“Có thực mới vực được đạo” – để duy trì sự sống thì ăn uống là việc quan trọng hàng đầu với mỗi con người chúng ta. Xã hội ngày càng phát triển, ăn uống ngày nay không chỉ đơn giản là ăn no mặc ấm, mà ăn uống ngày nay đã được nâng lên một tầm cao mới để ăn ngon mặc đẹp. Nó thực sự là một thứ nghệ thuật không bao giờ lỗi thời. Nghệ thuật ăn uống của người Việt Nam hết sức tinh tế dựa trên cơ sở của triết lý Âm Dương – Ngũ Hành.
1. Văn hóa ẩm thực Á Đông
Việt Nam là một quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nước ta mang màu sắc văn hóa đặc trưng của một nền nông nghiệp lúa nước Á Đông. Chính vì thế dân tộc Việt sở hữu một nền văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Điều này thể hiện không chỉ ở số lượng các món ăn mà hơn hết là cả một không gian văn hóa thưởng thức.
Đó là một bản sắc đặc trưng, một thế giới mùi vị hòa quyện lan tỏa ngào ngạt và một phương thức cảm nhận không lẫn vào đâu được. Chẳng thế mà hàng năm nước ta đón vài chục triệu lượt khách quốc tế tới thăm quan du lịch. Và thật tự hào khi ấn tượng lớn nhất về Việt Nam quốc gia có những món ăn ngon nhất thế giới
2. Triết lý âm dương ngũ hành trong ẩm thực
Triết lý âm dương được thể hiện cụ thể qua các phương diện sau:
2.1. Đặc trưng ẩm thực có tính âm dương ngũ hành
Ẩm thực tự bản thân nó đã mang sẵn màu sắc âm dương, ngũ hành. Theo các nghiên cứu thì thực phẩm có những đặc điểm lý tính như sau:
- Tính hàn, đặc trưng là lạnh, âm nhiều, thuộc hành Thủy
- Tính nhiệt, đặc trưng là nóng, có tính dương, thuộc hành Hỏa.
- Tính ôn, đặc trưng là ấm, tính dương ít, thuộc hành Mộc.
- Tính lương, đặc trưng là mát, âm ít, thuộc hành Kim.
- Tính bình, trung tính, thuộc hành Thổ.
Sự phối hợp các loại thực phẩm trong tự nhiên cần tuân thủ theo lý thuyết âm dương bù trừ và chuyển hóa cụ thể như vậy khi chế biến.
Đặc biệt hơn con người hiện đại chúng ta vì muốn món ăn thi vị hơn nên việc phối hợp thêm các loại gia vị. Và điều đó đã trở thành thói quen của con người. Sự kết hợp gia vị làm nên sự đặc trưng cho văn hóa ẩm thực của từng quốc gia.
Ví dụ như Thái Lan ưa đồ ăn cay, thanh mát, có vị chua. Trung Quốc thì ưa đồ cay, nhiều dầu mỡ. Nhật bản ưa đồ tươi sống có vị thanh mát. Người Việt Nam chúng ta lại ưa thích sự đậm đà, màu sắc… Bản thân các loại gia vị có tác dụng điều hòa âm dương, kích thích tiêu hóa, làm gia tăng màu sắc, cũng như sự thơm ngon của món ăn.
Đặc điểm một số loại ẩm thực có tính âm dương ngũ hành nổi bật
Các loại đồ ăn có sẵn trong tự nhiên tự bản thân chúng cũng mang những sắc thái âm dương ngũ hành. Gừng, ớt, hành tỏi tính nhiệt (dương), thường dùng kèm theo với những thực phẩm có tính hàn (âm hơn so với gừng) như bí đao, các loại cải, cá, thịt vịt… Rau răm tính nhiệt (dương) thường dùng với trứng lộn, ngao, ốc, tôm cua thuộc loại hàn (âm)… Hoặc kết hợp nó với các loại gia vị chính như muối (mặn thuộc thủy), bột ngọt (thuộc thổ)…
Đặc biệt hơn trong tự nhiên cũng tồn tại nhiều loại đồ ăn theo dạng đang trong quá trình âm dương chuyển hoá như: trứng lộn, nhộng, lợn sữa, chim bao tử, dế non, đuông dừa, giá đỗ, măng trúc… Đó là những thực phẩm có tính ôn, thanh mát, rất ngon và giàu dinh dưỡng, đó chính là sự hài hòa âm dương.
2.2. Sự lựa chọn ẩm thực hài hòa âm dương, ngũ hành
Không chỉ sử dụng đồ ăn như những dưỡng chất nuôi sống cơ thể con người còn có xu hướng sử dụng món ăn để điều hòa thân nhiệt, chống chọi lại những yếu tố khắc nghiệt của thời tiết. Thời tiết lạnh chúng ta thường ăn đồ ấm, nóng, như lẩu, có gừng, tỏi hành hay ớt cay. Thời tiết nóng chúng ta hay ăn các loại rau thanh mát, ăn thêm chanh, hoa quả hay các loại thạch.
Nhiều loại đồ ăn có thể làm thuốc chữa bệnh, người xưa có câu “ăn gì bổ nấy” – thực phẩm thuộc hành gì sẽ vào tạng phủ tương ứng. Ví dụ vị chua thuộc mộc vào can, vị đắng thuộc hỏa vào tâm, vị ngọt thuộc thổ vào tỳ, vị cay thuộc kim vào phế, vị mặn thuộc thủy vào thận. Tuy nhiên, cái gì thái quá cũng không tốt, cần phải linh hoạt điều hòa mới đạt được lợi ích của thực phẩm trong việc chăm sóc sức khỏe.
2.3. Âm dương, ngũ hành biểu hiện trong ẩm thực với không gian địa lý khác nhau
Mỗi vùng miền sẽ có kiểu khí hậu khác nhau, do đó thói quen ăn uống cũng khác nhau. Thế giới chúng ta đang sống trải dài trên nhiều vùng khí hậu. Tại các nước nhiệt đới (dương), phần lớn thức ăn của người họ thuộc loại hàn, lương (âm) để cân bằng âm dương. Ngoài ra họ còn rất thích ăn đồ chua, đắng là những thứ âm như: canh chua từ dưa cà muối, khế, sấu, me, chanh… thích vị đắng của rau đắng, mướp đắng…
Các quốc gia khác có khí hậu lạnh hơn và đặc trưng có mùa đông nên hay ăn những đồ ấm nóng hơn; các khu vực nắng nóng quanh năm họ thường có thiên hướng ăn nhiều đồ mát hơn.
Ăn uống theo vùng miền chính là cách tận dụng tối đa môi trường tự nhiên để phục vụ con người, tạo sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, bởi nhân thân vi tiểu thiên địa.
2.4. Thời gian sử dụng ẩm thực và tính âm dương ngũ hành biểu thị trong đó
Người Việt có thói quen phối hợp các loại đồ ăn theo mùa để có sự hài hòa âm dương, ngũ hành.
Mùa hè nóng, thường ăn rau quả, tôm cá là những thứ hàn, lương (âm). Khi chế biến, người ta thường ăn sống, luộc, nấu canh, làm nộm, làm dưa… hạn chế dầu mỡ tạo nên những thức ăn có nhiều nước và vị chua vừa dễ ăn, dễ tiêu, vừa giải nhiệt.
Mùa đông lạnh, thường ăn các món ăn mỡ, thịt (dương), giúp cơ thể chống lạnh. Các kiểu chế biến mùa này khô hơn như xào, rán, rim, kho… và sử dụng các gia vị ấm nóng như ớt, tiêu, gừng, tỏi…
Ăn theo mùa, tức là mùa nào thức ấy. Đây chính là lúc thực phẩm ngon nhất, nhiều nhất, rẻ nhất và tươi sống nhất, tốt nhất cho sức khoẻ. Ngày nay có nhiều loại rau củ quả trái mùa nhờ biến đổi gen và các kỹ thuật trồng mới đắt đỏ và không ngon so với đồ đúng mùa. Thức ăn trái mùa còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự hài hoà âm dương giữa con người với tứ thời, không có lợi cho sức khỏe.
Văn hóa ẩm thực thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chính là sự hòa quyện của sự cân bằng âm dương, ngũ hành. Khi ăn, phải được cảm nhận bằng cả năm giác quan. Mũi ngửi mùi thơm, mắt nhìn màu sắc, lưỡi nếm vị ngon, tai nghe tiếng kêu giòn, tay sờ nắm. Có như vậy mới đích thực cảm nhận được trọn vẹn được món ăn và thấy cuộc sống trở nên đầm ấm, hạnh phúc hơn.
3. Về tinh hoa ẩm thực hài hòa âm dương ngũ hành
Tinh hoa của ẩm thực được kết hợp một cách hài hòa cùng tinh hoa âm dương ngũ hành. Nó góp phần tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia trên thế giới. Trên hết đó là quy luật hài hòa của tạo hóa và vì con người, vì cái Chân Thiện Mỹ, vì sức khỏe và sự trường tồn của chính loài người chúng ta.
Hy vọng sau bài viết này, quý vị sẽ có nhiều hơn những hiểu biết về âm dương ngũ hành trong cuộc sống. Theo dõi Thăng Long Đạo Quán để cập nhật thường xuyên những kiến thức từ chúng tôi. Chúc quý bách gia vạn sự bình an, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc.