Tết Trùng Cửu hay còn gọi là Tết Trùng Dương (9/9 âm lịch), là ngày lễ truyền thống của người Việt thời xưa và một số nước châu Á khác. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục và việc nên làm trong ngày Tết Trùng Cửu qua bài viết sau của Thăng Long Đạo Quán nhé.
1. Tết Trùng Cửu là gì? Nguồn gốc Tết Trùng Cửu?
Tết Trùng Cửu là ngày lễ được tổ chức vào mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm để cầu nguyện sự trường thọ. Đồng thời cũng là dịp thể hiện tình cảm yêu thương đối với người thân trong gia đình.
Tết Trùng Cửu được bắt nguồn từ Trung Quốc với nhiều điển tích khác nhau. Dưới đây là các điển tích về Tết Trùng Cửu được ghi chép lại.
Trong “Tục Tề Hài Ký”, tác giả Ngô Quân thời Nam Triều từng viết: Ở cuối đời nhà Hán, có chàng trai tên là Hoàng Cảnh theo Phí Trường Phòng để học đạo tiên. Bỗng một hôm, Trường Phòng nói với Hoàng Cảnh rằng vào ngày mùng 9 tháng 9, cả gia đình anh sẽ gặp nạn lớn.
Để lánh nạn thì chỉ có cách đưa cả gia đình lên núi cao, lúc đi tay đeo túi đỏ đựng hạt tiêu, uống rượu hoa cúc. Cứ làm y như vậy, đến tối về nhà sẽ thoát nạn. Nghe vậy, Hoàng Cảnh đã nghe theo lời thầy. Quả thực vào đúng hôm đó gia cầm trong nhà chết hết, còn gia đình anh thì thoát nạn.
Từ đó, cứ đến ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, dân gian lại truyền tai nhau rằng lên núi để ẩn náu, giúp tai qua nạn khỏi.
Ở cuốn “Phong Thổ Ký” lại kể rằng: Ở thời nhà Hạ có vị vua Kiệt rất nổi tiếng hoang dâm, ác độc. Để trừng trị nhà vua thì thượng đế đã tạo ra một cơn lũ lớn để cuốn trôi mọi thứ, khiến nhân dân cũng lao đao và chết theo.
Trận lũ này diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Vì vậy, về sau cứ vào ngày này, người dân lại lên núi cao để tránh đại họa. Đến đời nhà Đường, tục lệ này được gọi là Tết Trùng Cửu (Tết Trùng Dương).
2. Ý nghĩa và các phong tục ngày Tết Trùng Cửu
Tết Trùng Cửu có ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở mỗi quốc gia sẽ có phong tục khác nhau.
Tết Trùng Cửu ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết Trùng Cửu mang ý nghĩa cầu mong sự trường thọ. Đồng thời dịp này cũng được xem là Tết của người già, nhằm thể hiện lòng tôn kính của con cháu đối với ông bà. Vào dịp Tết Trùng Cửu, người dân Trung Quốc thường có các phong tục như:
- Lên vùng cao: Tùy điều kiện từng nơi mà người ta có thể lên núi để thưởng ngoạn phong cảnh hoặc lên tháp cao để tận hưởng không khí trong lành.
- Ăn bánh cao: Do có từ đồng âm là “cao” nên việc ăn bánh cao như là để nhắc nhở con người phải lên cao để lánh nạn. Đây là loại bánh được làm bằng bột gạo, có 9 tầng như bảo tháp, tượng trưng cho đỉnh cao và số 9. Bên trên đỉnh nặn 2 con dê nhỏ, biểu tượng cho trùng dương. Đồng thời còn cắm 2 ngọn đèn tượng trưng cho đăng cao (tức là trèo lên cao) và cắm 1 cờ giấy đỏ, đại diện cho cành châu du.
- Uống rượu hoa cúc: Người xưa cho rằng, rượu hoa cúc có tác dụng tránh bị trúng gió, giúp sáng mắt, tiêu viêm, giải độc… Vì vậy, nhiều người cho rằng đây là loại “rượu trường thọ”. Cho nên dân gian thường uống rượu hoa cúc vào mùng 9 tháng 9 âm lịch.
- Ngắm hoa cúc: Hoa cúc biểu tượng cho sự thanh cao, tượng trưng cho tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Đồng thời hoa cúc cũng được xem là một trong bốn loài hoa quân tử (tùng – cúc – trúc – mai). Do đó người ta hay ngắm hoa cúc vào thời gian này.
- Cài lá châu du: Đây là phong tục thịnh hành ở thời nhà Đường. Vào Tết Trùng Cửu, người dân sẽ giắt lá châu du vào người hoặc cho vào túi vải, mang theo bên mình (đặc biệt là trẻ em và phụ nữ).
Tết Trùng Cửu ở Việt Nam
Nhiều quan niệm cho rằng, Tết Trùng Cửu ở Việt Nam được du nhập từ Trung Quốc vào thời nhà Đường. Do lúc này nhà Đường còn đô hộ nước ta nên ý nghĩa, phong tục Tết Trùng Cửu tại Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.
Ngày lễ này tại nước ta mang ý nghĩa phòng trừ bệnh tật, của đuổi côn trùng (có điểm giống với Tết Đoan Ngọ). Đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà. Tuy nhiên, Tết Trùng Cửu ở nước ta chỉ phổ biến ở thời xưa, đến nay không còn nhiều người biết đến nữa. Dưới đây là một số phong tục vào ngày Tết Trung Dương ở Việt Nam:
- Uống rượu hoa cúc để tiêu độc, giải cảm, mát gan.
- Mang cành cây châu du bên mình để đuổi côn trùng, phòng ngừa bệnh tật.
- Leo núi, giúp cơ thể sảng khoái, thư giãn, từ đó tăng cường sức khỏe.
Tết Trùng Cửu tại Nhật Bản
Tết Trùng Cửu ở Nhật Bản được gọi là lễ hội Choyo, được tổ chức vào mùng 9 tháng 9 dương lịch hàng năm. Lễ hội này thường diễn ra ở chùa và các đền thờ Thần đạo Nhật Bản (Shinto). Lễ hội thể hiện mong muốn kéo dài tuổi thọ với các hoạt động tiêu biểu là uống rượu sake hoa cúc, ăn bánh mochi, hạt dẻ, gạo hạt dẻ.
Tết Trùng Cửu tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tết Trùng Cửu có tên gọi là Jung Yang Yeol, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Đây cũng là dịp thể hiện mong muốn sẽ có nhiều sức khỏe của người Hàn. Vào ngày này, người Hàn Quốc sẽ ăn bánh kếp hoa cúc, leo núi, cắm hoa cúc.
3. Tết Trùng Cửu nên làm gì để may mắn?
Theo quan niệm dân gian, Tết Trùng Cửu làm những việc sau thì sẽ đem lại may mắn:
- Quan tâm, chăm sóc, hiếu kính với ông bà, cha mẹ hơn: Tết Trùng Dương còn được xem là ngày của người già. Vì vậy, sau khi hoa màu, lương thực được thu hoạch thì con cháu sẽ làm nhiều món ngon để tặng cho ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, nhân ngày này, bạn cũng nên thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn đối với họ.
- Mua vàng: Một số người cho rằng, nếu mua vàng tích trữ vào Tết Trùng Cửu thì cả năm sẽ giữ được lộc. Nếu có điều kiện thì bạn hãy mua vàng để cầu mong cho gia đình có nhiều tài lộc nhé.
- Ném cam vàng ra cửa: Người xưa truyền tai nhau rằng, cứ vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, nếu ném quả cam vàng ra cửa thì sẽ xua đi những điều không may. Trước khi ném, nên đọc nhỏ những lời cầu nguyện của bản thân hoặc viết điều ước lên vỏ cam.
Xem thêm: Văn khấn cúng Tết Trùng Cửu và những lưu ý.
Trên đây là những thông tin cơ bản về Tết Trùng Cửu. Để cập nhật nhanh chóng các kiến thức về phong thủy, phong tục Việt Nam, gia chủ hãy tải ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại. Ngoài ra, khi dùng ứng dụng này, gia chủ còn được dùng miễn phí các công cụ hữu ích như luận giải lá số Bát tự/ Tử vi, xem ngày tốt – xấu, xem tuổi…
Cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại tại đây: