Lễ Vu Lan ngày nay không chỉ là tập tục truyền thống của riêng các Phật tử mà còn là nét văn hóa của người dân Việt nói chung. Dù diễn ra hằng năm nhưng không phải ai cũng hiểu hết về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan.
1. Nguồn gốc ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ điển tích báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên, một trong hai đệ tử thần thông nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tích kể rằng Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo thành công vì tưởng nhớ cũng như muốn biết mẹ đã đầu thai chưa nên dùng mắt thần của mình tìm mẹ khắp bốn phương trời. Ngài không ngờ mẹ mình lại bị rơi vào cảnh giới ngạ quỷ đói khát nơi địa ngục.
Phận làm con không thể bỏ mặc cha mẹ, Mục Kiền Liên đã mang một bát cơm đầy đến cho mẹ. Tuy nhiên, vì nghiệp chướng nặng nề, bà Thanh Đề vừa đưa cơm trắng lên miệng thì hóa thành lửa đỏ thiêu cháy.
Dẫu thần thông quảng đại nhưng không thể cứu mẹ, Mục Kiền Liên đành cầu xin Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rủ lòng từ bi chỉ cách giúp mẹ thoát khỏi sự khổ đau của địa ngục. Thương cảm trước tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, Đức Phật đã chỉ cách cho ngài. Đó là muốn mẹ thoát nghiệp chướng thì vào ngày Rằm tháng 7, làm lễ cúng dường mười phương Tăng, thỉnh các chư tăng cùng nhau chú nguyện thì mới cứu được bà Thanh Đề cũng như cha mẹ bảy đời. Chọn ngày Rằm tháng 7 là vì đó là ngày các chư tăng an cư xong nên đạo hạnh sẽ tràn đầy.
Làm theo lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, quả nhiên Mục Kiền Liên đã giúp mẹ thoát khỏi địa ngục, đồng thời thác sinh vào giới cảnh lành. Cảm kích trước điều đó, tôn giả Mục Kiền Liên đã khuyến khích chúng sinh trên nhân gian hàng năm cúng dường chư tăng mười phương, tụng kinh Vu Lan Bồn báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ vào ngày Rằm tháng 7.
Đó chính là nguồn gốc ngày lễ Vu Lan trong Phật giáo.
2. Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Sự tích Mục Kiền Liên báo hiếu thấm đượm lòng hiếu thảo của con đối với bậc sinh thành, thể hiện tinh thần đạo hiếu của người dân Việt. Vì lẽ đó mà lễ hội Vu Lan trải qua hàng nghìn năm đã trở thành lễ hội văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam.
Mặt khác, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng ảnh hưởng từ chính nguồn gốc của chính nó. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tâm linh, Vu Lan có 4 ý nghĩa lớn.
Thứ nhất, lễ Vu Lan có ý nghĩa gì? Đó là thể hiện truyền thống tri ân, báo ân. Phật giáo quan niệm, đời người có 4 cái ân lớn gồm: ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, ân Quốc gia và ân Chúng sinh. Vào ngày Rằm tháng 7 (15/7 âm lịch) các chư tăng, Phật tử đều mong muốn tụng kinh, lễ Phật, phóng sinh, làm nhiều điều thiện lành để đền đáp 4 ân nặng của người con Phật.
Thứ hai, ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan là sự báo hiếu. Các Phật tử nói riêng, người dân nói chung đều mong chờ đến ngày Vu Lan đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời thoát khỏi khổ ải nơi địa ngục do nghiệp tạo ra lúc còn sống.
Đồng thời mong báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ và cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại luôn bình an, khỏe mạnh.
Thứ ba, ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu là cứu khổ, giải đảo huyền (nạn bị treo ngược) cho mọi sinh linh trong cuộc sống. Theo Phật giáo, cái khổ như người bị treo ngược không chỉ có ở địa ngục vô hình mà có thể thấy ở trong vô số cảnh khổ do bị phiền não hành hạ. Việc tụng kinh Vu Lan và kinh Báo ân nhằm để giải thoát cho cha mẹ nhiều đời nói riêng, sinh linh trong thế gian thoát cảnh khổ nạn treo ngược.
Thứ tư, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu chính là nhắc nhở con cháu hãy ghi nhớ công ơn cha mẹ, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời muốn truyền tải đó là trong cuộc sống hiện nay, con cái nên dành nhiều thời gian hiếu thuận, chăm sóc cha mẹ, ông bà. Nhất là phải săn sóc khi cha mẹ ốm đau, già yếu.
Hiện nay, nét văn hóa ngày hiếu hạnh này đã lan tỏa khắp nơi qua truyền thống cài hoa hồng lên ngực trái trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
>> Xem thêm:Cúng ngày lễ Vu Lan như thế nào đúng?
Hy vọng với những thông tin chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Ngoài ra, bạn có thể truy cập chuyên mục Phong tục Việt Nam hoặc cài đặt ứng dụng điện thoại Thăng Long Đạo Quán để cập nhật kiến thức phong tục truyền thống, phong thủy Việt một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Ngoài ra khi tải ứng dụng bạn sẽ có cơ hội sử dụng miễn phí các công cụ tra cứu (xem Bát tự, Tử vi, xem phong thủy nhà cửa,…). Nhanh tay cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán phù hợp tại đây: