Ông Hoàng Mười là một trong Thập vị ông Hoàng trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ. Ở hàng Tứ  phủ Thánh Hoàng ta thường thấy có đại diện là Ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười. Các Ông Hoàng này thường được thờ ở ban công đồng hoặc ban riêng trong trang phục với màu sắc khác nhau, tượng trưng cho từng phủ. Các Thánh Hoàng thường đảm nhiệm chức năng thay quyền Vua Cha, Thánh Mẫu để ban tài, tiếp lộc, ban công, ban quyền, phù trợ việc học hành, thi cử cho người dân. Đôi khi, các ngài cũng chấm lính, bắt đồng hoặc thậm chí ứng đồng xem bói.

1. Thân thế ông Hoàng Mười

Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản. Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh. Sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí. Là một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân. Chuyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa. Ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế.

Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên. Nó nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng. Bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ. Khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu). Có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An.

Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Củi). Không chỉ vì ông là con trai thứ mười của Vua Cha (như một số sách đã nói) mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn). Không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Không chỉ nơi trần thế mà các bạn tiên trên Thiên Giới ai cũng mến phục, các nàng tiên nữ thì thầm thương trộm nhớ. Sau các triều đại đã sắc tặng Ông Mười tất cả là 21 sắc phong (tất cả đều còn lưu giữ trong đền thờ ông).

2. Đền thờ quan Hoàng Mười

Đền Ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.

Xem thêm: Đền Chúa Bà Phương Năm

Kiến trúc đền thờ quan Hoàng Mười

Dù trải qua lịch sử, bị hư hỏng, đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Khu đền chính gồm ba tòa điện, là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn. Hiện tại, đền tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng một ha. Vật liệu dựng đền sau này đều làm bằng gỗ, được chạm trổ công phu với các hoạ tiết long, lân, quy, phụng.

Tam quan nằm liên tiếp nhau và sâu vào bên trong. Khách đi lần lượt từ Thượng điện cho đến Hạ điện. Quan sát từ bên ngoài, khách sẽ bắt gặp hình ảnh mái ngói có tạo hình rồng ở chóp – lối kiến trúc điển hình thường thấy ở các ngôi đền, chùa Việt.

Ngoài thờ ông Hoàng Mười, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đức Thánh Hoàng Mười là nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt. Hàng năm, khu di tích đền Ông Hoàng Mười thường đón hàng trăm nghìn du khách vào mùa lễ hội. Không chỉ đến để cầu nguyện mà du khách còn có dịp khám phá nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Người dân thường đến cầu nguyện những điều may mắn, tài lộc vào dịp đầu năm và đến trả lễ vào dịp cuối năm. Phía sau đền là gian nhà để du khách tự tay bày mâm hoa quả để dâng cúng. Từ lối đi bên ngoài dẫn vào chùa, du khách sẽ bắt gặp hàng chục sạp hàng bán các đồ để dâng lễ. Nhiều người viết chữ thuê ngồi dọc bên đường để phục vụ khách thập phương.

3. Vật phẩm lễ đền ông Hoàng Mười

Lễ vật được chuẩn bị tùy tâm. Nếu như có điều kiện, quý vị có thể tham khảo mâm lễ sau:

  • 1 mâm xôi, gà, 1 chai rượu kèm 5 chén, 1 chai nước, tiền dương, nén nhang.
  • 1 mâm vàng quan màu vàng 5 dây.
  • 1 mâm hoa, quả, cau, trầu, tiền dương, chai nước.
  • 1 mâm sớ điệp, cau, trầu, tiền quan, tiền dương.
  • 1 mâm 1 dây vàng trắng, 1 chai rượu, 5 chén rượu, tiền vàng, nén nhang, tiền dương, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 5 quả trứng vịt đã rửa sạch và 1 bó hoa để ban thờ Quan Ngũ Hổ.

Trên đây là một vài thông tin về quan Hoàng Mười trong thập vị quan Hoàng trong Tứ Phủ. Hy vọng, những kiến thức này giúp ích cho bạn trong cuộc sống. Thăng Long Đạo Quán chúc quý vị một ngày vui vẻ và nhiều may mắn.

Nguồn: Internet