Để có một lễ cúng Rằm tháng Giêng linh nghiệm, quý vị không nên bỏ qua sớ cúng Rằm tháng Giêng đúng chuẩn. Sớ cúng tại nhà như thế nào? Sớ khấn ban Thần Tài như thế nào? Sớ khấn ngoài trời dâng sao giải hạn như thế nào? Hãy cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Sớ cúng Rằm tháng Giêng
1.1. Sớ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà đầy đủ
Thông thường, các gia đình cúng lễ Rằm tháng Giêng tại gia. Bài sớ khấn cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ cho gia chủ theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam như sau:
“Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
– Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
– Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
– Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ……….
Ngụ tại: ……….
Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm … gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ ………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).”
1.2. Sớ cúng Rằm tháng Giêng ban Thần Tài, Thổ Công và các vị thần
Nếu gia chủ có ban Thần Tài và thờ các vị thần, ngày Rằm tháng Giêng cũng nên làm một lễ dâng các vị thần. Văn khấn cúng dành cho gia đình có ban Thần Tài, cơ quan, doanh nghiệp thờ các vị thổ công, các vị thần như sau:
“Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Thần Quân
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: ……………………………
Ngụ tại: ………………………………
Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng năm 2021, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).”
1.3. Sớ khấn Rằm tháng Giêng ngoài trời khi dâng sao giải hạn
Vào ngày Rằm đầu tiên của năm, mọi người thường làm lễ cúng Rằm đồng thời thực hiện lễ dâng sao giải hạn. Lễ này thường được cúng ngoài trời. Văn khấn cho lễ cúng Rằm ngoài trời dâng sao giải hạn như sau:
“Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm……..
Tín chủ (chúng) con là: ………………….
Ngụ tại: ………………………………………..
Chúng con thành tâm có lời kính mời:
Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân
Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân
Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân
Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân
Văn Xương Văn Khúc tinh quân
Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quấn
La Hầu, Kế Đô tinh quân
Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:
Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.
Đèn trời xán lạn.
Chiếu thắp cõi trần.
Xin các tinh quân.
Lưu ân lưu phúc.
Lễ tuy mọn bạc.
Lòng thành có dư.
Mệnh vị an cư.
Thân cung khang thái.
Phục duy cẩn cáo!”
2. Lưu ý khi khấn Rằm tháng Giêng
Việc cúng lễ quan trọng nhất là sự thành tâm của gia chủ. Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý một số điều sau khi khấn Rằm tháng Giêng:
- Dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng lễ
- Mua sắm đồ cúng lễ không cần cầu kỳ nhưng vẫn phải đầy đủ, không được xuề xòa
- Khi thắp hương nên thắp theo số lẻ 1 hoặc 3 nén hương
- Ăn mặc chỉnh tề, không luộm thuộm, không mặc quần đùi khi cúng
- Đặc biệt khi khấn cần thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị thần, Đức Phật và tổ tiên.
>> Xem thêm:Những món ăn Rằm tháng Giêng đầy đủ nhất
Hy vọng với những kiến thức trên đây, quý vị sẽ hoàn thành lễ cúng Rằm tháng Giêng thật chuẩn. Đừng quên theo dõi Thăng Long Đạo Quán và chuyên mục Phong Thủy Việt để cập nhật nhiều hơn các kiến thức về phong thủy áp dụng trong cuộc sống nhé!