Cúng ông Công, ông Táo cần chuẩn bị những món ăn gì? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách làm các món ăn cúng ông Công ông Táo và gợi ý những món kiêng kỵ khi cúng Táo Quân.

1. Những món ăn nên cúng ông Công, ông Táo

Có 2 kiểu món ăn cúng ông Công, ông Táo là món ăn mặn và món ăn chay. Tùy vào tín ngưỡng, phong tục của từng gia đình thì sẽ có cách lựa chọn món ăn khác nhau. Dưới đây là gợi ý các món ăn mặn và món ăn chay cúng ông Táo.

1.1. Những món ăn mặn cúng ông Công, ông Táo

Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo của người Việt thường có những món ăn mặn chủ đạo như: Bánh chưng thịt, gà luộc hoặc thịt lợn luộc, giò, miến xào lòng gà…

Gà luộc

Gà luộc là món ăn không thể thiếu trên các mâm cỗ cúng ông Táo của người Việt. Gà dùng để cúng là gà trống để nguyên con, có thể để gà ngậm hoa hồng hoặc xếp hình cánh tiên đều được.

Nguyên liệu:

  • 1 con gà trống đã mổ, rửa sạch, nặng khoảng 1,2 – 1,4kg là vừa.
  • 2 củ hành tím.
  • Gia vị: Muối, gừng, bột nêm, bột nghệ.

Cách làm:

  • Tạo dáng cho gà bằng cách bẻ nhẹ nhàng 2 cánh gà rồi vắt lên lưng, dùng dây để buộc lại.
  • Lấy mỡ gà trộn với bột nghệ và quét lên da gà để gà có màu vàng.
  • Đặt gà vào nồi, cho phần bụng hướng xuống dưới. Sau đó, cho nước lạnh vào nồi sao cho ngập gà, bật bếp, đun trên lửa to để gà không bị đỏ xương.
  • Cho hành tím, 1 thìa cà phê muối, 2 lát gừng, nửa thìa cà phê bột nêm vào nồi.
  • Khi đun sôi 5 phút, bạn cho lửa nhỏ và đun thêm 5 phút nữa thì tắt bếp. Để gà nguyên trong nồi, ngâm 10 – 15 phút để gà chín đều.
  • Dùng tăm xiên vào đùi gà. Nếu thấy nước trong đùi gà chảy ra màu trắng thì gà đã chín. Lúc này, bạn hãy vớt gà ra đặt lên đĩa.

Cách bày gà cúng: Bạn nên đặt gà cúng lên đĩa to, tháo dây buộc cánh và đặt lòng mề ở dưới bụng gà. Lấy một cành hoa hồng đặt vào mỏ gà, cần đặt đầu gà quay ra đường

Miến xào lòng gà

Đây là món ăn thường có trong mâm cỗ cúng ông Táo, rất dễ chế biến. Nội dung dưới đây sẽ hướng dẫn cách làm món này.

Nguyên liệu:

  • 1 bộ lòng gà.
  • 100g miến dong.
  • Nửa củ cà rốt.
  • 1 lạng giá đỗ.
  • 5 tai nấm hương.
  • 2 tai mộc nhĩ.
  • 1 mớ rau răm, hành hoa.
  • Gia vị: Dầu ăn, bột nêm, hạt tiêu, mì chính.

Cách làm:

  • Lòng gà sau khi rửa sạch thì thái miếng vừa ăn. Sau đó ướp lòng gà với nửa thìa cà phê bột nêm.
  • Ngâm nấm hương, mộc nhĩ với nước rồi rửa sạch, thái sợi; hành hoa, rau răm rửa sạch; giá đỗ rửa sạch, để ráo; miến ngâm với nước lạnh, cắt nhỏ thành 3 – 4 đoạn.
  • Cho dầu vào chảo, phi thơm hành rồi cho lòng gà vào xào. Đến khi lòng gà chín thì cho nấm hương, mộc nhĩ vào xào cùng, cho thêm 1 thìa cà phê bột nêm.
  • Cho miến vào xào trên lửa lớn, thêm 1 thìa bột nêm. Sau đó cho cà rốt thái sợi vào đảo nhanh. Cuối cùng cho giá đỗ, hành hoa, rau răm, mì chính, hạt tiêu vào đảo đều.
  • Bày miến xào lòng gà ra chiếc đĩa vừa.

Món ăn cúng ông công ông táo

Canh măng móng giò

Theo quan niệm từ xa xưa của người Việt, canh măng móng giò cũng là món được các Táo thích. Do đó, đây cũng là món ăn mặn thường có trong mân cúng ông Táo.

Nguyên liệu:

  • 100g măng tươi (dùng măng củ).
  • 300g móng giò heo.
  • 1 mớ hành lá, mùi ta.
  • 1 muỗng canh hành tím băm nhuyễn.
  • Muối, hạt nêm, dầu ăn, hạt tiêu giã nát, nước mắm, mì chính.

Cách làm:

  • Măng tươi sau khi thái miếng, rửa sạch qua nhiều nước và ngâm muối thì luộc qua nước sôi, vớt ra để ráo.
  • Rửa sạch móng giò, ướp với hạt nêm, muối khoảng 10 – 15 phút.
  • Phi thơm hành tím, sau đó cho chân giò heo vào đảo đều cho đến khi thịt săn lại thì cho nước vào nồi.
  • Khi nước sôi, bạn vớt hết bọt trong nồi.
  • Khi ninh móng giò heo đến lúc mềm, bạn cho muối, mì chính, hạt nêm vào cho vừa vị. Tiếp tục ninh khoảng 5 phút rồi cho hành lá, ngò đã cắt khúc vào nồi và tắt bếp.
  • Cho canh măng móng giò vào bát rồi cho vào mâm cúng là được.

Canh măng móng giò cúng ông công ông táo

Giò lụa

Bạn nên bày trên mâm cỗ 1 khoanh giò dày khoảng 2cm, cắt thành 6 miếng hình hạt dẻ. Bạn có thể mua giò lụa ở ngoài hàng hoặc tự làm. Dưới đây là hướng dẫn cách tự làm giò lụa cúng ông Công, ông Táo.

Nguyên liệu:

  • 500g thịt heo (có cả mỡ và nạc) xay nhỏ.
  • 30g bột năng.
  • 15g bột nở.
  • 50ml nước đá lạnh.
  • Nước mắm, bột nêm, đường, bột tiêu trắng.

Cách làm:

  • Cho thịt heo xay vào ngăn đá khoảng 45 phút. Lấy thịt heo ra cho vào máy xay thịt, xay cùng bột năng, bột nở, nửa thìa cà phê đường, nửa thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê bột tiêu trắng, 1 muỗng canh nước mắm.
  • Cho 1 chút nước đá vào máy xay, bấm máy xay khoảng 10 giây rồi lại cho thêm chút nước đá vào xay tiếp, cứ làm như thế cho đến khi hết số 50ml nước đá thì ngừng.
  • Sau khi xay xong, bạn cho thịt ra bát, thêm 1 thìa canh dầu ăn vào trộn đều.
  • Trải màng bọc thực phẩm lên mặt phẳng, tải tiếp 3 miếng lá chuối to lên. Sau đó cho hỗn hợp thịt vừa xay vào giữa, gói giò thành hình tròn, dài như bánh tét, dùng dây buộc lại là được.
  • Đặt giò lụa đã gói vào xửng hấp. Sau khi nước sôi 30 – 45 phút thì vớt ra, để ráo là có thể cắt ra cúng ông Táo.

Bánh chưng nhân thịt

Bánh chưng nhân thịt là món ăn cúng ông công, ông Táo truyền thống. Bạn có thể tự gói bánh chưng hoặc đặt mua bánh chưng ở ngoài hàng để thắp hương.

Bánh chưng cúng ông táo

1.2. Những món ăn chay cúng ông Công, ông Táo

Với những gia đình theo tín ngưỡng Phật giáo thì thường cúng ông Táo bằng món ăn chay. Những món ăn chay thường được người Việt dùng để cúng ông Táo là chả đậu xanh, thịt gà xào sả ớt, canh thập cẩm chay, nem chay rán, xôi gấc… Dưới đây là chi tiết cách làm các món ăn này.

Chả đậu xanh

Nguyên liệu:

  • 2 bìa đậu phụ trắng.
  • 100g đỗ xanh đã tách vỏ.
  • 1 củ hành tây.
  • 1 mớ thì là.
  • 3 thìa cà phê muối, 1 muỗng canh dầu ăn.

Cách làm:

  • Cho đậu xanh vào nồi luộc chín, vớt ra xay nhuyễn; hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu; thì là rửa sạch, thái nhỏ.
  • Bóp nhuyễn đậu phụ trắng, cho thêm muối, đậu xanh, hành tây, thì là vào trộn đều.
  • Nặn hỗn hợp trên thành từng miếng tròn dẹt, cho vào chảo rán vàng, đến khi chín thì bày ra đĩa.

Chá đậu xanh - món ăn cúng ông công ông táo

Thịt gà chay xào sả ớt

Nguyên liệu:

  • 2 cây mì căn.
  • 1 miếng đậu phụ non.
  • 1 củ hành hoa, 1 quả ớt tươi, 2 củ sả.
  • Gia vị: 1 thìa bột nghệ, 1 muỗng canh dầu ăn, 1 thìa hạt  nêm chay, 2 thìa xì dầu.

Thực hiện:

  • Mì căn rửa sạch, xé miếng nhỏ để giả làm thịt gà. Sau đó cho thêm hạt nêm chay vào ướp cùng khoảng 15 phút.
  • Bắc chảo dầu lên bếp, đổ mì căn vào chiên sơ.
  • Đậu phụ non cắt thành từng miếng vừa ăn; hành lá rửa sạch, thái nhỏ; ớt, sả rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Phi thơm hành, sả, ớt đến khi vàng thì cho mì căn, đậu phụ non, bột nghệ, xì dầu vào đảo đều. Đảo đến khi nước trong nồi cạn hết thì tắt bếp, bày ra đĩa cúng.

Canh thập cẩm chay

Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cúng ông Công, ông Táo là canh. Trong mâm cúng chay, bạn nên nấu canh thập cẩm để vừa đủ dinh dưỡng, vừa đẹp mắt.

Nguyên liệu:

  • 1 bìa đậu phụ.
  • 1 củ cà rốt.
  • ½ củ su hào.
  • 10 tai nấm hương.
  • 50g đậu Hà Lan.
  • ½ bắp ngô ngọt.
  • 1 mớ rau mùi ta.
  • 2 thìa cà phê hạt nêm chay, 1 thìa muối.

Thực hiện:

  • Sơ chế nguyên liệu: Cho nấm hương vào nước để ngâm cho mềm; cà rốt, su hào bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông dày 1,5cm; ngô ngọt rửa sạch, cắt khoang dày 1,5cm; đậu Hà Lan rửa sạch, để ráo nước; đậu phụ cắt miếng vuông vừa ăn; rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
  • Cho 1 lít nước vào nồi cùng đậu Hà Lan, ngô ngọt, đun sôi, để lửa nhỏ khoảng 15 phút rồi cho cà rốt, hạt nêm, muối ăn vào ninh tiếp 20 phút.
  • Cho nấm hương, đậu phụ vào nồi đun tiếp 5 phút và tắt bếp, cho rau mùi vào khuấy đều, múc ra bát to.

Canh thập cẩm - món ăn cúng ông công ông táo

Nem chay rán

Nguyên liệu:

  • 1 gói bánh đa nem.
  • 50g miến dong.
  • 1 củ hành tây nhỏ, 1 củ cà rốt, 5 tai nấm mèo, 10 tai nấm hương, 5 củ hành lá.
  • 1 bìa đậu phụ.
  • Gia vị: Dầu ăn, bột tiêu trắng, hạt nêm chay.

Thực hiện:

  • Sơ chế nguyên liệu: Cho miến dong, nấm hương, mộc nhĩ vào nước ngâm nở; cà rốt, hành tây gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi; đậu phụ bóp nhuyễn.
  • Cắt nhỏ miến dong, hành lá.
  • Cho 1 thìa bộ tiêu, 3 thìa hạt nêm chay trộn cùng các nguyên liệu trên. Sau đó trải bánh đa nem ra mặt phẳng, cho các nguyên liệu đó vào giữa, cuốn thành hình tròn dài.
  • Bắc chảo dầu lên bếp, đợi đến khi chảo dầu sôi thì cho nem vào chiên trên lửa nhỏ. Chiên đến khi chín thì vớt ra để vào giấy thấm dầu và bày ra đĩa.

Xôi gấc

Xôi gấc là món ăn cúng ông Công ông Táo không thể thiếu. Món ăn này khi được dâng lên cúng Táo Quân có ý nghĩa cầu may mắn, bình an.

Nguyên liệu:

  • 500g gạo nếp cái hoa vàng.
  • 1 quả gấc.
  • 100g dừa nạo sợi.
  • Gia vị: Muối ăn, đường.

Thực hiện:

  • Ngâm gạo nếp qua đêm với nước rồi đãi sạch, cho 1 thìa muối vào xóc đều.
  • Gấc bổ lấy thịt, trộn với gạo nếp, dừa.
  • Cho gạo nếp vào xửng hấp chín. Lúc này, bạn trộn xôi với 1 thìa canh đường, hấp thêm 5 phút nữa.
  • Bày xôi ra đĩa cúng.

Xôi gấc - món ăn cúng ông công ông táo

Ngoài những món ăn mặn, ăn chay cúng ông Táo thì gia chủ cũng cần chuẩn bị thêm các lễ vật cần thiết trong mâm lễ như tiền vàng, mũ áo ông Công, ông Táo…

Xem thêm những lễ vật cần thiết trong mâm cúng ông Công, ông Táo.

2. Những món ăn không nên cúng ông Công, ông Táo

Khi làm món ăn cúng ông Công ông Táo, bạn không nên làm những món sau:

  • Những món được làm từ quả có gai, có mùi như mít, sầu riêng. Theo phong thủy, những quả có gai dùng để cúng ông Táo sẽ làm ảnh hưởng đến sự bình an của các thành viên trong gia đình, làm gia đạo lục đục.
  • Tuyệt đối không cúng món ăn làm từ cá chép vì cá chép là phương tiện của Táo quân khi lên chầu trời.
  • Không nên cúng các món ăn như thịt chó, thịt vịt, thịt ngan, thịt chim, mực, mắm tôm, trứng vịt lộn… Theo quan niệm dân gian, cúng những món ăn này sẽ khiến cho gia chủ gặp xui xẻo trong năm mới.

Món ăn không nên cúng ông táo

Thịt chó là một trong những món ăn không nên cúng ông Công, ông Táo

3. Những lưu ý khi làm món ăn cúng ông Công ông Táo

Khi làm món ăn cúng ông Công, ông Táo, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Những món ăn chúng tôi gợi ý trên là món ăn dùng để cúng ông Táo phổ biến, bạn không nhất thiết phải có các món ăn đó trong mâm cúng. Bạn có thể tùy chỉnh theo điều kiện, phong tục của gia đình, vùng miền.
  • Chú ý chọn nguyên liệu món ăn không bị sứt sẹo, đảm bảo sạch, không hóa chất.
  • Tuyệt đối không nêm nếm đồ ăn khi nấu đồ cúng. Theo quan niệm dân gian, nêm nếm đồ ăn trước khi cúng nghĩa là chúng ta đang ăn trước thần linh, như vậy là không tôn trọng thần linh, và những cầu nguyện của chúng ta sẽ không được như ý.
  • Nếu nấu xôi, nấu bánh chưng cúng ông Táo thì không nên mua nguyên liệu của gia đình chưa hết tang (có người mất chưa đủ 2 năm). Người Việt từ xa xưa cho rằng, mua nguyên liệu nấu bánh chưng, nấu xôi để cúng của gia đình chưa hết tang thì sẽ gặp xui xẻo.

Trên đây là những món ăn nên và không nên cúng ông Công, ông Táo đầy đủ nhất. Nếu còn thắc mắc, bạn hãy để lại bình luận bên dưới, các chuyên gia phong thủy của Thăng long Đạo quán sẽ giải đáp nhanh nhất có thể.

Nếu muốn cập nhật thêm kiến thức về phong thủy, phong tục Việt Nam nhanh chóng nhất, hãy tải về điện thoại ứng dụng Thăng Long Đạo quán. Ngoài ra, với ứng dụng này, gia chủ sẽ được dùng miễn phí công cụ hữu ích như xem lá số Tử vi, Bát tự, xem ngày tốt xấu, xem số tài khoản, biển số xe hợp phong thủy.

Mặt khác, ứng dụng này sẽ cung cấp bản tin phong thủy hàng ngày, từ đó, quý vị sẽ biết được những việc nên – không nên làm, sức khỏe, công việc, tài lộc, gia đạo hôm nay thế nào.

Hãy cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán miễn phí cho dòng máy Android và IOS tại đây: