Vào những ngày tháng 8, tại nhiều vùng của Trung Quốc hứng chịu những trận mưa lớn kỷ lục. Ngay cả thủ đô Bắc Kinh của đất nước này cũng chịu cảnh tương tự. Ấy thế mà, có một khu vực nằm bên trong vẫn “bình yên vô sự”, đó chính là Tử Cấm Thành. 

Hệ thống mương cổ đã “cứu” kinh đô trăm năm tuổi 

Theo các nhà sử học, hệ thống thoát nước trong Tử Cấm Thành được xây dựng lần đầu tiên vào thời nhà Minh (1368-1644). Đáng chú ý, những con mương cổ có chiều dài lên tới 15km, trong đó có 13km ngầm.

Tất cả những con mương đều chung một đường dẫn về sông Kim Thủy – con kênh nhân tạo bên trong Tử Cấm Thành. Từ đó, nước chảy vào Đông Hoa Môn rồi hòa vào dòng kênh bên ngoài.

Hệ thống thoát nước tuổi đời vài trăm năm tại Tử Cấm Thành
Hệ thống thoát nước tuổi đời vài trăm năm tại Tử Cấm Thành

Ngoài ra, hệ thống thoát nước còn được thiết kế hòa hợp địa hình cùng vùng đất. Nền của Tử Cấm Thành theo địa hình dốc của Bắc Kinh, cao hơn ở phía bắc và thấp hơn ở phía nam. Nó cũng cao hơn dọc theo trục trung tâm và thấp hơn ở cả hai bên, lý tưởng cho việc thoát nước tự nhiên.

Nhờ hệ thống thoát nước được thiết kế đồng bộ và tỉ mỉ, dòng chảy trong Tử Cấm Thành luôn thông suốt. Vì vậy, suốt gần 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành chưa từng chứng kiến trận ngập lụt nào, dù mưa bão có lớn đến đâu. 

Phong thủy của Tử Cấm Thành cũng đặc biệt không kém 

Ngoài hệ thống kênh, mương vật liệu giúp kinh đô cổ của Trung Quốc chống chọi với mọi kiểu nắng mưa thiên tai thì khu vực này cũng nổi tiếng bởi kết cấu phong thủy đặc biệt. 

Một trong những nguyên tắc phong thủy quan trọng được sử dụng trong kiến trúc là ‘”Núi ôm, nước bọc”. Tử Cấm Thành lại có địa thế rất đẹp khi quay lưng vào núi Yên Sơn, trước mặt nhìn ra biển Bột Hải ở phía Đông.

Tử Cấm Thành được xây dựng theo trục Nam – Bắc và bố trí một cách đối xứng. Hầu hết các tòa nhà trong thành được xây dựng bằng gỗ và được nâng đỡ trên một bề mặt bằng đá.

Bản đồ kết cấu độc đáo Tử Cấm Thành
Bản đồ kết cấu độc đáo Tử Cấm Thành

Bên cạnh đó, tất cả các tòa nhà trong Tử Cấm Thành đều được quay mặt về hướng Nam vì hướng Nam tiên thiên Bát quái là hướng Càn (quẻ Càn tượng trưng cho Trời). Vì vậy hẳn nhiên, hướng Nam được coi là điềm lành cho hoàng đế.

Các tòa nhà cũng được xây dựng để đạt được sự cân bằng tối đa giữa âm và dương. Ví dụ, Hoàng đế cư trú tại Càn Thanh Cung tượng trưng cho dương và đặt ở phương Nam đối xứng với Hoàng hậu sống trong Khôn Ninh Cung đặt ở phương Bắc tượng trưng cho âm.

Nơi đây cũng ứng dụng triệt để nguyên lý ngũ hành, đảm bảo vận khí cho nhiều triều đại trường tồn đến tận vài trăm năm: 

  • Thổ: Màu sắc xuất hiện nhiều trên mái ngói cung điện, lại là màu vàng của sự cao quý. Rõ ràng là thể hiện sự uy quyền, trung tâm đất nước. 
  • Thủy: Ở phía Bắc có Cổng Huyền Vũ sơn màu đen của Thủy, biểu trưng cho khả năng xua tà ma. 
  • Kim là yếu tố ở phía Tây. Theo phong thủy, kim sinh Thủy, nên dòng sông chảy quanh cung điện bắt đầu từ phía bắc (chính vì thế mà có tên sông Kim Thủy).
  •  Mộc nằm ở phía Đông, thể hiện sự sinh trưởng và thay đổi của vạn vật. Phía đông rất giàu năng lượng, nơi lý tưởng để làm chỗ ở cho các hoàng tử.

Ngoài ra, nơi đây cũng được sắp xếp với kết cấu bản đồ sao, thiên giới… Tổng hòa lại, Tử Cấm Thành quả là công trình có một không hai. Phải chăng nhờ hài hòa giữa phong thủy và lối thiết kế thực tiễn, dựa vào thiên địa mà hai triều đại Minh, Thanh chọn nơi đây làm cung cấm đều tồn tại lâu dài, cơ nghiệp hưng vượng đến tận mấy trăm năm.

Xem thêm: Bí ẩn phong thủy huyền không Phi tinh