Năm hết Tết đến, người dân đang tất bật thu xếp công việc cuối năm để chuẩn bị cho một năm mới an khang thịnh vượng, mong cầu nhiều sức khỏe và niềm vui. Trước khi đến Tết, người dân Việt có một ngày lễ quan trọng đó là lễ cúng ông Công ông Táo. Đây là dịp mà 3 vị Táo Quân gồm Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ cùng nhau về trời, báo cáo những việc tốt xấu dưới hạ giới tới Ngọc Hoàng. Người dân thường sắm lễ, làm mâm cỗ… để tiễn các ông về chầu trời. Bộ ông Công ông Táo gồm những gì? Sắm bộ quần áo ông Công ông Táo đầy đủ nhất như thế nào? Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Cần chuẩn bị lễ vật gì trước lễ cúng ông Công ông Táo

Ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày mà các Táo về trời, họ vừa là những vị thần giúp bẩm báo những việc tốt, chưa tốt của gia chủ tới Ngọc Hoàng để quyết định thưởng phạt, vừa là những người bảo vệ gia đình khỏi ma quỷ, đảm bảo sự bình yên của gia đình. Lễ cúng được diễn ra long trọng, năm nay ngày 23 tháng Chạp âm lịch rơi vào thứ năm ngày 04/02/2021, vì thế nhiều gia đình có thể chuẩn bị đồ lễ để cúng vào 2 ngày 22 và 23 tháng Chạp âm lịch. Các giờ Hoàng Đạo trong 2 ngày này là:

  • Nếu cúng vào chiều tối 22 tháng Chạp, giờ hoàng đạo là giờ Thân (15-17h), giờ Dậu (17-19h).
  • Nếu cúng ông táo vào ngày 23 tháng Chạp, giờ hoàng đạo là giờ Dần (3-5h), giờ Mão, (5-7h).
Lễ vật cần chuẩn bị trước lễ cúng ông Công ông Táo

Lễ ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng phải trang trọng, chu đáo để thể hiện được lòng thành kính của gia chủ đến các vị thần cai quản đất đai, bếp núc. Thông thường lễ vật cúng ông Táo cần chuẩn bị sẽ gồm những vật phẩm sau:

  • Ba bộ quần áo (2 bộ nam, 1 bộ nữ), 3 mũ ông công (2 mũ cánh chuồn dành cho nam, 1 mũ không cánh chuồn dành cho nữ), ba đôi hài
  • Tiền vàng, vàng thỏi ông Công ông Táo
  • Phương tiện để ông Táo về chầu trời ở miền Bắc là 3 con cá chép sống, với mong muốn cá chép sẽ hóa rồng đưa ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng. Miền Trung người ta cúng 1 con ngựa với yên, cương đầy đủ. Người miền Nam lại dùng cá chép giấy để tiễn ông Táo về trời.
  • Trầu, cau, hoa tươi
  • Một đĩa hoa quả, rượu, trà, thuốc lá
  • Một đĩa muối, gạo
  • Nhang, nến cuốc

>> Xem thêm: Mâm lễ cúng ông Công ông Táo

2. Bộ quần áo ông Công ông Táo gồm những gì?

Tùy vào vùng miền, bộ quần áo ông Công ông Táo sẽ gồm những thứ khác nhau. Thông thường, lễ vật gồm có:

  • Mũ ông Công ông Táo: hai mũ của Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ Táo ông có thêm 2 cánh chuồn còn mũ của Táo bà sẽ không có. Những chiếc mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lấp lánh và kim tuyến nhiều màu sắc.
  • 3 đôi giày
  • 3 bộ quần áo
  • 3 con cá chép giấy (nếu nhà nào cúng bằng cá chép thật thì không cần cá chép giấy)
Bộ quần áo cúng ông Công ông Táo

Màu sắc của mũ và áo giấy của các vị Táo Quân được thay đổi theo năm theo ngũ hành. Ví dụ năm hành Kim thì mũ, áo có màu vàng, năm hành Mộc thì mũ, áo có màu trắng… Ở nhiều nơi người ta chỉ sử dụng một chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hài giấy.

Ngoài ra, theo phong tục của miền Trung, các gia đình chuẩn bị ngựa giấy với yên và cương đầy đủ, còn miền Nam thì đơn giản hơn với đôi hài, mũ, quần áo bằng giấy.

3. Cách hóa vàng mã cúng ông Công ông Táo

Quá trình cúng ông Công ông Táo thường được làm trước thời điểm các Táo cưỡi cá chép lên trời, nghĩa là trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình sẽ có thể cúng vào tối 22 hoặc sáng 23 bởi theo quan niệm, cổng thiên đình sẽ bị đóng nếu qua khỏi 12 giờ ngày 23.

Khi hương cháy hết 2/3, gia chủ có thể đốt vàng mã. Chú ý khi đốt vàng mã ông Công ông Táo, gia chủ cần phải khấn theo văn khấn cổ truyền của Việt Nam:

Nam mô A-di-đà Phật 

Nam mô A-di-đà Phật 

Nam mô A-di-đà Phật

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm …………………

Chúng con là: ……………………………tuổi………………

Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

4. Những lưu ý khi hóa bộ quần áo ông Công ông Táo

Để hóa vàng mã cho đúng cách, gia chủ cần chú ý một số điều sau:

  • Hóa vàng sau khi hương cháy hết 2/3
  • Hóa vàng ở nơi sạch sẽ và thoáng đãng
  • Khi hóa cần khấn bài khấn theo văn khấn cổ truyền của người Việt
  • Sau khi hóa cần dọn dẹp sạch sẽ tránh gây ô nhiễm môi trường
Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Trên đây là một vài chú ý về bộ quần áo ông Công ông Táo, hy vọng qua bài viết này, gia chủ có thể sắm sửa lễ vật cho ngày lễ tiễn các Táo về trời đầy đủ nhất. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào cần giải đáp thì bạn có thể để lại Comment bên dưới. Các chuyên gia phong thủy của Thăng Long đạo quán sẽ giúp bạn giải đáp đầy đủ và chi tiết nhất.