Tết mùng 10/10 âm lịch hay còn được gọi là Tết Trùng Thập là một ngày lễ truyền thống của người Việt nam. Tuy nhiên lễ hội này lại không được tổ chức rầm rộ, cầu kỳ như các phong tục truyền thống khác. Để hiểu rõ hơn về ngày Tết 10/10 – Tết cơm mới thì bạn có thể tìm hiểu qua bài viết này.
1. Tết Trùng Thập mùng 10/10 là gì?
Tết 10/10 – Trùng Thập hay còn có các tên gọi khác là Tết Song Thập, Tết thầy thuốc, Tết cơm mới hay theo tục lệ của Phật giáo sẽ được gọi là tết Hạ Nguyên (Tết Thượng Nguyên là ngày Rằm tháng Giêng). Tết Trùng Thập sẽ thường được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên một số vùng sẽ tổ chức vào ngày 15/10 hoặc ngày 31/10 Âm lịch.
Mỗi một tên gọi khác nhau sẽ có những nguồn gốc, ý nghĩa khác nhau về ngày lễ này như sau:
Nguồn gốc Tết Trùng Thập là ngày Tết Cơm bắt nguồn từ truyền thuyết xưa. Thời điểm này là khi vụ mùa tháng 10 đã phơi gặt xong và người dân muốn cảm ơn công lao của Thần Nông. Đây là vị thần có nhiệm vụ cai quản việc nông nghiệp dưới nhân gian.
Cảm ơn vị thần đã tạo điều kiện cho mưa thuận gió hòa, giúp cho mùa màng bội thu, cuộc sống của mọi người được ấm no, hạnh phúc. Hàng năm đúng ngày mùng 10 hoặc ngày 15 tháng 10 âm lịch, người dân sẽ làm lễ cúng cơm mới. Đầu tiên là dùng để cảm tạ thần linh phù hộ cho vụ mùa trước và hy vọng vụ mùa mới vào năm sau sẽ vẫn có được thu hoạch tốt như năm nay.
Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác rằng cứ đến ngày 10/10 âm lịch hàng năm Ngọc Hoàng sẽ cử thần Tam Thanh xuống nhân gian để khảo sát cuộc sống của người dân. Sau đó ông sẽ về báo cáo cuộc sống của người dân dưới trần gian cho Ngọc Hoàng.
Vì vậy nên người dân để chào đón vị thần này và cầu mong cho vụ mùa năm mới thuận lợi, bội thu. Người dân đã dùng gạo mới gặt về làm bánh, làm cỗ dâng lên thần Tam Thanh. Từ đó trở đi cứ ngày mùng 10/10 âm lịch hàng năm người ta lại làm lễ cúng và gọi đó là Tết cơm mới.
Tết Trùng Thập còn được gọi là ngày Tết thầy thuốc. Bởi theo sách Dược lễ ngày 10/10 âm lịch hàng năm, cây thuốc sẽ hấp thụ được khí âm dương. Vậy nên lúc này thu hoạch sẽ tốt nhất, mang lại hiệu quả khi chữa bệnh. Những người theo nghề thuốc sẽ coi đây là ngày Tết quan trọng nhất trong năm. Từ đó ngày tết này được ra đời.
Tuy nhiên ngày Tết 10/10 Tết Trùng Thập thường được mọi người biết đến và coi là ngày để cảm tạ thần linh. Kết thúc một mùa bội thu và niềm hy vọng cho mùa màng mới.
2. Phong tục ngày Tết Trùng Thập 10/10 âm diễn ra thế nào?
2.1 Tết cơm mới 10/10 của vùng đồng bằng sông Hồng
Tết mùng 10/10 người dân vùng đồng bằng sông Hồng – cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam thường chuẩn bị mâm lễ gồm các lễ vật sau:
- Thịt gà luộc
- Thịt lợn luộc để nguyên miếng
- Giò lụa
- Xôi đỗ xanh dừa tươi hoặc xôi gấc, xôi vò…
- Bánh chưng hoặc bánh giầy
- Canh miến, canh măng hoặc canh mọc
- Gỏi gà hoặc nộm đu đủ
- Chè sen hoặc chè đỗ xanh hoặc chè trôi nước
- Đĩa xào thập cẩm hoặc rau xào
- Đĩa nem rán
- Một ít tiền vàng
- Một đĩa hoa quả
- Lọ hoa tươi
- Chén rượu, chén nước
- Trầu, cau
- Nhang thơm, đèn nến
Phong tục ngày xưa thì mọi người thường làm các loại bánh như bánh chưng, bánh nếp (một vài địa phương gọi là bánh rợm), bánh giầy, bánh trôi… Các loại bánh được làm từ gạo mới gặt ngoài đồng. Sau khi thắp hương dâng lên các vị thần linh thì họ thường mang bánh chia cho hàng xóm, anh em bạn bè.
Việc này được coi như là điều san sẻ, chung vui với mọi người vì có được mùa màng tươi tốt, bội thu. Ngoài ra nó còn để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, bởi ông cha ta vẫn thường có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Xem thêm: Tết Trùng Cửu nên làm gì để may mắn?
2.2 Lễ hội cơm mới của người dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên
Ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên địa hình chủ yếu là đồi núi, đời sống nhân dân rất khổ cực, vất vả mới sản xuất ra được nông sản. Vậy nên họ rất quý và ci trọng việc sản xuất. Nếu vụ mùa mà không được thuận lợi dẫn tới mất màu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.
Tại đây người ta tôn thờ “Giàng” – vị linh thần của rừng núi. Vào ngày này người ta sẽ cúng trời đất, các vị thần sông, suối, núi, rừng và “Giàng” với mục đích cầu mưa thuận gió hòa. Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào năm đó thu hoạch được nhiều hay ít. Người chủ gia đình trong ngày này sẽ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn làng bên cạnh tới cùng vui chơi, ăn uống và múa hát.
Các dân tộc khác nhau thì sẽ có cách thức tổ chức ngày lễ và cách thức ăn mừng cũng khác nhau.
- Tộc người J’rai và Bahnar: lễ mừng lúa mới của họ diễn ra trong thời gian khá dài từ tháng 11 dương tới hết tháng Giêng năm sau.
- Người Mạ: có phong tục là giết trâu để mừng lễ cơm mới.
- Người Ê đê: không tổ chức chung mà riêng theo từng hộ gia đình. Phụ nữ lo việc bếp núc, nấu nướng. Đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt.
Cuộc sống của người dân tộc gắn liền với các nương lúa, nương ngô, khoai, sắn,… Vì vậy nên lễ mừng lúa mới là một lễ hội thiêng liêng và mang ý nghĩa về mặt tâm linh vô cùng lớn đối với họ. nhà nào mà có nhiều khách tới nhà vào ngày lễ thì càng chứng tỏ nhà ấy mùa màng bội thu, thu hoạch được nhiều nông sản.
2.3 Ngày Tết 10/10 Trùng Thập của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Người miền Nam vào ngày Tết 10/10 cũng sẽ có những món ăn, lễ vật dâng lên các vị thần linh khác nhau như sau:
- Gà luộc hoặc thịt heo quay
- Xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh
- Thịt lợn kho hột vịt
- Gỏi cuốn
- Cá lóc kho nước dừa
- Giò lụa
- Canh khổ qua nhồi thịt
- Chân giò hầm măng khô, mộc nhĩ
- Canh gà hạt sen
- Thịt lợn hầm măng tre
- Xương hầm củ quả
- Bánh bao, bánh tét
Tùy vào từng điều kiện kinh tế, thời gian mà mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các món khác nhau. Điều này là không bắt buộc, các món ăn trên mâm lễ trên chỉ là gợi ý cho bạn. Bạn không cần phải chuẩn bị hết chúng để tránh lãng phí và gây hao tổn nhiều tiền bạc.
3. Bài cúng ngày Tết Trùng Thập 10/10 âm lịch
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy chín phương trời, mười phương Phật.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ thổ địa, ngài Bản gia táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội, họ ngoại.
Tín chủ chúng con là…………………………….. ngụ tại………………………………
Hôm nay là ngày mồng mười/rằm tháng Mười là ngày Tết Cơm mới/Tết Hạ Nguyên
Chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, nấu cơm gạo mới, trộm nghĩ:
Cây cao bóng mát
Quả tốt hương bay
Công tài bồi xưa những ai tạo
Của quý hóa nay con cháu hưởng
Ơn trời đất Phật Tiên, chư vị Tôn thần
Sau nhờ ơn tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết là bao
Đến nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam
Nay nhân mùa gặt hái
Gánh nếp tẻ đầu mùa
Nghĩ đến ơn xưa
Cày bừa vun xới
Sửa nồi cơm mới
Kính cẩn dâng lên
Thường tiên nếm trước
Mong nhờ tổ phước
Hòa cốc phong đăng
Thóc lúa thêm tăng
Hoa màu tươi mới
Làm ăn tiến tới
Con cháu được nhờ
Lễ tuy đơn sơ
Tỏ lòng thành kính.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh tiên ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về chứng giám, tâm thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Hy vọng với những thông tin bên trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày Tết 10/10 Trùng Thập. Hãy thường xuyên theo dõi website hoặc chuyên mục Phong tục Việt để tham khảo nhiều thông tin bổ ích hơn.
Bạn có thể tải ứng dụng Thăng Long đạo quán về điện thoại di động để cập nhật các kiến thức phong thủy hàng ngày. Đồng thời có thể sử dụng thêm các công cụ miễn phí khác. Cài đặt ứng dụng về điện thoại di động của mình tại đây: