Với động lực cải tạo tự nhiên và kiến tạo thế giới, con người luôn muốn làm chủ nhân loại bằng nỗ lực lao động và tư duy sáng tạo của mình. Các lý thuyết nhân sinh quan và thế giới quan được hình thành từ những thuở khai nguyên của loài người. Các lý thuyết ấy được coi là những dấu ấn nhận biết thế giới, là cơ sở nắm bắt các quy luật vận động tự nhiên một cách có hệ thống, có tính chọn lọc và kiểm nghiệm.

Quan niệm về ngũ hành là một thế giới đầy nhân sinh quan, thế giới quan và giàu tính chiêm nghiệm. Dưới ánh sáng tư duy của thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc, nhân loại ngày nay biết vận dụng hài hòa để điều chỉnh vật chất, chế hóa và cải tạo môi trường. Từ đó tạo nên một môi trường sống phù hợp hơn, vì con người hơn và trường tồn hơn.

1. Ngũ hành và đặc tính của ngũ hành

Ngũ hành là gì?

Ngũ hành được định nghĩa là biểu thị sự vận động, chuyển hóa ở 2 dạng tương sinh và tương khắc giữa các vật chất trong tự nhiên cũng như vật chất trong cơ thể con người. Tính tương sinh tương khắc không tồn tại độc lập với nhau, trong tương sinh luôn có sự vận động của tương khắc, ngược lại trong tương khắc luôn tồn tại tương sinh. Đó là nguyên lý cơ bản để duy trì sự sống của mọi sinh vật.

Ngũ hành chỉ năm loại vật chất cụ thể gồm Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.

Đặc tính của ngũ hành:

– Kim: là kim loại, phản ánh tác dụng thanh khiết, dạng nặng.

– Thuỷ: là nước, đặc tính mềm mại, hướng xuống dưới.

– Mộc: là cây gỗ, phản ánh sự sinh trưởng, đặc tính hướng lên trên, hướng ra ngoài. Sự vật có tính chất – tác dụng sinh trưởng, thăng phát, thông thoát đều thuộc mộc.

– Hoả: là lửa, phản ánh sức nóng, nhiệt độ cao, đặc tính đưa lên trên. Sự vật có tác dụng bốc lên trên, các loại nhiệt cao đều thuộc hoả

– Thổ: là đất, phản ánh sự vật có tác dụng hoá sinh, hấp thụ đều thuộc thổ.

Ngũ hành bao gồm 5 loại vật chất trên, bản thân chúng có sự qua lại, tương giao và từ đó hình thành các quy luật đặc thù, dưới góc độ kiểm nghiệm và hệ thống hóa, chúng có các quy luật như sau:

1.1. Quy luật sinh – khắc

Đây là quy luật cơ bản nhất trong sự vận động biến hoá của sự vật, hiện tượng của ngũ hành. Ở cây cối là hiện tượng sinh trưởng trao đổi chất, ở cơ thể con người là các hiện tượng sinh lý.

1.2. Quy luật vũ – thừa

Quy luật này xảy ra khi quy luật sinh – khắc bị phá vỡ, sự vật hiện tượng sẽ xảy ra trạng thái tiêu biến và suy thoái đi.

1.3. Quy luật tương thừa

Khi sự tương khắc quá mạnh, vượt khỏi sự khắc chế bình thường.

Ví dụ: cây phát triển quá nhanh mà đất không thể cung cấp đủ chất, gọi là vượng Mộc, suy Thổ, nó mất đi tính cân bằng.

1.4. Quy luật tương vũ

Đây là hiện tượng một hành bất kì quá mạnh làm cho hành vốn khắc nó không thể khắc chế được mà ngược lại bị nó quay lại khắc chế, gọi là phản khắc.

Ví dụ: thủy khắc hỏa, nhưng khi hỏa quá vượng quá lớn thì thủy không khắc chế được, mà bị bốc hơi hết.

Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành và mối liên hệ của nó.

2. Ngũ hành tương sinh và nguyên lý hoạt động

Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ đúng trong giác độ tương sinh, được coi là quy luật rất cơ bản mang tính đặc thù của thuyết Ngũ hành. Về bản chất quy luật này biểu thị tính chuyển hóa tự nhiên, hợp lý và theo hướng vận động tích cực của các loại vật chất trong tự nhiên, bao gồm môi trường sống và trong nội tại con người, góp phần tạo ra, duy trì sự sống của vạn vật.

Tương sinh là sự chuyển hóa của vật chất này cho vật chất kia, cái trước tiến hóa, diễn tiến tạo ra sự thúc đẩy, hỗ trợ cái để sinh trưởng, phát triển lên. Các vật chất trong ngũ hành tương sinh, luôn tồn tại ở hai phương diện:

  • Cái tương sinh ra nó
  • Cái nó tương sinh ra

Hay còn được gọi là mẫu và tử, Từ đó hình thành một vòng tuần hoàn khép kín, hình thành quy luật kinh điển tương sinh của ngũ hành gồm Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.

Nguyên lý cơ bản của quy luật tương sinh biểu hiện qua 5 loại vật chất:

  • Kim sinh Thủy: Kim loại nếu bị nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng.
  • Thủy sinh Mộc: Nước nuôi dưỡng cây.
  • Mộc sinh Hỏa: Cây khô là nguyên liệu đốt, lửa được tạo ra từ cây.
  • Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy mọi thứ thành tro bụi, tro bụi chuyển hóa thành đất.
  • Thổ sinh Kim: Kim loại, quặng hình thành từ trong đất.

3. Ngũ hành tương khắc và nguyên lý hoạt động

Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ đúng trong giác độ tương khắc, được coi là quy luật rất cơ bản mang tính đặc thù của thuyết Ngũ hành. Quy luật này biểu thị tính chuyển hóa tự nhiên, theo hướng vận động đối lập, áp chế, cản trở sự sinh trưởng, phát triển của các loại vật chất trong tự nhiên, bao gồm môi trường sống và trong nội tại con người, góp phần tạo ra, duy trì sự sống của vạn vật. Tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng nhưng nếu thái quá sẽ khiến vạn vật bị suy vong, hủy diệt.

Các vật chất trong ngũ hành tương khắc, luôn tồn tại ở hai phương diện:

       – Cái tương khắc nó

       – Cái nó tương khắc

Nguyên lý cơ bản của quy luật tương khắc biểu hiện qua 5 loại vật chất có sự đối kháng như sau:

  • Thủy khắc Hỏa: Nước dùng để dập tắt lửa
  • Hỏa khắc Kim: Lửa nung chảy kim loại
  • Kim khắc Mộc: Kim loại được dùng để chặt cây.
  • Mộc khắc Thổ: Cây hút chất dinh dưỡng của đất, khiến đất trở nên cằn cỗi.
  • Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, dùng đất đá để ngăn lũ.

Sẽ thế nào khi tương sinh hay tương khắc quá mạnh? Đó là điều tốt hay điều không tốt? Với những ý nghĩa này, ngũ hành phản sinh và ngũ hành phản khắc sinh ra giải thích cho những điều đó.

4. Ngũ hành phản sinh, ngũ hành phản khắc

4.1. Ngũ hành phản sinh và nguyên lý hoạt động

Tương sinh là quy luật phát triển của ngũ hành, tuy nhiên như người xưa nói “cái gì nhiều quá cũng không tốt”. Sinh nhiều quá đôi khi trở thành tai hại. Cũng giống như cây củi khô là nguyên liệu đốt để tạo ra lửa, thế nhưng nếu quá nhiều cây khô sẽ tạo nên một đám cháy lớn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người. Đó là nguyên do tồn tại quy luật phản sinh trong ngũ hành.

Nguyên tắc của ngũ hành phản sinh:

  • Kim hình thành trong Thổ, nhưng Thổ quá nhiều sẽ khiến Kim bị vùi lấp.
  • Hỏa tạo thành Thổ nhưng Hỏa quá nhiều thì Thổ cũng bị cháy thành than.
  • Mộc sinh Hỏa nhưng Mộc nhiều Thì Hỏa sẽ gây hại.
  • Thủy cung cấp dinh dưỡng để Mộc sinh trưởng, phát triển nhưng Thủy quá nhiều Thì Mộc bị cuốn trôi.
  • Kim sinh Thủy nhưng Kim nhiều thì Thủy bị đục.

4.2. Ngũ hành phản khắc và nguyên lý hoạt động

Ngũ hành tương khắc tồn tại hai mối quan hệ: cái khắc nó và cái nó khắc. Tuy nhiên khi cái nó khắc có nội lực quá lớn sẽ khiến cho nó bị tổn thương, không còn khả năng khắc hành khác nữa thì đây được gọi là quy luật phản khắc.

Âm và Dương là hai thuộc tính đối lập và không thể tách rời.

Nguyên lý của ngũ hành phản khắc:

  • Kim khắc Mộc, nhưng Mộc quá cứng khiến Kim bị gãy
  • Mộc khắc Thổ nhưng Thổ nhiều sẽ khiến Mộc suy yếu.
  • Thổ khắc Thủy nhưng Thủy nhiều sẽ khiến Thổ bị sạt nở, bào mòn.
  • Thủy khắc Hỏa nhưng Hỏa quá nhiều thì Thủy cũng phải cạn.
  • Hỏa khắc Kim nhưng Kim nhiều Hỏa sẽ bị dập tắt.

Có thể nói rằng, ngũ hàng không chỉ tồn tại các quy luật tương sinh, tương khắc mà còn có cả trường hợp phản sinh, phản khắc xảy ra. Biết rõ được các mối quan hệ đó sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát, tổng quan và tinh tế hơn về sự vật, con người. Giúp tác động vừa sinh vừa khắc một cách hài hòa, khiến ngũ hành cân bằng để mang lại điều tốt cho bản thân trong cuộc sống.

5. Mối liên hệ tương sinh tương khắc trong ngũ hành

Tương sinh và tương khắc là hai quy luật luôn tồn tại song song với nhau. Chúng không tồn tại độc lập mà luôn tồn tại trong bất kì một sự vật hiện tượng nào. Quy luật tương sinh tương khắc là nền tảng duy trì sự cân bằng các vật chất trong vũ trụ. Nếu chỉ có tương sinh mà không có trương khắc thì sự phát triển tới cực độ sẽ gây ra sự phát triển không ngừng, vật chất không đáp ứng nổi, gây ra tự hoại lẫn nhau. Ngược lại, nếu chỉ có khắc mà không có sinh thì vạn vật sẽ chỉ áp chế lẫn nhau, giết chết sự phát triển sự vật, vũ trụ cũng vì thế mà tan rã. Từ đó mà sinh ra ngũ hành phản sinh, ngũ hành phản khắc.

Chính vì thế, tương sinh- tương khắc tạo ra quy luật về sự chuyển hóa và chế hóa không thể tách rời, luôn là một chỉnh thể thống nhất của bất kỳ sự vật hiện tượng nào.

6. Ngũ hành tương sinh tương khắc trong cuộc sống

Học thuyết về ngũ hành nói chung và quy luật tương sinh tương khắc nói riêng là lý luận kinh điển về quy luật biến đổi của vũ trụ bao la. Nó là cơ sở giúp nhân loại hình thành cái nhìn bao quát, tổng quan và tinh tế hơn về mọi sự vật, hiện tượng và về con người. Để rồi từ đó hình thành tư duy, cách thức vận động hành vi để cải tạo tự nhiên, để lao động, sáng tạo. Và để môi trường và con người thực sự là một thể hòa hợp, chung sống hòa hợp, bao bọc lẫn nhau và được trường tồn mãi mãi.

Theo dõi Thăng Long Đạo Quán để tìm hiểu nhiều hơn các kiến thức về bát tự, phong thủy. Chúc quý bách gia vạn sự bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc.