Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp mỗi năm là ngày mà người dân sẽ dọn mâm cỗ và tiễn ông Công ông Táo để báo cáo với Ngọc Hoàng sau một năm trôi qua.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo có thể có nhiều biến thể hoặc nhiều đồ ăn phù hợp với văn hóa từng vùng. Nhưng có một thứ đặc biệt quan trọng mà không thể thiếu trong những mâm cỗ cúng trong ngày này.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường có gì?
Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống bao gồm các món cơ bản như:
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- 1 con gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc)
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa chè kho
- Cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.
Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của từng gia đình, có thể không cần thiết làm cả mâm cỗ mặn với đầy đủ các món nói trên. Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
So với trước kia, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày nay đã được đơn giản hơn, không bắt buộc phải có đầy đủ các món ăn truyền thống.
Thứ đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng ông Công ông Táo
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo nhất định phải có cá chép. Nhiều vùng miền còn cúng cá chép sống với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” để đưa các vị Táo về thiên đình. Con cá chép này sẽ phóng sinh (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Nếu không có thời gian cũng như điều kiện mua cá sống, các gia đình có thể hóa cá chép giấy cùng với vàng mã.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Xem thêm: Nguồn gốc, ý nghĩa ngày ông Táo về Trời