Phong tục thờ cúng ông Công ông Táo từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam. Song đa số bách gia, đặc biệt là thế hệ sau này vẫn chưa biết rõ Táo Quân có thật không? Có mấy người? Tên thật là gì? Thân thế ra sao?…. Tất cả những thắc mắc về tục lệ này sẽ được Thăng Long đạo quán giải mã ngay trong bài viết sau. 

1. Những sự tích về ông Công ông Táo

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, nhà nhà lại nô nức làm lễ tiễn đưa ông Công ông Táo lên trời để tâu việc phúc đức của gia đình đó với Ngọc Hoàng. Xung quanh phong tục này có rất nhiều sự tích thú vị cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc. 

1.1. Ông Công ông Táo là ai? 

“Thế gian một vợ một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà”, đó là câu ca xuất phát từ một sự tích dân gian của người Việt Nam, được truyền từ đời này sang đời khác khi nhắc đến Táo quân.

Tích kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một cặp vợ chồng, nàng là Thị Nhi còn chàng là Trọng Cao. Tuy hai người rất ân ái mặn nồng nhưng trải qua mấy năm vẫn chưa có mụn con nào. Vì lẽ đó, Trọng Cao sinh ra bất hòa, cãi cọ, thậm chí vũ phu với vợ mình.

Một hôm, bị chồng đánh đập khiến nỗi uất ức của Thị Nhi lên tới đỉnh điểm nên nàng đã bỏ nhà ra đi. Trong lúc lang thang không nơi nương tựa, nàng đã được một người tên Phạm Lang cưu mang. Rồi lâu ngày tình cảm nảy sinh nên họ quyết định kết tóc phu thê.

Về phía Trọng Cao, sau khi vợ ra đi không lời từ biệt, chàng sinh ra buồn phiền, chán nản, lâu dần gia cảnh trở nên sa sút đến mức phải đi ăn xin ngoài đường. Tình cờ trong một lần hành khất, Trọng Cao lại ghé đúng nhà vợ chồng Phạm Lang và chỉ có Thị Nhi ở nhà. 

Nhìn chồng cũ tiều tụy, chật vật như vậy, Thị Nhi đã thương tình mời chàng vào nhà hàn huyên tâm sự. Bất ngờ, Phạm Lang lại trở về đột ngột. Để tránh bị chồng hiểu lầm, Thị Nhi đành bảo Trọng Cao lánh tạm vào đống rơm sau vườn. Nhưng chẳng may, trong lúc chờ vợ nấu cơm, Phạm Lang lại đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. 

Vì muốn chuộc lỗi xưa với Thị Nhi và tránh cho nàng bị khó xử, Trọng Cao cam lòng ở yên trong đống rơm đang bốc cháy. Khi Thị Nhi phát hiện sự việc chạy ra thì thấy Trọng Cao sắp chết nhưng vẫn nở nụ cười. Đau khổ vì tấm lòng của chồng cũ, lại ân hận vì vô tình hại chàng, Thị Nhi đã lao vào đám lửa chết theo. Chứng kiến thảm cảnh đó, Phạm Lang cũng quyết định chuộc lỗi bằng cách tự vẫn theo Thị Nhi và Trọng Cao. 

Ông Công ông Táo là ai
Sự tích ông Công ông Táo

Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của ba người (2 ông 1 bà) và cũng thương tiếc cái chết trong lửa nóng của họ nên ngài cho phép họ được bên nhau mãi mãi. Đồng thời, Ngọc Hoàng còn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nhà bếp của các gia đình và sắc phong mỗi một người. Trong đó, Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa (Thổ địa Long mạch Tôn thần), Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa (Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần) và Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp (Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân). Từ đó, ba người ấy trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Và cứ vào 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm – thời điểm “mở cổng trời”, 3 vị Táo Quân sẽ bay về trời tâu việc với Ngọc Hoàng. 

Hay một dị bản khác cũng về 3 nhân vật và phổ biến không kém sự tích trên. Đó là có một cặp vợ chồng nghèo, sau một năm mất mùa, người chồng quyết đi làm ăn xa để chăm lo gia đình nhưng không ngờ qua nhiều năm lại bặt vô âm tín. Người vợ đau khổ để tang chồng, sau đó không lâu lại nối duyên với người khác. Bất ngờ chồng cũ quay về, song khi trốn trong đống rơm nhà vợ thì vô tình bị chồng mới của nàng đốt cháy. Biết chuyện, cô vợ xót xa nên đã nhảy vào tự vẫn cùng, anh chồng mới cũng nhảy theo. Ông trời thấy ba người sống có tình có nghĩa nên cho họ mãi bên nhau và phong họ làm vua bếp. 

Lý giải về việc “ông Công ông Táo là ai?”, ở Trung Quốc cũng nhiều tài liệu ghi chép đến nguồn gốc của Táo Quân. Nhưng phổ biến nhất vẫn là câu chuyện vợ chồng Táo Vương – Đinh Hương. 

Truyện kể rằng có một người tên Trương Táo Vương may mắn lấy được thê tử đức hạnh, giỏi giang tên Quách Đinh Hương. Nhưng ân ai chưa bao lâu, Táo Vương lại chán vợ, dan díu với cô gái thanh lâu Lý Hải Đường. Tin vào lời nói ngọt ngào, mê hoặc của Lý Hải Đường, chàng họ Trương đã về nhà bỏ vợ để lấy ả. Đinh Hương lúc đó đành tay trắng ra đi trong tủi hờn. Tưởng rằng ruồng bỏ thê tử, đón hồng nhan tri kỷ là có thể hạnh phúc. Nhưng Trương Táo Vương với Lý Hải Đường chung sống không bao lâu thì gia cảnh dần sa sút, nghèo túng. Lúc này thì đường ai nấy đi, nàng họ Lý quay lại nghề cũ, còn chàng họ Trương trở nên mù lòa, phải đi ăn xin. Trong một lần tình cờ, Trương Táo Vương đã đến nhà vợ cũ. Hết tình còn nghĩa, nhìn thảm cảnh của chồng cũ, Quách Đinh Hương thương xót bèn đem món mì sợi mà ngày xưa hắn thích ăn ra cho. Điều này khiến họ Trương hổ thẹn và hối hận đến bật khóc. Khi nghe Đinh Hương gọi: “Trương Lang! Mở mắt ra!”, hắn chợt sáng mắt trở lại. Nhưng nhìn thấy vợ cũ càng khiến lòng hổ thẹn của hắn dâng cao bên bèn chạy trốn, song không ngờ ngã vào bếp lò rồi chết cháy. Đinh Hương hoang mang cố kéo chồng cũ ra nhưng không thành công, mà chân Trương Táo Vương bị đứt rời. Nàng thương xót nên đã lập bàn thờ cho hắn tại bếp lò. Tục thờ ông Công ông Táo có từ đó. 

Đó là những điển tích nổi bật giải mã cho câu hỏi “ông Công ông Táo là ai?”. Vậy ngoài các tài liệu ghi chép về thân thế của họ thì cuối cùng có mấy ông Công ông Táo?  

1.2. Ông Công ông Táo có mấy người? 

Dù có nhiều phiên bản Táo Quân khác nhau nhưng cuối cùng thì ở Việt Nam có 2 ông Táo và 1 bà Táo, còn tại Trung Quốc thì chỉ có 1 ông 1 bà. Nhưng tất cả các vị đều là những vị thần cai quản các gia đình và có nhiệm vụ chầu trời bẩm báo với Ngọc Hoàng về những điều tốt – xấu của gia chủ đó đã làm trong một năm. 

ông công ông táo có mấy người
Tranh cổ vẽ ông Công, ông Táo của người Việt (trái) và người Trung Quốc (phải).

1.3. Sự khác biệt giữa tục cúng ông bà Táo Quân ở Việt Nam và Trung Quốc. 

Ngoài sự tích ông Công ông Táo khác nhau, tập tục thờ cúng của người Việt cũng khác Trung Quốc. Cụ thể:

So sánhViệt NamTrung Quốc
Thời gian làm lễ cúngNgày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày đó là ngày “mở cổng trời” nếu cúng sau thì ông Táo không thể về trời tâu với Ngọc Hoàng. Còn người Trung Quốc lại cúng vào ngày 23, 24, 25 tháng Chạp. 
Vị trí đặt lễ Người Việt thường đặt lễ ở bàn thờ chính trong nhà hoặc bàn thờ Táo Quân riêng tùy theo quan niệm từng nhà.Người Trung Quốc lại thờ trong bếp trước bức tranh hoặc tượng ông Táo treo trên bếp.
Lễ vật thờ cúngTùy theo điều kiện gia đình nhưng lễ vật không thể thiếu bao gồm: 3 bộ mũ áo cho các Táo; hoa quả; gạo muối; cá chép sống; món chay hoặc mặn. Người Trung cũng tùy vào kinh tế mỗi nhà xong tất cả đều có món bánh gạo nếp thắng đường và mật ong, kẹo mạch nha và bánh tiết lợn truyền thống.  
Hóa lễĐốt vàng mã, rắc muối gạo, phóng sinh cá chép sau khi hoàn tất lễ cúng. Họ chỉ đốt bức tranh ông Táo dán trong bếp hoặc lau rửa tượng Táo Quân. Cuối cùng thay một bức tranh ông Táo mới. 

2. Ông Công ông Táo có thật không? 

Dù có nhiều phiên bản về nguồn gốc Táo Quân khác nhau nhưng tất cả chính là việc dân gian đã “huyền thoại hóa” các vấn đề khác như: nhắc đến tài tích của chế độ mẫu hệ (2 ông 1 bà), tín ngưỡng tin tưởng vào một đấng tối cao (Ngọc Hoàng hay Ông trời), kỹ thuật dùng tro than làm phân bón (đốt rơm), nguồn gốc bếp lò kiềng ba chân,… Mà theo ông cha ta thường nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, dù ông Công ông Táo có thật hay không thì việc thờ phụng vừa lưu giữ nét đẹp văn hóa vừa giúp mỗi người tâm an vững trí với cảm giác có người bảo hộ an lành. 

ông công ông táo
Ông Công ông Táo là một phong tục tốt đẹp không thể thiếu của người Việt gần vào cuối năm

3. Ông Công ông Táo có ý nghĩa gì? 

Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, ông Công ông Táo không chỉ là những người định đoạt cát hung, họa phúc cho gia đình (dựa vào việc làm của gia chủ) mà còn là người ngăn cản sự xâm hại của ma quỷ vào thổ cư và giữ bình yên cho nhà cửa. Tin tưởng vào thần lực của Táo Quân, bách gia mong muốn được phù hộ nhiều may mắn, an bình nên cứ hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp lại làm lễ trang trọng để tiễn các vị Táo về chầu trời và mong họ truyền những điều tốt đẹp với Ngọc Hoàng. 

Năm nay, ngày 23/12 âm lịch sẽ là ngày thứ 5 ngày 4/2/2021, là ngày các gia đình vẫn phải đi làm nên có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo. 

>>> Xem thêm:Cách cúng ông Táo đơn giản đón lộc cả năm

Mong rằng những kiến thức trên đây có thể giúp bách gia hiểu hơn về tục cúng ông Táo. Để cập nhật nhiều tin tức khác về ngày lễ này cũng như các kiến thức phong thủy Việt khác bạn hãy cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán. Ngoài cung cấp thông tin, ứng dụng còn hỗ trợ miễn phí các công cụ tra cứu Bát tự, Tử vi, xem ngày tốt xấu, xem tuổi tình duyên, tìm phong thủy số,…. Đặc biệt, mỗi ngày bạn sẽ được nhận một bản tin phong thủy gợi ý những điều nên hoặc không nên làm để cuộc sống thuận lợi, may mắn. 

Tải ngay ứng dụng Thăng Long Đạo Quán cho máy Android và IOS tại đây: