Âm dương ngũ hành được ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Và trong Đông Y cũng vậy, âm dương ngũ hành góp một phần rất quan trọng. Dựa vào âm dương ngũ hành mà tìm ra bệnh. Cũng dựa vào đó mà tìm ra phương pháp trị bệnh. Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu âm dương ngũ hành trong Đông Y qua bài viết này.

1. Mối tương quan giữa âm dương ngũ hành và Đông Y

Cơ thể con người là sản phẩm đẹp nhất của tạo hóa, bản thể con người là một cấu tạo của các vật chất trong ngũ hành. Kinh Trường A Hàm nói : ” Đây là thân của ta, nó có một hình dáng do bốn chất: đất, nước, gió, lửa, tạo thành. Thân này do cha mẹ sinh ra. Nó được người nuôi dưỡng bằng sữa, bằng cơm và phải bị rã rời tiêu hoại. Còn đây là tâm của ta. Tâm này nương nơi xác thân tứ đại và phải chịu một số phận như nó “.

Con người sinh ra và ra đi tuân theo định luật: sinh, lão, bệnh, tử. Không ai tránh khỏi quy luật ấy, Y học ra đời là con đường hữu ích để chế hóa bệnh tật, đem đến sức khỏe con người và kéo dài tuổi thọ con người. Các nguyên lý âm dương ngũ hành áp dụng với cơ thể người được coi là nền tảng trong các pháp đồ điều trị. Ở đó các danh y phát hiện thấy âm dương ngũ hành là lời giải là thông điệp của vũ trụ trong việc điều trị tật ách và gia tăng sức khỏe.

2. Ứng dụng thuyết âm dương trong Đông Y

2.1. Trong cơ thể người chúng ta thuyết âm dương biểu thị cho các phần như sau:

– Các cơ quan mang phần Dương: Lưng, mu bàn tay, bàn chân, da thịt khu vực bao quanh xương, lục phủ (mật, dạ dày, ruột non, ruột già, bọng đái và tam tiêu), kinh dương ở chân và tay, khí.

– Các cơ quan mang phần Âm: Bụng, lòng trong bàn tay, bàn chân,  gân cốt, ngũ tạng (tim, gan, lá lách, phổi, thận), hệ thống kinh mạch âm ở tay và chân.

Trong các phần đó lại có thể phân chia nhỏ nữa. Ví như ngũ tạng, tâm phế ở trên thuộc dương, can tỳ thận ở dưới thuộc âm. Mỗi tạng lại có thể phân nhỏ nữa: tâm có tâm âm, tâm dương…

2.2. Chuẩn đoán bệnh lý dựa trên thuyết âm dương

Trạng thái bệnh lý xảy ra là do âm dương đang mất tính cân bằng. Tính âm dương bị phá vỡ sẽ xuất hiện sự biến hoá có tính vương, suy của âm dương, và lúc đó bệnh tật sẽ phát sinh.

2.2.1. Vượng âm hoặc Vượng dương

Vương Dương quá mức gây thực nhiệt: sốt cao, khát nước, ,mất nước, ra mồ hôi nhiều, bản lưỡi đỏ, cặn lưỡi vàng, tĩnh mạch giãn, xơ vữa, da dẻ xấu đi, mụn mọc nhiều..

Vượng Âm gây thực hàn: chân tay lạnh, đau bụng, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm.

2.2.2. Dương suy hoặc Âm suy

Dương suy có các biểu hiện: sắc mặt trắng, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, mạch vi.

Âm suy là khi âm dịch của cơ thể không đầy đủ (chứng hư nhiệt): sốt từng cơn, ra mồ hôi trộm, lòng bàn chân tay nóng, miệng lưỡi khô, mạch vi sác.

2.3. Nguyên tắc điều trị bệnh lý dựa trên thuyết âm dương.

2.3.1. Nguyên tắc điều trị âm dương thiên thắng

Dương thắng thì âm bệnh: dương nhiệt thịnh làm hao tổn âm dịch, thuộc thực nhiệt chứng, điều trị dùng thuốc hàn lương để chế dương thịnh.

Âm thắng thì dương bệnh: âm  hàn thịnh làm tổn thương dương khí, thuộc thực hàn chứng, điều trị dùng thuốc ôn nhiệt để chế âm hàn thịnh.

2.3.2. Nguyên tắc điều trị âm dương thiên suy

Âm hư không chế được dương gây chứng hư nhiệt. Nói chung không nên dùng thuốc hàn lương để trị hư nhiệt. Nên dùng pháp tư âm tráng thuỷ để ức chế dương cang hoả thịnh.

Dương hư không chế âm gây nên chứng hư hàn. Không nên dùng thuốc cay nóng phát tán để tán âm hàn mà dùng pháp trợ dương ích hoả để trừ âm hàn.

2.3.3. Các nguyên tắc điều trị khác

– Dùng dược tính (tứ khí): hàn, nhiệt, ôn, lương. Trong đó hàn lương thuộc âm, ôn nhiệt thuộc dương. Điều trị nhiệt chứng thường dùng thuốc hàn lương, điều trị hàn chứng thường dùng thuốc ôn nhiệt.

– Sử dụng sự chế hóa của ngũ vị: chua, cay, ngọt, đắng, mặn. Trong đó cay, ngọt, mặn thuộc dương; chua, đắng thuộc âm.

– Sử dụng phương pháp Thăng giáng phù trầm: chính là thải loại độc tố từ trong ra ngoài, hay vận dụng tính tương hỗ âm dương mà áp dụng từng trường hợp bệnh lý.

3. Ứng dụng thuyết ngũ hành trong Đông Y

3.1. Chẩn đoán bệnh dựa trên thuyết ngũ hành tương sinh, tương khắc

3.1.1. Truyền biến của quan hệ tương sinh:

– Mẫu bệnh cập tử: thận thuỷ sinh can mộc thì thận là mẫu tạng, can là tử tạng, bệnh thận ảnh hưởng đến can. Lâm sàng hay gặp chứng can thận tinh huyết bất túc (suy tổn): đầu tiên là thận tinh bất túc, ảnh hưởng đến can làm can huyết bất túc.

– Tử bệnh phạm mẫu: can mộc sinh tâm hoả, tâm bệnh ảnh hưởng đến can. Lâm sàng gặp chứng tâm can huyết hư: do tâm huyết bất túc mà gây nên can huyết bất túc.

3.1.2. Truyền biến của quan hệ tương khắc:

– Tương thừa: tương khắc thái quá thành bệnh. Như can mộc khắc tỳ thổ quá mạnh sẽ thành bệnh. Đầu tiên là chứng bệnh của can, do can sơ tiết thái quá ảnh hưởng đến tỳ vị làm rối loạn công năng tiêu hoá.

– Tương vũ: Phế kim vốn dĩ khắc can mộc, nhưng do can mộc quá mạnh phản vũ lại phế kim. Lâm sàng gặp đầu tiên bệnh ở can, do can hoả thiên thịnh, ảnh hưởng đến phế khí thanh túc nên xuất hiện đau tức ngực sườn, đắng miệng, dễ cáu, ho, có thể ho ra đờm lẫn máu…

– Xác định vị trí bệnh: căn cứ vào biểu hiện của sắc, vị, mạch để mà chẩn đoán tạng bị bệnh. Ví như sắc mặt xanh, thích ăn đồ chua, mạch huyền thì có thể chẩn đoán can bệnh. Hoặc mặt sắc đỏ, miệng đắng, mạch hồng có thể chẩn đoán tâm hỏa khang thịnh…

– Suy đoán truyền biến của bệnh từ thuộc tính chủ về sắc của tạng. Ví như bệnh nhân tỳ hư, sắc mặt đang từ màu vàng, nếu thấy sắc xanh, là mộc thừa thổ. Bệnh nhân tâm hoả cang thịnh, sắc đương đỏ, nếu thấy chuyển sắc đen, là thủy đã khắc hỏa…

3.2. Điều trị bệnh dựa trên thuyết Ngũ hành

3.2.1. Căn cứ vào quy luật tương sinh

– Hư thì bổ mẹ. Ví như thận âm bất túc không tư dưỡng can mộc gây nên can âm bất túc, gọi là thuỷ không sinh mộc. Khi điều trị không nên trực tiếp trị can mà nên bổ thận thuỷ để sinh can mộc.

– Thực thì tả con. Như can hoả tích thịnh, chỉ thăng không giáng, gây chứng can thực hoả, khi điều trị nên tả tâm hoả để giúp tả can hoả.

3.3.2. Căn cứ vào quy luật tương khắc

– Ức cường: dùng khi tương khắc thái quá. Nếu can khí hoành nghịch, phạm vị khắc tỳ, gây nên can vị bất hoà, khi điều trị dùng pháp sơ can, bình can. Hoặc nếu tỳ thổ phản khắc can mộc, làm can khí mất điều đạt, phải dùng pháp kiện tỳ hoà vị để điều trị.

– Phù nhược: dùng trong tương khắc bất cập. Nếu can hư uất trệ, ảnh hưởng tỳ vị vận hoá, gọi là mộc không sơ thổ, điều trị nên hoà can làm chủ, kiêm thi kiện tỳ để tăng cường công năng của cả hai tạng.

3.2.3. Sử dụng thuốc

– Căn cứ vào vị và sắc của thuốc: vị chua và mầu xanh vào can; vị đắng và mầu đỏ vào tâm; vị ngọt và mầu vàng vào tỳ; vị cay và màu trắng vào phế; vị mặn và màu đen vào thận.

– Bào chế: sao với dấm đưa vị thuốc vào can; sao với muối đưa vị thuốc vào thận; sao với đường đưa vị thuốc vào tỳ…

Y học nói chung và Đông y nói riêng là Linh đan màu nhiệm với nhân loại chúng ta, không ai bất tử, cũng không ai không trải qua “sinh trụ hoại diệt”, vòng xoay luân hồi luôn hiển hiện như nhân quả muôn đời. Con người chúng ta không có gì quý hơn ngoài sức khỏe và cuộc sống, vì vậy hãy trân trọng nó hơn, bảo vệ nó và làm cho nó ý nghĩa hơn, để không hoài phí một kiếp người.

Hy vọng rằng, nhân loại chúng ta sẽ luôn được khang kiện, thịnh vượng và trường tồn. Điều này phụ thuộc khá lớn vào những thành tựu mà Y học đã có. Giữa Y học và âm dương ngũ hành có mối liên hệ mật thiết, phải chăng nó là đáp án về sự trường tồn thịnh vượng của loài người mà Thượng đế ban tặng cho chúng ta.

Theo dõi Thăng Long Đạo Quán để tìm hiểu nhiều hơn các kiến thức về phong thủy, tử vi, bát tự nhé!