Rằm tháng 7 là dịp diễn ra lễ Vu Lan và xá tội vong nhân nên rất nhiều người thắc mắc rằng 2 lễ này có phải là một không. Bài viết sau của Thăng Long Đạo Quán sẽ giải đáp thắc mắc trên và chia sẻ một số điều nên – không nên làm trong dịp Vu Lan và xá tội vong nhân.

1. Lễ Vu Lan và xá tội vong nhân có phải là một không?

Mặc dù lễ Vu Lan và xá tội vong nhân đều diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 nhưng đây là 2 lễ khác nhau, xuất phát từ 2 điển tích riêng biệt. 

1.1. Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan

Chuyện kể rằng, khi mẹ của Mục Kiền Liên còn sống thì hay tạo nghiệp. Do vậy khi mất bị đày vào kiếp ngạ quỷ ở địa ngục. Còn Mục Kiền Liên lại là người chăm chỉ, hiền lành. Sau khi mẹ mất thì quy y cửa Phật. Do chăm chỉ học hành nên ông đã học được nhiều phép thuật.

Sau này, Mục Kiền Liên đã dùng mắt phép để tìm mẹ khắp phương trời. Cuối cùng, ông tìm được mẹ ở địa ngục và thấy mẹ rất khổ sở, đói khát. Thấy thế, ông đã mang bát cơm đến cho mẹ ăn. Mẹ của Mục Kiền Liên vẫn giữ thói tham lam nên khi ăn đã dùng tay che lại để các vong hồn khác không đến tranh cướp. Khi cơm vừa đưa đến miệng mẹ của ông thì liền hóa thành lửa.

Mục Kiền Liên không biết làm cách nào nên đã quay về tìm Đức Phật để nhờ giúp đỡ. Đức Phật nói rằng cứ đến ngày Rằm tháng 7, Mục Kiền Liên hãy sắm lễ và nhờ các vị chư tăng đến cúng cùng thì mới cứu được mẹ.

Nghe lời dạy của Phật, Mục Kiền Liên đã làm theo và cuối cùng cũng cứu được mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Về sau, lễ Vu Lan được lan truyền rộng rãi. Đây là ngày lễ mang ý nghĩa để cầu siêu cho cha mẹ. Ngoài ra còn là dịp thể hiện lòng biết ơn hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Vào ngày này, những Phật tử còn cha mẹ thì sẽ cài bông hồng đỏ lên ngực áo, thể hiện niềm tự hào, may mắn vì mình vẫn còn cha mẹ. Người còn cha hoặc mẹ sẽ cài bông hồng màu hồng nhạt, còn người đã mất cha và mẹ sẽ cài bông hồng màu trắng như để tưởng nhớ đến công ơn của những người đã sinh ra họ.

1.2. Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ xá tội vong nhân

Tương truyền, khi A Nan Đà đang ngồi trong tịnh thất thì có một con quỷ gầy, cổ dài, miệng khè ra lửa bước vào. Con quỷ nói rằng sau 3 ngày nữa, A Nan Đà cũng sẽ chết và hóa thành con quỷ y hệt như nó. Nghe vậy, A Nan Đà liền hỏi con quỷ cách thoát khỏi kiếp nạn. Con quỷ bảo A Nan Đà hãy cúng thức ăn và sắm lễ cúng dường Tam Bảo cho bọn quỷ, như vậy thì ông vừa sống thọ, bọn quỷ cũng sẽ được siêu sinh sang cảnh giới lành.

Sau đó, ông đã đem chuyện này kể cho Đức Phật. Đức Phật bèn chỉ chỉ cách cho A Nan Đà rằng khi cúng, hãy đọc bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”. A Nan Đà làm theo và sau đó, ông được sống thọ hơn. Về sau, cứ vào ngày Rằm tháng 7, các gia đình Việt thường tổ chức lễ cúng chúng sinh, sau này hiểu rộng hơn là xá tội vong nhân.

Lễ xá tội vong nhân vào Rằm tháng 7 mang ý nghĩa để cúng thí cho các vong hồn lang thang, không nơi nương tựa. Việc làm này vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái, làm phúc với những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn, vừa cầu mong các vong hồn không quấy nhiễu con người.

2. Lễ Vu Lan và xá tội vong nhân nên và không nên làm gì?

2.1. Lễ Vu Lan và xá tội vong nhân nên làm gì?

Vào ngày lễ Vu Lan và xá tội vong nhân, gia chủ nên làm những việc sau:

  • Đi chùa cầu an: Đi chùa cầu an mang ý nghĩa giúp gia đình bình an, hòa thuận. Đồng thời vừa giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, vừa là cách để tâm hồn bạn lắng lại.
  • Thăm mộ tổ tiên: Thăm mộ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với người thân đã khuất.
  •  Chuẩn bị mâm cơm cúng thật chu đáo: Vào lễ Vu Lan, bạn nên chuẩn bị mâm cơm cúng thần linh, Phật để tạ ơn. Đồng thời nên chuẩn bị mâm cúng tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn, gìn giữ đạo hiếu uống nước nhớ nguồn. Đối với dịp xá tội vong nhân thì nên chuẩn bị mâm cúng chúng sinh để cầu nguyện cho các vong hồn lang thang được siêu sinh sang cảnh giới lành.
  • Ăn chay: Ăn chay được xem là việc làm giúp giảm sát sinh, từ đó tích đức về sau. Ăn chay cũng là cách để tâm hồn bạn cảm thấy bình yên hơn.
  • Gửi lời chúc chân thành đến cha mẹ: Vào ngày lễ Vu Lan, khi bạn gửi lời chúc chân thành đến cha mẹ thì sẽ khiến họ vui và hạnh phúc.
  • Dành thời gian chăm sóc cha mẹ nhiều hơn: Đây là cách để thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Do đó bạn nên quan tâm cha mẹ nhiều hơn vào ngày lễ Vu Lan.
  • Tặng quà cho cha mẹ: Điều cha mẹ cần nhất vẫn là tấm lòng của bạn. Do đó, vào dịp này, chỉ cần bạn tặng cho cha mẹ những món quà đơn giản cũng làm họ thấy ấm lòng.
  • Tham gia nghi lễ bông hồng cài áo: Đây là nghi lễ mang tính nhân văn rất cao, thể hiện lòng hiếu đạo. Vào ngày này, những ai còn cha mẹ thì cài bông hồng màu đỏ, như một sự nhắc nhở hãy quý trọng thời gian tươi đẹp khi còn bên cha mẹ. Những người mất cha và mẹ thì cài bông hồng màu trắng, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến cha mẹ đã khuất. Người chỉ còn mẹ hoặc chỉ còn cha thì cài bông hồng màu hồng nhạt.

tháng 7 vu lan thơ

2.2. Lễ Vu Lan và xá tội vong nhân không nên làm gì?

Vào dịp Vu Lan và xá tội vong nhân, bạn không nên làm những việc sau:

  • Làm những việc quan trọng: Một số việc quan trọng không nên làm vào dịp này là cưới hỏi, khai trương, xây nhà, mua nhà, động thổ… Dân gian quan niệm tháng 7 là thời điểm có nhiều ma quỷ. Nếu làm những việc quan trọng như trên thì mọi việc sẽ không thuận lợi.
  • Sát sinh: Sát sinh trong tháng 7 âm sẽ khiến cho bạn và thành viên trong gia đình dễ hao tổn tài lộc, đau ốm… Thay vào đó, bạn hãy phóng sinh để tích đức.
  • Làm điều xấu: Làm điều xấu sẽ khiến bạn gánh chịu quả báo về sau. Vì vậy nên tránh làm điều xấu để tâm hồn được an yên.

Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ một số vấn đề về lễ Vu Lan và xá tội vong nhân. Để cập nhật nhanh chóng các kiến thức về phong thủy, phong tục Việt Nam, gia chủ hãy tải ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại. Ngoài ra, khi dùng ứng dụng này, gia chủ còn được dùng miễn phí các công cụ hữu ích như luận giải lá số Bát tự/ Tử vi, xem ngày tốt – xấu, xem tuổi…

Cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại tại đây: