Người Việt có tục thờ cúng Táo quân, vào tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ bắt nguồn từ sự tích “2 ông 1 bà”. Người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo. “Khi nào là lúc đưa ông Táo về trời?” Đây là câu hỏi chắc hẳn có nhiều người băn khoăn, cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Sự tích ông Công ông Táo về trời

Sự tích ông Công ông Táo

Tích của người Việt kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao, tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, lâu ngày Trọng Cao sinh khó chịu, hay kiếm chuyện với vợ.

Một hôm, Trọng Cao gây chuyện với Thị Nhi, đánh và đuổi đi. Thị Nhi bỏ nhà đi và lang thang xứ người, gặp Phạm Lang và kết hôn với chàng. Sau khi hết cơn giận, Trọng Cao ân hận đi tìm vợ nhưng ngày này qua tháng khác, mãi không thấy. Trọng Cao đã hết tiền hết gạo nên đành phải ăn xin dọc đường sống qua ngày và tiếp tục đi tìm vợ. Một ngày, Trọng Cao đi xin ăn nhưng lại gặp đúng nhà Thị Nhi và chồng mới. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, mời vào nhà, làm cơm thiết đãi Trọng Cao. Khi Phạm Lang về, Thị Nhi sợ chồng hiểu nhầm nên đã giấu Trọng Cao dưới đống rơm sau vườn. Nhưng đêm đó Phạm Lang châm lửa đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Vậy là Trọng Cao bị lửa thiêu thành tro. Thị Nhi thấy lửa cháy nhảy vào cứu Trọng Cao, còn Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả 3 người không thoát khỏi mà cùng nhau chết trong đám cháy.

Ngọc Hoàng thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định Phúc Táo Quân. Giao cho Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc trong bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Họ không chỉ có quyền định đoạt may, rủi, phúc, họa của gia chủ mà còn ngăn cản xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ yên ấm cho mọi người trong gia đình.

Theo đó, hàng năm thì các vị Táo sẽ trở về trời vào dịp cuối năm để bẩm báo những sự tình dưới hạ thế cho Ngọc Hoàng. Vì vậy, người dân ta thường có lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời để tỏ lòng biết ơn và mong cầu sự chiếu cố từ các vị Táo Quân.

2. Khi nào ông Táo về trời?

2.1. Ông Táo về trời ngày bao nhiêu?

ông táo về trời lúc mấy giờ
Ông Táo về trời

Ông Táo thường về trời vào ngày 23 tháng Chạp và cũng có thể sớm hơn để kịp chuẩn bị cho buổi chầu Ngọc Hoàng. Vì thế, người Việt ta thường cúng và đưa ông Công ông Táo về trời bắt đầu vào tối ngày 22. Hoặc có thể là sáng sớm của ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm.

Dân ta tin rằng, mỗi năm cứ đến ngày này là Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về chầu trời để trình báo các chuyện bếp núc cũng như mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì vậy nên người ta lại làm lễ tiễn ông Táo về trời một cách long trọng với mong muốn “thần bếp” sẽ phù hộ cho gia đình năm mới thật nhiều may mắn, bình an.

Năm nay, ngày 23 tháng Chạp âm lịch vào thứ Năm ngày 04/02/2021 dương lịch. Gia đình bạn nên sắp xếp thời gian, có thể thực hiện cúng ông Táo trước 1 – 2 ngày. Như vậy sẽ đảm bảo được thời gian ông Táo về trời gặp Ngọc Hoàng đúng giờ.

2.2. Ông Táo về trời lúc mấy giờ?

Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam thì ông Công ông Táo phải có mặt tại Thiên Đình vào trước giờ Ngọ tức 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì thế mà các gia đình cần đưa ông táo về trời trước thời điểm đó. Trong năm nay, khi cúng ông Công ông Táo, có 2 thời điểm là giờ Hoàng Đạo đẹp để các gia đình thực hiện nghi lễ:

  • Nếu cúng vào chiều tối 22 tháng chạp, giờ hoàng đạo là giờ Thân (15-17h), giờ Dậu (17-19h).
  • Nếu cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp, giờ hoàng đạo là giờ Dần (3-5h), giờ Mão, (5-7h).

Ngoài ra theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa thì bạn có thể thực hiện nghi lễ cúng ông Táo từ ngày 20 đến trưa ngày 23 tháng Chạp. Tùy thuộc vào điều kiện thời gian của gia đình mà có thời gian thực hiện cúng ông Táo khác nhau. Bạn có thể xem ngày giờ tốt – xấu miễn phí tại công cụ của Thăng Long đạo quán đề tìm được thời gian thích hợp thực hiện nghi lễ

3. Lưu ý khi đưa ông Táo về trời

Giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo Quân cần phải lên thiên đình cho đúng giờ để kịp chầu. Vì vậy dù vướng bận chuyện gì, các gia đình cũng cần hoàn thành nghi lễ tiễn đưa ông Táo về trời trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. 

Nếu gia chủ bận rộn thì có thể hoàn thành việc cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, có thể đưa ông Táo về trời từ ngày 20 tháng Chạp, miễn là phải đảm bảo kịp giờ để đưa ông Táo lên thiên đình.

Trường hợp nếu bạn cúng vào trưa, chiều ngày 23 tháng Chạp thì e rằng ông Táo sẽ không thể nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.

Chú ý: 

– Không chọn giờ, ngày hắc đạo

– Cúng ông Công ông Táo phải được thực hiện trong khoảng ngày 20 – trước 12h trưa 23 tháng chạp

Ngoài ra, cần chú ý thêm:

– Lau dọn ban thờ sạch sẽ bày biện ngay ngắn.

– Mâm cúng và các lễ vật cúng nên được đặt ở ban thờ trong bếp.

– Khi cúng phải để lửa trong bếp cháy rực, mâm cỗ đề huề.

– Bên cạnh bếp đặt 1 cốc gạo và cắm 3 nén hương.

– Sau khi nửa tuần hương đã cháy hết, gia chủ mang lễ vật cúng đi hóa và mang cá chép đi thả. 

– Gia chủ không nên cầu xin sung túc hay phú quý cho gia đình mà chủ xin Táo bẩm báo điều tốt, giảm bớt nói điều không hay.

– Cần chuẩn bị những lễ vật cơ bản cần có như mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ cho táo ông và một mũ cho táo bà). Mũ cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Chuẩn bị thêm tiền vàng, 3 áo giấy (2 nam 1 nữ), 3 đôi hài bằng giấy (2 nam 1 nữ) và cá chép bằng giấy…

– Mâm cỗ: không cần phải quá sang trọng, nhiều món mà chỉ cần có những món ăn cơ bản như:

  • Thịt lợn luộc để nguyên miếng hoặc 1 con gà để nguyên con
  • Một đĩa xôi hoặc bánh chưng
  • Một đĩa giò
  • Một bát canh
  • Một món xào
  • Một đĩa gạo, 1 đĩa muối
  • Một đĩa hoa quả
  • Một lọ hoa
  • Trầu cau
  • Nhang thơm, nến cốc
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

– Cá chép: Theo quan niệm truyền thống thì người Việt Nam hay chuẩn bị 3 con cá chép sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Táo. Việc làm này không chỉ là cúng phương tiện đi lại cho các táo mà còn thể hiện sự tôn trọng đến các vị thần linh. Hay với mong muốn năm sau bản thân sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi, đạt được thành công với sự tích “cá chép hóa rồng”.

– Về nghi lễ, không nên vì cúng trước 1 ngày mà bỏ qua các bước trong lễ cúng thông thường:

  • Bước 1.: Chuẩn bị lễ cúng, dọn dẹp, lau dọn bàn thờ sạch sẽ.
  • Bước 2: Sắp xếp đồ cúng gọn gàng, sạch sẽ lên bàn
  • Bước 3: Tiến hành cúng, đọc văn khấn tiễn ông Táo lên chầu trời
  • Bước 4: Hóa vàng
  • Bước 5: Phóng sinh cá chép sống (nếu có)
Lễ cúng ông Công ông Táo

->Xem thêm: Hướng dẫn cách cúng đưa ông Táo về trời

– Sau khi làm lễ xong nếu cúng cá chép sống thì nên đi phóng sinh tại các sông, ngòi, ao hồ. Khi phóng sinh cần chú ý không nên để phóng sinh thành sát sinh. Thả cá trôi theo dòng nước, không nên thả từ trên cao xuống.

Những thông tin trên đây hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức để có lễ đưa ông táo về trời cho đúng. Chúc bách gia có một năm mới nhiều phước lành, an khang thịnh vượng.

Nếu còn bất cứ câu hỏi nào cần giải đáp thì bạn có thể để lại Comment bên dưới. Các chuyên gia phong thủy của Thăng Long đạo quán sẽ giúp bạn giải đáp đầy đủ và chi tiết nhất.