Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội dân gian truyền thống, có từ rất lâu đời, lưu giữ những nét sinh hoạt tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng của người dân miền biển Đồ Sơn. Vì thế cũng có rất nhiều huyền tích được lưu truyền từ đời này sang đời khác về sự ra đời của lễ hội này.

Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu những huyền tích này nhé.

Các huyền tích về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng

Tục chọi trâu phổ biến từ thời Lý

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép lại rằng: “Tục chọi trâu có từ rất sớm, là một trong những nghi lễ phổ biến từ thời Lý. Năm Mậu Tý 1048 Lý Thái Tông đã ban hành “Chiếu định phép chọi trâu về mùa xuân”. Trong đó ghi rõ “Tổng Đồ Sơn tế thần có tục chọi trâu”, “Đền thủy thần Đồ Sơn ở chân núi xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương có đền Thủy Thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền, thấy hai trâu chọi nhau nên hàng năm có tục chọi trâu để tế thần. Lịch triều phong tặng Điểm Tước Đại Vương”. Hiện trong đền thờ thần Tước Điểm Đại Vương còn đôi câu đối nói đến sự tích và tục chọi trâu: “Cửa biển nổi tiếng anh linh, chim từ trên mây giáng trần/ Đất này hùng mạnh đẹp đẽ, trâu lạ đến đây thành lệ cũ”.

Lễ hội chọi trâu là lễ hội phổ biến thời Lý
Lễ hội chọi trâu là lễ hội phổ biến thời Lý ( Ảnh minh họa).

Tín ngưỡng thờ Điểm Tước Đại Vương

Theo các bậc cao niên Đồ Sơn, lễ hội có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân.

Sách Đồng Khánh Địa Dư Chí Lược (biên soạn vào triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19) cũng cho rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng có liên quan thần tích “Điểm Tước Đại Vương” – vị tôn thần của người dân vạn chài nơi đây. Sách ghi lại truyền thuyết rằng một số người dân từng đi qua đền thờ và gặp một vị thần râu tóc bạc phơ hiện hình ngồi trên thạch bàn, trước cửa đền có hai con trâu chọi nhau. Tuy nhiên khi thấy động thì trâu liền bỏ chạy xuống biển. Từ đó, người dân địa phương mở hội chọi trâu vào mùng 9/8 âm lịch hàng năm. Vào thời điểm diễn ra lễ hội, thường có mưa to gió lớn. Người dân nơi đây cũng quan niệm đó là thời điểm thủy thần Đồ Sơn hiển linh.

Lễ cầu thịnh vượng cho dân địa phương

Một số truyền thuyết và thần tích thì lý giải cho rằng, nguồn gốc lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Qua các truyền thuyết và thần tích ở Đồ Sơn thì những vị tổ đầu tiên lập nghiệp đã chọn nghề đánh cá. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn thủa sơ khai, con người tự tìm một đấng quyền uy linh thiêng làm chỗ dựa.

Người dân đang làm lễ rước nước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Người dân đang làm lễ rước nước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Sự tích lễ hội chọi trâu

Người dân Đồ Sơn vẫn truyền nhau sự tích lễ hội chọi trâu: Một đêm rằm tháng 8, dân miền biển Đồ Sơn nhìn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm hai chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc. Từ đó, Hội chọi trâu trở thành nguồn cội trong đời sống tâm linh người Đồ Sơn. Thời điểm chính mở hội là ở bước chuyển từ vụ cá nam sang vụ cá bắc, là lúc ngư nhàn ít mưa bão.

Tham khảo: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Nguồn gốc hình thành và những điểm độc đáo chưa ai nói cho bạn!

Huyền tích về vợ của vua Thủy Tề

Một cách lý giải dân gian khác của lễ hội chọi trâu cũng được cho là gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế. Sau này trở thành vợ vua Thủy Tề. Bãi biển nơi vua Thủy Tề đón nàng về cung từ đó có rất nhiều tôm cá. Về sau, người dân địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu. Nếu làng chài nào thắng thì được độc chiếm bãi cá này, đồng thời dùng con trâu thắng cuộc hiến tế thủy thần để mong phù hộ được mùa tôm cá.

Ngoài ra cũng có sự tích cho rằng cô gái nghèo tên Đế này do lỡ có thai với vua Thủy Tề mà bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, sau đó địa phương lập đền thờ, tên gọi đền Bà Đế. Bãi biển nơi Bà Đế bị chết, tôm cá kéo đến tập trung ngày một nhiều. Năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu, những con trâu thắng mang ra biển cúng tế Bà.

Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến; về sau, khi trình độ xã hội phát triển, việc hiến sinh con vật được thay thế.

Quang cảnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Quang cảnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Huyền tích Quận He Nguyễn Hữu Cầu

Lễ hội Chọi trâu còn gắn với huyền tích Quận He Nguyễn Hữu Cầu – người hùng áo vải đã cùng người dân vạn chài phất cờ chống lại phong kiến thối nát tàn bạo thời kỳ 1741 – 1751. Mỗi khi đánh trận thắng ông thường mổ trâu khao quân. Những con trâu dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt. Quân sĩ thấy thế hứng khởi reo hò vang dội. Kể từ đó, hàng năm, Nguyễn Hữu Cầu mở hội chọi trâu để cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ…

Truyền thống của dân vạn chài

Một trong những cách hiểu khác về nguồn gốc Lễ hội chọi trâu, mổ trâu bắt nguồn từ lễ hiến tế trâu để ngư dân Đồ Sơn không bị cá kình ăn thịt. Dân làng chài kể lại rằng dân chài thường bị cá kình ăn thịt nên lập đàn cầu thần linh phù hộ vào thượng tuần tháng sáu và hứa sẽ mổ trâu, mổ lợn lễ tạ. Sau đó hai tháng, vào một đêm mưa bão gió giật, sáng ra thấy xác cá kình chết, trên hầu có vết chim cắn, một loại chim thần giáng thế độ dân. Từ đó, dân làng không bị cá ăn thịt nữa. Như đã hứa, hàng năm dân làng mang trâu đến lễ thần ở đền Nghè. Khi lễ, trâu dứt đứt dây, chọi nhau quyết liệt. Mọi người cho rằng thần linh thích xem trâu chọi. Bởi vậy hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu và ngày đó đã trở thành đại sự, ngày hội truyền thống của dân vạn chài.

Xem thêm: Bí ẩn nghĩa địa cổ dưới đáy Hồ Tây: Sự thật rùng mình, ai cũng phải khiếp sợ