Lễ cúng ông công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là phong tục không thể thiếu của người Việt Nam. Nghi lễ cúng không cần quá cầu kỳ, sang trọng nhưng vẫn phải chu đáo, đầy đủ, không nên xuề xòa. Nó thể hiện được lòng thành tâm của gia chủ đến các vị Táo Quân. Trong nghi lễ cúng Táo Quân, người Việt thường có hoạt động thả cá ông Công ông Táo. Vậy gia chủ có biết cách thả cá ông Công ông Táo thế nào cho đúng để tài lộc, may mắn? Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1.Ý nghĩa của việc cúng ông Công ông Táo

Theo tích của người Việt xưa, Táo Quân gồm 3 vị là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn các Táo về trời. Mọi người tin rằng, Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc dưới hạ giới trong một năm qua. Từ đó là cơ sở giúp Ngọc Hoàng luận công tội của mỗi người. Sau đêm giao thừa, các Táo sẽ trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi việc của gia đình. Chuẩn bị lễ và nghi lễ cúng các vị Táo cần được làm cần thận, chỉn chu. Người dân mong muốn các Táo sẽ nói những điều tốt đẹp nhiều hơn và giảm nói những điều không hay một năm qua.

Ý nghĩa của ngày cúng ông Công ông Táo

Hơn nữa, ông Công ông Táo chính là những vị thần cai quản bếp núc, giúp ma quỷ không xâm phạm vào nhà, giữ sự bình yên cho gia chủ. Vì thế, cúng Táo Quân là nghi lễ vô cùng quan trọng mà các gia đình Việt không thể bỏ qua mỗi dịp cuối năm, Tết đến xuân về.

>> Xem thêm:Ý nghĩa của ngày ông Công ông Táo

2.Thả cá ông Công ông Táo có ý nghĩa gì?

Tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết người ta hay cúng cá chép trong ngày này là vì cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh. Cá chép tượng trưng cho phú quý. Dân gian quan niệm rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời. Rồng là con vật linh thiêng, có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân trồng lúa nước.

Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành rồng phải qua 3 kỳ thi. Qua mỗi kỳ thi, cá chép sẽ lên được gần trời hơn một chút. Mỗi kỳ thi là những khó khăn, những hiểm trở mà cá chép phải trải qua. Bài đầu tiên, cá chép phải búng đuôi để vượt qua con thác cao ngất ngưởng. Bài thứ hai nhiều sóng gió và mưa vần vũ dữ dội nhưng cá chép vẫn vượt qua bằng sức mạnh. Khi trải qua 2 bài thì lúc này cá chép đã gần hóa thành rồng. Nó dũng mãnh trải qua bài thi thứ 3 và hóa rồng bay lên trời.

Cá chép không chỉ đại diện cho sự phát triển mà còn đại diện cho khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực. Đồng thời, nó tượng trưng cho mong cầu sự phát triển mạnh mẽ của người Việt. Hơn thế nữa, thả cá chép là hoạt động tượng trưng cho sự phóng sinh. Việc thả cá chép trong lễ cúng ông Công ông Táo thể hiện sự từ bi của người dân Việt Nam ta.

3. Cúng ông Táo mấy con cá chép?

“Cúng ông Công ông Táo mấy con cá chép?” là câu hỏi của nhiều người, băn khoăn chưa rõ về tục thả cá chép. Vậy sự thật, cúng ông Táo mấy con cá chép là đủ?

Có nhiều người cho rằng chỉ cần cúng 1 con, cũng có người cho rằng nên cúng 1 cặp cá thể hiện sự có đôi có lứa… Thế nhưng, theo tục của người Việt xưa, cúng ông Công ông Táo cần 3 con cá chép. Bởi theo tích của người Việt, ba vị Táo Quân là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ kỳ, họ cai quản mọi việc trong nhà của gia chủ, quyết định may rủi phúc họa của gia đình, ngăn giữ xâm phạm của ma quỷ vào nhà. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, cả 3 Táo sẽ về chầu trời để bẩm báo. Vậy nên, cần 3 con cá chép để đủ cho 3 vị Táo Quân làm phương tiện bay về trời. Nếu bạn cúng thiếu cá chép thì các vị Táo sẽ không thể bay về trời đầy đủ, không thể báo cáo hết được những điều tốt gia chủ đã làm trong năm vừa qua. Cũng vì thế, Ngọc Hoàng sẽ không thấy hết tâm ý của gia chủ, sẽ thiếu đi may mắn, tài lộc trong năm tới.

4. Thả cá ông Công ông Táo thế nào cho đúng?

  • Thả cá ông Công ông Táo ở đâu?

Gia chủ có thể thả cá ở những ao, hồ, sông, suối để cá có thể sinh sống và sinh sôi mạnh mẽ. Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn sông, suối, hồ gần nhà, thuận tiện để thực hiện nghi lễ thả cá. Gia chủ cần chú ý: nên chọn những ao, hồ, sông, suối sạch sẽ để cá có thể dễ dàng sống sót và phát triển trong năm mới.

  • Thả cá ông Công ông Táo mấy giờ? 

Theo quan niệm dân gian, giờ Ngọ tức 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch là lúc các Táo đã về đến trời chầu Ngọc Hoàng. Do đó, các gia đình nên làm lễ cúng và thả cá trước 12h trưa để các Táo kịp buổi chầu.

  • Khi thả cá, không đứng từ trên cao để xuống, làm như vậy cá có thể bị chết dẫn đến gây ô nhiễm môi trường.

  • Cách đúng nhất để phóng sinh cá chép là chọn chỗ gần mép nước, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy đuôi đi.
  • Tuyệt đối không quăng cả túi cá xuống ao, hồ, sông, suối vì như thế cá sẽ không thể tự thoát ra được túi, sẽ rất khó sống. Hơn nữa, như vậy sẽ khiến môi trường ô nhiễm vì túi nilon trôi nổi khắp hồ.

Thả cá chép là nghi lễ cần có sự thành tâm, không phải ồ ạt theo phong trào. Vì thế, bạn nên chú ý về việc thả cá cho đúng lễ nghi và để thể hiện đúng ý nghĩa vốn có của nó, tránh ảnh hưởng đến môi trường. 

Nếu còn bất cứ câu hỏi nào cần giải đáp thì bạn có thể để lại Comment bên dưới. Các chuyên gia phong thủy của Thăng Long đạo quán sẽ giúp bạn giải đáp đầy đủ và chi tiết nhất.