Đền Chúa Bà Năm Phương ở đâu? Nên cầu gì khi đi lễ đền Chúa Bà Năm Phương? Sắm lễ cúng Bà Chúa Năm Phương như thế nào là đúng cách? Thăng Long Đạo Quán đã tổng hợp chi tiết những thông tin liên quan trong bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng đón đọc!

1. Chúa Bà Năm Phương là ai?

Chúa Bà Năm Phương hay Chúa Ngũ Phương, vốn là một tiên nữ chốn thiên cung giáng trần thành một vị nữ tướng hiển hách lẫy lừng. Tuy bà không mấy khi được nhắc tới trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam, thế nhưng với tài năng và quyền pháp của mình, bà đã được Mẫu giao cho trọng trách quản lý 5 phương trời đất nên bà được người dân tôn làm Bà Chúa Ngũ Phương.

2. Sự tích về Chúa Bà Năm Phương

Chúa Bà Năm Phương hay còn có những tôn xưng khác là Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa hay Đức Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa. Bà đã được vua ban là Hộ Quốc trang huy Thượng Đẳng Thần (hàng vị thần cao nhất) nhằm ghi nhận công lao to lớn của bà đối với nhân dân và đất nước. Bà đã có công giúp vua Ngô Quyền quản lý kho quân nhu, quân lương tiếp sức mạnh cho quân đội làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy sử Việt, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc.

Đền Chúa Bà Năm Phương
Bên trong đền Chúa Bà Năm Phương

Truyền thuyết kể rằng, trước đây Chúa Bà vốn là một tiên nữ trên Thiên Đình, sau khi hạ thế Chúa Bà đã giáng vào nhà họ Vũ ở Cấm Giang, đất Gia Tiên (thành phố Hải Phòng ngày nay). Khi lớn lên, Chúa Bà trở thành một nữ tướng tài giỏi dưới quyền Ngô Vương. Vua tin tưởng, bà được giao quản lý toàn bộ quân lương, quân nhu tại bản doanh Gia Viên nằm tại Làng Cấm, chính là phố Cấm ngày nay. Bà lo toan mọi việc đều hết sức chu toàn, đầy đủ, đảm bảo cho toàn bộ nghĩa quân có đủ sức đánh giặc. Khẩu hiệu của bà là “Thực túc binh cường” tức ăn no thì quân binh mới mạnh, mới có đánh thắng giặc. Do đó, nhờ sự chỉ huy binh lược tài ba của đức Ngô Vương, cùng sự chuẩn bị chu đáo về lương thảo và lòng quyết tâm cao của các tướng sĩ đã làm nên chiến thắng lịch sử vang lừng tại sông Bạch Đằng kết thúc 1000 năm Bắc thuộc., lưu truyền đến muôn đời sau.

“Ngũ Phương Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa

Sắc phong hộ quốc trang huy Thượng Đẳng Thần”

Bà Chúa Năm Phương hóa thác vào ngày 16 tháng 6 âm lịch khoảng năm 939 – 944. Khi đã hồi tiên về trời, Chúa Bà được giao quyền bính cai quản năm phương trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương nên dân chúng đã tôn xưng Bà là Chúa Quận Năm Phương hay Chúa Năm Phương.

Cũng có nhiều câu chuyện lưu truyền kể về sự hiển linh tại trần thế của Bà. Một trong số đó là câu chuyện Chúa Bà Năm Phương hiển linh ngự khắp năm phương, cứ vào đúng canh ba giờ Tí thì Chúa Bà hiện hình thành người mỹ nữ gọi xe đi rong chơi. Rồi khi về đến “Cây Đa 13 gốc” thì Bà trả tiền cho phu xe rồi biến đi mất. Hay cũng có một câu chuyện khác kể rằng là vào thời Pháp thuộc có một me Tây bị Chúa Bà hành cho chí rận, khắp người ngứa ngáy phải đến kêu xin, sám hối Chúa thì mới được khỏi. Để cảm tạ ơn Chúa, me Tây đó đã lập đền thờ trang nghiêm và quanh năm đến cúng lễ. Và đó chính là đền Vườn Hoa Chéo nằm tại đường Trần Hưng Đạo, thuộc thành phố Hải Phòng hiện nay.

3. Đền Chúa Bà Năm Phương ở đâu?

Bà Chúa Năm Phương nức tiếng khắp nơi, để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ, nhân dân cả nước đã lập đền thờ bà. Những ngôi đền, chùa linh thiêng nổi tiếng nhất thờ Bà Chúa Năm Phương là 5 ngôi đền nằm ở vùng đất Hải Phòng. Không những thế những ngôi đền này còn nằm rất gần nhau, đó là Đền Cấm, Đình Cấm, Đền Tiên Nga, Bát hương Vườn Hoa Chéo, Cây Đa 13 Gốc.

Con hương đi lễ Chúa Bà nhất tâm đều có thể đi chiêm bái hết cả 5 đền này. Nếu không, tùy tâm linh ứng, bản thân cảm thấy đền nào linh thiêng thì có thể đến sắm lễ tới ngôi đền đó. Tại các ngôi đền này, nghi thức lễ vật dâng và văn khấn gần như giống nhau.

3.1. Đền Cấm

Đền Cấm còn gọi là chùa Cấm, tại phường Gia Viên, phố Cấm, Ngô Quyền, Hải Phòng. Đây chính là quê hương của Chúa Bà lúc sinh thời. Nơi đây, trước đây có một ngôi miếu thờ riêng của Chúa Năm Phương.

Sau này, do ngôi chùa bên cạnh bị xuống cấp, nên các pho tượng của ngôi chùa này được ghép phối thờ với ngôi miếu thờ bà chúa Năm Phương. Vì thế ngôi đền thờ theo hình thức: Tiền Phật, Hậu Thánh. Cũng vì thế nơi đây, bà con quanh vùng vẫn quen gọi đó là Chùa Cấm. Nhưng thực chất gọi là Đền Cấm thì đúng hơn.

Nơi đây, cung cấm thờ Chúa Bà Năm Phương với tượng Chúa Năm Phương. Phía ngoài cung cấm cũng có ban thờ tượng Chúa Bà Năm Phương để mọi người lễ.

Đây có thể coi là nơi thờ chính của Chúa Năm Phương, bởi đây được coi là quê hương của bà và cũng là nơi giữ bát hương của bà từ đền Vườn Hoa Chéo đưa về.

Xem thêm: Hệ thống thần linh đạo Mẫu

3.2. Đình Cấm

Đình Cấm hay còn gọi là Đình Gia Viên. Đình nằm ngay cạnh Chùa Cấm. Đình là nơi thờ Ngô Quyền cùng Đức Đông Đại Vương, Nam Hải Địa Vương và Công chúa Vũ Quận Quyến Hoa hay Bà Chúa Năm Phương. Ngôi đình có kiến trúc đơn giản nhưng được xây dựng từ hơn 100 năm trước. Nên đây là nơi chứa đựng những giá trị tinh thần về văn hóa và tín ngưỡng vô cùng sâu sắc đối với người dân, đặc biệt đối với người dân Hải Phòng.

3.3. Đền Tiên Nga

Đền Tiên Nga tọa lạc tại số 53 đường Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Đây là một công trình văn hóa tâm linh vô cùng đồ sộ và hoành tráng tại làng cổ Gia Viễn hay làng Cấm xưa. Nơi đây mới được trùng tu nên quang cảnh chùa trông khá khang trang. Cổng vào chùa được xây dựng thành cổng tam quan vô cùng uy nghi và bề thế. Nơi đây nhân dân thờ công chúa Liễu Hạnh, Thánh Hưng Đạo Đại Vương và một số vị thần xã Phúc Thần khác theo tín ngưỡng dân gian. Những vị thần được tôn thờ này đã giúp đỡ con người vượt qua hoạn nạn, khó khăn.

Đền Chúa Bà Năm Phương
Hình ảnh đền Tiên Nga

3.4. Bát hương Vườn hoa Chéo

Theo Thủ nhang đồng thầy Hoàng Gia Bổn – Nghệ nhân dân gian thì ngày xưa, đây là Miếu thờ chính của Chúa Năm Phương. Vào khoảng năm 1968, nhà nước cho xây dựng vườn hoa, ngôi miếu đã bị phá. Đồ thờ tự của miếu được đưa về đền Tiên Nga – 53 Lê Lợi, bát hương được đưa về Đền Cấm (hay còn gọi là chùa Cấm).

Tương truyền, thời Pháp thuộc, có một bà me tây (vợ của ông chủ Nhà máy cơ khí Robert) bị lạc mất con. Bà đã đến ngôi miếu này để cầu tìm con bị thất lạc. Ngay sau khi cầu, bà đã tìm thấy con. Vì thế, bà me tây để trả ơn Chúa đã đầu tư tu bổ miếu Chúa trở thành một ngôi miếu thờ.

Có tài liệu thì cho rằng bà me tây đó có xúc phạm Miếu Chúa Năm Phương, nên bị Chúa hành cho chí rận đầy người. Sau đó bà me tây đã đến đền cầu đảo để xin Chúa tha tội, sau đã khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bà đã phát tâm tôn tạo miếu của Chúa. Theo ý kiến riêng của người viết thì truyền thuyết này không có tính thuyết phục lắm so với truyền thuyết bà bị lạc mất con.

Hiện nay, tại Vườn Hoa Chéo ngôi miếu không còn nữa. Nhân dân dựng lại một bát hương để thờ Chúa và cũng là ghi nhận nơi đây đã từng là nơi thờ của Chúa. Bát hương này hiện được một thanh đồng giữ hương khói thường xuyên.

3.5. Đền “Cây Đa 13 gốc”

Đền Cây Đa 13 gốc nằm tại xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

Dưới gốc đa có một miếu thờ, trong miếu có một tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm. Theo người dân địa phương miếu đã có từ lâu đời, thờ đức Thành hoàng làng có tên là Thổ Vượng – người có công giúp dân khai hoang, lập và giữa làng Trại xưa. Như vậy, ngôi miếu dưới gốc đa này là nơi thờ thần hoàng làng và sau đó được phối thờ Chúa Bà Năm Phương

Đây cũng chính là nơi được coi là Bà Chúa Năm Phương hiển linh về ngự. Vì thế, đây là là nơi người dân khắp nơi về lễ Chúa Năm Phương chủ yếu là tại đây.

Tuy gọi là đền, nhưng thực chất nơi đây chỉ là một miếu nhỏ ngay dưới gốc đa. Ngôi miếu cổ này xưa đã được sửa chữa, tu bổ và trở thành miếu thờ tượng của Chúa Năm Phương và hương án của Thành hoàng làng.

Truyền thuyết về sự hiển linh của Chúa Năm Phương của đền cây đa 13 gốc: Vào thời Pháp thuộc, có người phu xe đứng chờ khách ở gần đền cũ vào lúc nửa đêm, bỗng thấy có người con gái mặc quần áo trắng gọi xe về khu vực xóm Trại. Khi người phu xe chở đến cây đa 13 gốc, bỗng người con gái biến mất, trên xe chỉ còn lại tiền âm phủ. Người ta cho rằng người con gái đó chính là Chúa Năm Phương. Chính từ truyền thuyết này mà nơi đây đã trở thành nơi thờ Chúa Năm Phương.

Chính xuất phát từ truyền thuyết này, người dân hay dâng mã Chúa Năm Phương trên xe kéo của một phu xe.

Câu chuyện khác về đền cây đa 13 gốc: Vào thời Pháp thuộc nơi đây là phố Cô Đầu, bởi có nhiều nhà hát cô đầu (còn được gọi là hát ả đào hay ca trù). Có một ca nương chẳng may yểu mệnh mất đúng vào giờ thiêng, nên rất linh thiêng. Có người thương cảm dựng miếu thờ tại khu vực gốc cây đa.

3.6. Một số nơi thờ Chúa Bà Năm Phương đáng chú ý khác ở Hải Phòng

– Đền Bảo Phúc tại số 12 phố Trần Phú. Đây là một ngôi đền nhỏ hiện nằm trong khuôn viên của khách sạn Harbour View. Ngôi đền này mới được xây dựng trên cơ sở một ngôi miếu thờ Chúa Nam Phương.

–  Đền thờ Chúa Nam Phương tại số 1 – phố Lê Hồng Phong. Đây là ngôi đền do một công ty xây dựng phát tâm công đức khi được cấp mảnh đất xây dựng trung tâm thương mại tại đây. Trước đây, tại đây chỉ là một miếu thờ nhỏ thờ Chúa Năm Phương.

– Ngôi đền có thờ tượng của Chúa Bà Năm Phương và Chúa Quỳnh, Chúa Quế là hai hầu cận của Chúa Năm Phương.

– Đền Nam Phương Linh Từ tại Đồ Sơn, ngõ 155 phố Suối Rồng, khu 1 quận Đồ Sơn thành phố Hải Phòng. Đền này nằm gần Đền Cô Chín Suối Rồng. Đây là một ngôi đền được xây dựng vào năm 1996 do thủ nhang Hoàng Gia Bổn chủ trì việc khởi công và hoàn thiện ngôi đền. Ngôi đền tương đối uy nghi. Đền có các cung chính là ban công đồng, ban Trần triều, ban Sơn Trang. Sau ban Công đồng là Cung Chúa Bà Năm Phương, có tượng Chúa Bà và 2 tượng Chúa Quỳnh, Chúa Quế hai bên – Hai công chúa hầu cận của Chúa Bà Năm Phương.

4. Những lưu ý đặc biệt khi dâng lễ đền Chúa Bà Năm Phương

Bà chúa Năm Phương là một nơi thờ phụng linh thiêng được nhiều người biết đến. Hằng năm có rất nhiều người đổ về các địa điểm nơi thờ bà để dâng hương, tế lễ và xin tài lộc, sức khỏe. Để lễ dâng hương được diễn ra suôn sẻ bạn cần chú ý những điều sau:

4.1. Khánh tiệc Chúa Bà Năm Phương

Khánh tiệc Chúa Bà Năm Phương được tổ chức ở nhiều nơi vào ngày 16/6 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, tại Hải Phòng – nơi sinh của bà, lễ khánh tiệc thường đặc sắc hơn cả.

Đền Chúa Bà Năm Phương
Tượng thờ Bà Năm Phương

Khánh lễ diễn ra tại đền Suối Rồng, (Đồ Sơn, Hải Phòng), nhằm tạ ơn Phật, Thánh và cầu cho quốc thái dân an và là dịp để tiến hành nghi lễ hầu đồng (các thanh đồng múa hát hầu Thánh) – một loại hình tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.

4.2. Sắm lễ dâng bà chúa Năm Phương gồm những gì?

Ngoài chuẩn bị văn khấn Bà Chúa Năm Phương khi đi bạn cần sắm lễ để dâng lên bà. Lễ vật thường tùy thuộc vào tấm lòng thành kính cũng như điều kiện kinh tế của mình. Dù là lễ chay hay lễ mặn thì lòng thành và cái tâm vẫn là quan trọng nhất.

Chúa thường xuất hiện với trang phục màu trắng, đi cùng hai hầu nữ cũng trang phục màu trắng. Sắm lễ cúng bà chúa Năm Phương gồm có các phẩm vật sau:

– Bộ quần áo trắng hoặc đỏ.

– 7 miếng trầu cau cánh phượng ( hoặc 5 miếng trầu cũng được).

– 7 bông hoa hồng ( hoặc 5 bông mỗi loại khác nhau).

– Quả ngọt 5 quả khác nhau.

– Nước trắng.

– Hương thắp.

Thông thường lễ được chuẩn bị và sắm theo số lẻ. Đối với những người có điều kiện kinh tế khá giả thì dâng nón hài, trầu cau, tiền vàng cùng với lễ mặn. Với những người không quá khá giả chỉ cần nén hương cùng lòng thành để tâu lên chúa. Bà Chúa Năm Phương vẫn ghi nhận lòng thành với bát nước, cơi trầu và 3 nén nhang. Có tâm bạn chỉ cần xin một đài đã được chúa chứng giám. Mâm cao cỗ đầy mang lễ bà mà sống bất lương, không có lòng thương người sa cơ hoạn nạn thì cũng chẳng ích gì. Những người tâm tính thiện lương, biết tu nhân tích đức, hiếu thuận với cha mẹ ông bà, hoà mục với mọi người thì dù chỉ có nén nhang, chén nước Chúa cũng vui mà phù hộ.

4.3. Nên cầu gì khi đi lễ Chúa Bà Năm Phương

Bà Chúa Năm Phương thường ngự về trước Chầu Năm Suối Lân hoặc cũng có một số người hầu chúa sau Tam Vị Chúa Mường.

Chúa ngự về thường mặc áo trắng (hoặc có khi chỉ choàng chiếc khăn phủ diện) làm lễ khai cuông rồi cầm tiền tung lên trên ban Công Đồng trong bản đền bản điện để khai quang chứng đền, chứng điện, chứng đàn, chứng phủ (ở một số nơi khác còn hầu chúa về múa quạt hoặc múa mồi). Vì vậy, khi đi lễ chúa, người ta lại đến xin cô sức khoẻ bình an, yên căn yên số.

Dân gian truyền tai nhau rằng, Chúa Bà Năm Phương rất linh, ai hữu sự đến kêu van cửa chúa chỉ cần nhất tâm, lòng thành lễ bạc đều được như ý nên danh tiếng bà vang lừng khắp nơi nơi.

4.4. Văn khấn Chúa Bà Năm Phương

Các bạn lạy 9 lạy (cần thiết thể hiện thành tâm thì lạy 20 đến 50 lạy) – nếu có điều kiện thì quỳ khấn, nếu đông quá thì quán tưởng mình lạy rồi khấn:

Con xin kính lễ

Chư Phật, chư Thánh, chư Thiên, chư Thần, chư vị thiêng liêng khắp tất cả

Chư vị bản cảnh thành hoàng, bản xứ thổ địa, chư vị hộ pháp nơi đền (ở các đền thờ chúa đều kêu thêm: Ngài Bản cảnh Hải Phòng, riêng đền cây đa 13 gốc kêu thêm ông Thổ Vượng (thành hoàng của làng, được thờ trước khi chúa về ngự)

Con xin kính lễ Chúa Bà Năm Phương tố linh tố hảo, nhị vị công chúa, và các chư vị hầu cận

Xin phép cho gia tiên nội ngoại tứ thân phụ mẫu được vào Đền lễ Phật lễ Thánh (nhiều nơi không mời gia tiên không vào được, hoặc gia tiên trách, mời để thể hiện tôn kính gia tiên đi kêu cầu, tấu đối cho minh)

Khấn xin Chúa Bà Độ cho mình những việc gì đó:

Nên:

Sám hối lỗi lầm bản thân, sám hối Phật thánh, oan gia trái chủ.

Hứa tu sửa – Làm việc Thiện báo đáp Bề trên và Gia tiên.

4.5. Cách hạ lễ đền Bà Chúa Năm Phương

Sau khi kết thúc khấn, lễ ở các ban thờ, thì trong khi đợi hết một tuần nhang có thể viếng thăm phong cảnh tại đền thờ Bà Chúa Năm Phương.

Khi thắp hết một tuần nhang có thể thắp thêm một tuần nhang nữa. Thắp nhang xong, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ tiền, vàng (đồ mã) đem ra nơi hoá vàng để hoá. Khi hoá tiền, vàng cần hoá từng lễ một, bắt đầu từ lễ của ban thờ chính.

Hoá tiền vàng xong mới hạ lễ dâng cúng khác. Khi hạ lễ thì hạ từ ban ngoài cùng vào đến ban chính.

4.6. Những lưu ý khi đi lễ đền Chúa Bà Năm Phương

Khi đi lễ đền Chúa Bà Năm Phương, bạn nên chú ý phải thật thành tâm và thành kính thì mới được cô phù hộ độ trì. Nếu không thành tâm, thành kính, chẳng những lời cầu khấn của bạn không thành hiện thực mà còn bị cô vật cho gặp nhiều xui xẻo, tai họa.

Đi lễ đền Chúa trước nên cầu sức khỏe và sự bình an, sau rồi mới cầu đến công danh sự nghiệp và tài lộc. Ngoài ra, bạn chú ý không nên cầu quá tham lam hay cầu những điều viển vông, sai trái, vi phạm đạo đức và pháp luật.

Khi dâng lễ, cần chú ý đặc biệt tới cách ăn mặc, nói năng và hành vi ứng xử của bản thân trong đền. Không nên ăn mặc hở hang, nói năng tục tĩu và có những hành vi thô lỗ trong đền thờ cô.

Tuyệt đối không có những ý nghĩ bất chính như cướp của, lừa đảo hay trộm cắp trong đền Bà Chúa Năm Phương.

5. Lời kết

Cảm ơn Anh Chị đã tìm hiểu về Đền Chúa Bà Năm Phương qua bài viết. Chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ thông tin hữu ích này và mong rằng nó có thể giúp ích cho người thân, bạn bè của Anh Chị. Chúc Anh Chị và gia đình nhiều sức khỏe, may mắn và an lành. Mong rằng tài lộc và thịnh vượng sẽ đến với Anh Chị. Chúc mừng và cầu chúc tốt đẹp!

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tải ứng dụng Thăng Long đạo quán về điện thoại di động của mình để tiện lợi hơn trong việc cập nhật các kiến thức tâm linh hàng ngày. Điều này sẽ giúp bạn không bỏ lỡ bất kỳ thông tin mới nào. Kính chúc toàn gia mọi sự hanh thông và vạn sự tốt lành!

Các bài viết khác liên quan: