thể khẳng định đã có một khu nghĩa địa lớn đã từng bị nước chôn vùi.