Trạch Thiên Quải hay còn gọi là quẻ quải là quẻ số 43 trong kinh dịch, mang nhiều ý nghĩ mà rất nhiều người không hiểu hết. Hãy cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu về thẻ này để biết được ý nghĩa là ứng dụng của thẻ trong đời sống và công việc.
1. Đôi nét về Trạch Thiên Quải
Trạch Thiên Quải là quẻ số 43 trong kinh dịch còn được gọi là quẻ Quải.
* Nội quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).
* Ngoại quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).
Trạch Thiên Quải được giải nghĩa như sau: Quyết dã, dứt khoát, dứt hết, biên cương, ranh giới, thành phần, thành khoảnh, quyết định, quyết nghị, cổ phần, thôi, khai lề lối. Ích chi cực tắc quyết chi tượng, lợi đã cùng ắt thôi.
Tăng lên đến cùng cực thì tới lúc tràn đầy, nứt vỡ nên sau quẻ Ích tới quẻ Quải. Quải có nghĩa là nứt vỡ, lại có nghĩa là quyết liệt. Để hiểu hơn về Trạch Thiên Quải bạn có thể tham khảo thêm nội dung luận mới.
XEM THÊM: Quẻ Kinh Dịch là gì?
2. Luận giải về Trạch Thiên Quải và ứng dụng
2.1. Đôi nét về Trạch Thiên Quải
Tại sao sau quẻ Ích là quẻ Quải Quyết? Là bởi “Ích” là thêm, mà thêm mãi tất phải tràn đầy, mà đầy thì đổ. Nước chầm (đoài) mà dưng lên đến tận trời (trạch thượng ư thiên) tất nhiên vựa phải nứt, như nước dâng đến tràn bờ. Cho nên chữ Quyết có thêm bộ Thủy bên chữ Quải .
Theo thể của quẻ, năm Dương đang xúm nhau lùa một hào âm còn lại, để hất tuốt ra ngoài, nên Quải cũng có nghĩa là cương quyết, quyết liệt. Cũng có ý là làm nứt vựa chứa đồ, “nứt bờ” chứa nước. Lời Thoán sau đây sẽ nói lên chỗ khó khăn đó.
Sự tuyên chiến của quân tử quyết thắng cho kỳ cùng bọn tiểu nhơn và nhất quyết không để chúng được sống sót. Có khác nào một cuộc chiến đại quy mô đối với địch, địch cả bên trong và bên ngoài, giặc bên trong còn nguy hiểm hơn giặc bên ngoài.
Nội chiến là một thứ chiến tranh vô cùng nguy hiểm vì nó nằm ngay trong lòng ra. Tay cầm búa, là tượng một sự quyết liệt, nên quẻ cũng gọi là Quyết.
2.2. Thoán từ
Quải, dương vu vương đình, phù hiệu hữu lệ,
cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.
夬,揚 于 王 庭,孚 號 有 厲,告 自 邑,不 利 即 戎,利 有 攸 往.
Quẻ Quải, là quẻ mà hào Dương đã lên đến ngôi Cửu Ngũ, lấn hào Âm đến mức cùng chông chênh ở hào Thượng Lục, thuộc về tượng cuối Xuân qua Hạ (tiết Cốc Vũ, tháng ba) tại cung Thìn.
Quẻ Quải, là quẻ Dương thịnh Âm suy (5 dương, 1 âm) lẽ ra phải tốt, nhưng vì hào Âm cuối cùng là hào Thượng Lục, chính là tên đầu đảng của bọn tiểu nhân. Phải coi chừng Và nên nhớ: đuổi tặc khấu (nhất là tên đầu đảng) đừng có đưa chúng đến thế cùng! (“Cùng khấu, vật truy”).
Sự lý trong thiên hạ rất vô thường, cơ họa phúc thì bất trắc nhất là mưu của kẻ tiểu nhân, nên Thoán từ răn đe, tuy phe quân tử thịnh, nhưng chớ nên kiêu phe tiểu nhơn tuy suy, nhưng chớ khá xem thường, nên quái từ bảo “hữu lệ”, mong cho người quân tử thường đề phòng sự phản trắc của tiểu nhơn.
Như ta thấy ở quẻ Bác, 5 tiểu nhơn khử một quân tử, thì Thánh nhân đã hết sức lo cho quân tử, là phải, nhưng đến quẻ Quải, 5 quân tử khử trừ một tiểu nhân mà Thánh nhơn lại càng răn đe người quân tử, ý tứ Kinh Dịch quả là thâm thúy không biết chừng nào.
Có nhiều cách khử trừ tiểu nhơn. Nhưng cách nào cũng có sự nguy hiểm. Nếu chỉ còn một tên tiểu nhơn còn sót lại trong chánh quyền không khéo “một con sâu, làm rầu nồi canh” sự quyến rũ của tiểu nhân đáng sợ, là vì sự bất chánh và tội lỗi là điều rất quyến rũ, chứ như việc làm theo chánh đạo là việc khó làm! Khó bắt chước.
Đây, là điểm cực kỳ quan trọng cho công trình Văn hóa và Giáo dục. Một quyển sách đồi trụy dễ lan tràn và cám dỗ thiên hạ, nhất là bọn thanh thiếu niên. Sách đạo đức, thì không sao quyến rũ được dễ dàng thanh thiếu niên bằng một quyển sách tồi phong bại tục! Việc mà Văn học sử bao giờ cũng cảnh cáo.
Trong một gia đình mà có một đứa con hư. Đáng sợ thật. Trong một cơ quan hay triều đại mà có xen vào một tên tiểu nhơn, thì các tôi trung sẽ đi mất hết mà kẻ còn lại, sẽ bị hại không sai, vì kẻ bề trên nào cũng vậy, thích bọn nịnh hơn người trung.
Trong lòng ta, chỉ có một tật xấu thôi mà còn ẩn núp trong tâm can, cũng đủ làm cho thiên lương mờ mệt. Kẻ nào bị tình dục ngự trị, chắc chắn sẽ dễ trở thành một kẻ đui mù ngu ngốc. Như văn hào Pascal đã nói: “Tình có những lý lẽ riêng tư của nó mà Lý Trí không bao giờ hiểu nổi”.
Và như vậy, trong sự tranh đấu quyết liệt loại trừ cái Ác, đừng quên những nguyên tắc sau đây:
Sự cương quyết tuy cần, nhưng phải biết dung hòa với lòng phúc hậu, đó là quẻ Kiền (nội quái) là cương cường, cương quyết, nhưng bên ngoài là quẻ Đoài (vui vẻ, tươi cười) như nụ cười của cô gái trẻ (Đoài vi thiếu nữ) đầy vẻ âu yếm dịu dàng. 2 đức tánh khó dung hòa nhưng không phải không thể dung hòa. Dùng vũ lực mà trừ bọn tiểu nhơn phải có lòng Từ. “nhất viết Từ” như Lão Tử đã bảo.
Câu chuyện Quí Cao sau đây cũng có ý nói về Cương và Nhu này:
Quí Cao làm quan sĩ sư coi về hình ngục của nước Vệ, có làm án chặt chơn một người.
Sau nước Vệ gặp loạn, Quí Cao chạy trốn. Ra đến cửa thành, gặp người giữ cửa thành lại chính là người mình chặt chơn ngày trước.
Người ấy bảo: “Kia, có chỗ tường đổ”
Quí Cao nói: Người quân tử không trèo tường.
Người ấy lại bảo: “Kia, có lỗ hổng.
”Quí Cao nói: Người quân tử không chui lỗ hổng.
Người ấy lại bảo: “Thôi, đây có cái nhà.
Quí Cao mới chạy vào nhà. Quân lính đuổi theo, không thể bắt được.
Lúc Quí Cao sắp đi, bảo người giữ thành: Trước, ta theo phép nước mà chặt chơn người, nay ta gặp nạn, chính là cái dịp cho người báo thù, tại sao ba lần chỉ lối cho ta trốn? thương ta như thế, là nghĩa làm sao.
Người giữ thành nói:
– Tội tôi đáng phải chặt chơn, đó là phép nước, tôi biết nhưng lại không theo, vậy thì tránh sao cho khỏi! Nhưng lúc ông luận tội, thấy ông xoay sở pháp luật đắn đo do dự mãi, ý muốn nới tay, tôi cũng biết! Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, không nỡ nhìn, tôi lại cũng biết lắm. Ông làm như thế, há phải vị riêng gì tôi, đó là tâm địa của bậc quân tử tự nhiên như vậy. Thế nên, tôi muốn cứu ông.”
Câu chuyện đã nói lên: Có lý mà có tình.
Đại Tượng
Trạch thượng ư thiên: Quải.
澤 上 於 天,夬。
Quân tử dĩ thí lộc cập hạ, cư đức tắc kỵ.
君 子 以 施 祿 及 下,居 德 則 忌。
Nước đầm mà dâng cao tới trời, đó là tượng quẻ Quải. Người quân tử xem tượng ấy mà ban bố ân lộc cho khắp cả thiên hạ, nhưng ban bố hậu lộc cho người người mà không bao giờ kể đến đức ấy của mình.
“Thí đức” (ban bố ân đức) mà không phải cố ý “thí đức”, thì đức ấy mới là “đức lớn của Trời Đất”. Đây, cũng là chỗ mà Lão Tử bảo: “Thượng đức bất đức”.
Đức mà cao, không phải là đức ban bố ra để được một cái gì có lợi về tinh thần hay vật chất “thí đức” vô cầu! và vô niệm. Nếu còn biết “thí đức” là “đức thí” là còn nghĩ đến mình, là còn có một sự tính toán lời lỗ bán buôn, mong được ân đền nghĩa trả.
Trời ban ân huệ cho toàn thể nhân sinh há vì muốn được vạn vật biết ân mà trả ân hay ghi ân? Hành động “thí đức” của Thánh nhơn rất kỵ có việc ghi ân đức ấy (cư đức tắc kỵ 居 德 則 忌).
Đối với Thánh nhơn, hễ còn nghĩ đến sự “tích đức” là “tán đức” làm cho đức ấy tiêu tan. Làm ân mà kể ân, là mất ân. Lập đức mà cho là thí đức thì cũng mất luôn đức. Huống hồ bắt dân chúng tạc hình mà thờ, luôn luôn ca tụng công đức của mình… là điều tối kỵ của người quân tử ngày xưa.
2.3. Tiểu Tượng
Sơ Cửu: Tráng vu tiền chỉ, vãng, bất thắng vi cựu.
壯 于 前 趾,往 不 勝 為 咎。
Tượng viết: Bất thắng nhi vãng, cựu dã.
象 曰:不 勝 而 往,咎 也。
“Tráng vu tiền chỉ” là tiến mạnh tới mắt cá! (趾 là ngón chơn). Nghĩa là Sơ Cửu tiến hành hăng hái theo cái bọn quần dương để tấn công nhất âm, vì đó cũng là phận sự của hào Sơ. Bởi Sơ còn ở vị thấp, sức còn yếu mà cố hăng hái tiến lên e không cất nổi gánh nặng, mà thành ra có “tội”
Có “tri kỷ, tri bỉ” thì may ra mới chiến thắng được. Bất cứ trong cuộc tranh đấu nào, nguyên tắc trên, là nguyên tắc chánh.
Cửu Nhị: Dịch hào, mộ dạ hữu nhung vật tuất.
九 二:惕 號,莫 夜 有 戎,勿 恤。
Tượng viết: Hữu nhung vật tuất, đắc trung dã.
象 曰:有 戎 勿 恤,得 道 也。
Quải, là thời mà người quân tử quyết bày trừ tiểu nhơn tận gốc, nếu thắng sẽ là hạnh phúc cho cả xã hội, nếu bại thì họa lây cho cả xã hội.
Cửu Nhị đắc trung đắc chánh, dương dương nên hiểu rõ phận mình, trong lòng luôn luôn cẩn thận dè dặt, phòng ưu lự hoạn (mộ dạ hữu nhung 莫 夜 有 戎) nên không có gì phải sợ cả (vật tuất 勿恤).
Bởi đêm ngày (mộ dạ) đã biết lo nghĩ sắp đặt sẵn không cho bất ngờ bắt chẹt, nên khi gặp tai nạn hay hữu sự thì chẳng còn có gì phải lo nữa. Ban đêm mà gặp giặc đến bất ngờ, thật là khó khăn nguy hiểm, nhưng nếu ta biết phòng bị trước, thì không sao phải lo sợ kinh hoàng mà còn được ung dung hành động và đối phó.
Như đã nói: Thắng kẻ tiểu nhơn hoặc lo loại trừ tiểu nhơn giống như một việc hành quân. Quái từ quẻ Quải, nơi hào Nhị này, tuy chỉ có 8 chữ, là “Dịch 惕, Hào 號, Mộ 莫, Dạ 夜, Hữu Nhung 有 戎, Vật Tuất 勿 恤” có thể xem như là tư cách của kẻ làm Đại tướng.
Từ xưa, binh lực sở dĩ bị thất bại, vì 2 cớ:
- Khi chưa có giặc, thì hờ hững dửng dưng, đó là do sự không rõ cái nghĩa của hai chữ “dịch hào 惕號” (biết lo sợ phòng trước để cảnh cáo bè bạn quân nhân).
- Thoạt nghe giặc đến, thì sinh ra hốt hoảng, bởi không hiểu rõ 4 chữ “hữu nhung vật tuất 有戎勿恤” (nghĩa gặp giặc đến thì biết thản nhiên bình tĩnh như không có việc gì!)
Vô sự, lo lắng phòng bị như đang xảy ra tai biến; khi hữu sự, mà nhập cuộc thì điềm tĩnh và hành động như không có gì phải lo sợ cả.
Đó là những đặc tánh của vì Thượng Tướng.
Đời, là một bãi chiến trường, ta phải luôn luôn phòng bị như một võ sĩ đang đứng giữa võ đài, luôn luôn sẵn sàng và chờ đợi những đòn bất ngờ của địch thủ. Cho nên người quân tử hay bậc Thánh nhơn bao giờ cũng có những đức tánh của một vị Thượng Tướng. rất trái với thường nhơn, hễ “vô sự” thì thản nhiên như sống say chết ngủ” không biết lo phòng gì cả, một khi “hữu sự” thì, “cuống cuồng” như kẻ mất hồn.
Cửu Tam: Tráng vu quì, hữu hung, quân tử quyết quyết
độc hành ngộ vũ, nhược nhu, hữu uẩn, vô cựu.
九 三:壯 于 頄,有 凶,君 子 夬 夬,
獨 行 遇 雨,若 濡 有 慍,無 咎。
Tượng viết: Quân tử quyết quyết, chung vô cựu dã.
象 曰:君 子 夬 夬,終 無 咎 也。
Oai vũ hiện lên trên mặt (tráng vu quì) đem đến hung sự cho người quân tử cương quyết đi một mình, lại gặp mưa (độc hành ngộ vũ) bị mưa ướt hết.
XEM THÊM: Quẻ 41 – Sơn Trạch Tổn
Hoàn cảnh có vẻ mơ hồ (không rõ ràng) trong khi tất cả đều quyết tâm trừ khử bọn tiểu nhơn, mà chỉ có một mình Tam lại đi kết liên với một kẻ đại tiểu nhơn là Thượng Lục (mà tất cả đều nhất định trừ khử cho kỳ được).
Thế thì, ngoài mặt đóng vai quân tử (cùng đoàn) mà tâm tư lại theo tiểu nhơn vì có sự ứng chiếu (Tam Lục tương ứng).
Nhưng chưa sao, bởi dù gì, Tam là dương cương, lại dương cư dương vị là đắc chánh, Tam vẫn là người tốt. Nhưng, chơi với tiểu nhơn lâu ngày khó mà giữ vững dạ quân tử của mình; vậy Tam phải thật cương quyết cố giữ mãi tinh thần (quyết quyết 夬夬) rồi sau này tên đại tiểu nhơn là Thượng Lục sẽ bị loại trừ…
Có 2 con đường: nếu Tam mà “tráng vu quì” quyết liệt theo tiểu nhơn thì “hung” sẽ đến; nhưng nếu Tam tuy chơi với tiểu nhơn mà lòng “quyết” theo bè quân tử, thì Tam sẽ được “vô cựu 無咎”.
(quân tử quyết quyết, chung vô cựu dã. 君 子 夬 夬,終 無 咎 也.)
Cửu Tứ: Đồn vô phu, kỳ hành thứ thư.
Khiên dương hối vong, văn ngôn bất tín.
九 四:臀 無 膚,其 行 次 且,牽 羊 悔 亡,聞 言 不 信。
Tượng viết: Kỳ hành thứ thư, vị bất đáng dã.
Văn ngôn bất tín, thông bất minh dã.
象 曰:其 行 次 且,位 不 當 也,聞 言 不 信,
聰 不 明 也.
2.4. Hào Tứ
Hào Tứ, là hào Dương ở vị Âm (dương cư âm vị) là bất trung bất chánh, tài sức không vững. Ở thời Quyết, bầy Dương đang tiến lên để đánh đổ một Âm, lẽ nào Tứ lại ngồi yên một chỗ để bầy Dương chê cười? Mà muốn đi, thì khập khểnh như người ngồi bàn ăn mà không có thịt, lại phải đi tìm thịt, nhưng đi chập chững không đi được.
Thánh nhơn mới nghĩ ra phương pháp: Trong lúc quần dương cùng tiến, mình tự thấy không đủ sức vì thiếu tài, thì sao không biết nhường cho bầy dương đi trước, mình sẽ theo sau, như người chăn dê đi theo sau bầy dê, lùa nó đi… Hễ chúng đi tới đâu, mình cũng đi tới đó! nên gọi là “Khiên dương hối vong”, có gì phải “hối”.
Nhưng, bởi Tứ là kẻ không thông minh (bất trung bất chánh) nên đâu có chịu tin (văn ngôn bất tín 聞 言 不 信) vì theo ý ngu của Tứ, thì làm gì có việc dễ dàng như thế được! (thông bất minh dã 聰 不 明 也).
Cửu Ngũ: Nghiện lục, quyết quyết, trung hành vô cựu.
九 五:莧 陸,夬 夬,中 行 無 咎。
Ngũ gần sát Thượng Lục, mà Thượng Lục lại là một tên đại tiểu nhơn, có nên sợ cho Ngũ “gần mực thì đen” chăng?
Khỏi phải lo, Là vì Ngũ đắc trung đắc chánh, là kẻ dương cương cư cương vị, thì vô lý lại bị ảnh hưởng xấu của Thượng Lục?
Lý là như vậy nhưng tình đời có khi lại khác là bởi Ngũ là Dương, mà Lục là Âm, nên Âm Dương cơ ngẫu có dan díu với nhau, thì cũng là lẽ thường.
Hào từ nói: “Nghiện lục quyết quyết” (nghiện lục, là một thứ rau đắng, không ăn được). Ngũ quyết đào tận gốc rễ của nó để mà vứt đi. Có được ý chí quyết liệt ấy mà tuyệt giao với người tiểu nhơn thì mới có thể cầm đầu bọn người quân tử! Nhưng tâm lý thông thường của con người, không phải người quân tử là kẻ ghét tuyệt đối tiểu nhân đâu.
Rắc rối thay. Dịch đã bảo: “Dương trung hữu Âm căn” ghê sợ chưa? Cho nên lòng người là một bầu mâu thuẫn,người quân tử tuy bề ngoài ghét tiểu nhơn, nhưng bên trong lại yêu tha thiết kẻ tiểu nhơn, có một cái gì làm cho ta như bị thu hút vào tâm trạng mâu thuẫn này! đâu ta chỉ ưa thích uống chén rượu đào ngon ngọt đầy hương thơm bát ngát mà ta lại cũng thích những món ăn thức uống đầy cay đắng khó ưa. Âm hay Dương đều có sức hấp dẫn của nó. Cho nên không có thứ hạnh phúc nào tuyệt vời mà trong đó không có đau thương chua chát.
Bậc minh quân nào, tuy rất ưa các bậc trung thần mà cũng thích nghe lời dua nịnh ton hót! Cho nên, không gì đáng sợ bằng sự cám dỗ sa đọa. Trên đời không có sự việc gì chỉ có một mặt.
Thượng Lục: Vô hào, chung hữu hung
上 六:無 號,終 有 凶。
Tượng viết: Vô hào chi hung, chung bất khả trường dã.
象 曰:無 號 之 凶,終 不 可 長 也。
2.5. Thượng Lục
Thượng Lục, là hào Âm còn sót, nằm trên ngũ Dương, chính là tên đầu đảng bọn tiểu nhơn thời Quải! Dù có kêu gào than khóc (vô hào 無 號) cũng vô ích, đây là chỗ cuối cùng của tên bạo Chúa.
Tuy nhiên, thấy như tất cả đều được giải quyết hoàn toàn rất dễ dàng, nhưng có đâu quá dễ dàng… Quải mà đến cùng rồi, sẽ biến thành quẻ Cấu, và như vậy tiểu nhân chưa bị diệt hết, lại còn sẽ có cơ hội phục sinh! “chung bất khả trường” 終 不 可 長.
Câu “chung bất khả trường” có 2 nghĩa: “Chung” là chỗ chung kết của hành động tiểu nhơn, và sự cáo chung ấy cũng chỉ ở bên ngoài mà thôi. Tiêu diệt tiểu nhơn đâu phải dễ, bởi không tiểu nhơn làm gì có quân tử: cặp Âm Dương là cặp “bất khả ly”, không có Âm thì Dương cũng không còn! “họa hề phúc chi sở ỷ”
Cái chỗ nguy hiểm đáng sợ, là tiểu nhơn đang tiềm tàng (hay tiềm phục) Coi chừng, thường lúc “đại thắng” lại là chỗ về sau sẽ gây “đại bại”? Giả sử, nó không đợi đến hồi phục sinh, chỉ dư hưởng lúc nó còn đang “nằm vùng” trong đám người quân tử, tai họa ngấm ngầm vẫn cũng đáng sợ.
Ngay đối với bản thân, ta dù đã tiêu diệt được một tật xấu nào, tật xấu ấy tuy thấy đã bị tiêu diệt, nhưng sự thật đâu có dễ dàng như ta đã tưởng! biết đâu chỉ là một sự dồn ép đang đợi một thời cơ thuận tiện nào sẽ được phục sinh một cách bất ngờ… Theo luật “Quân bình” của Tạo Hóa, cái gì ta cố ép xuống sẽ lại nổ bùng lên mau lẹ, mà Lão Tử đã diễn tả một cách rõ ràng độc đáo.
Tương dục hấp chi,
Tất cố trương chi.
Tương dục nhược chi,
Tất cố cường chi.
Tương dục phế chi,
Tất cố hưng chi.
Tương dục đoạt chi,
Tất cố dữ chi.
Thị vi vi minh.
Hòng muốn thu rút lại, là sắp mở rộng đó ra.
Hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm đó mạnh lên
Hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm hưng khởi đó
Hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban thêm cho đó
Đó là, ánh sáng nhiệm mầu của Đạo!
Sự biến chuyển của Trời Đất tuy nhìn không thấy, nhưng luôn luôn âm thầm biến đổi không bao giờ ngưng, như Liệt Tử đã nêu lên trong bài Dục Hùng sau đây:
“Dục Hùng, thầy của Châu Văn Vương nói: Sự vận chuyển trong Trời Đất không bao giờ ngưng (thiên hành kiện, tự cường bất tức). Trong Trời Đất luôn luôn có sự biến bí mật, ai mà biết được! Cho nên, giảm bên này, là tăng bên kia; đầy bên này, thì vơi bên kia! Tăng giảm, đầy vơi, sinh tử qua qua, lại lại, nối tiếp nhau mật thiết và bất tận, ai mà thấy được sự biến hóa ấy?
Một cái khí “không” đột nhiên tăng lên; một cái hình “không” đột nhiên giảm đi, và cứ biến chuyển từ từ, nên ta không thấy nó lúc đầy hoặc lúc nó vơi đi một cách đột ngột. Cũng như người ta từ lúc sinh ra tới lúc già, dung mạo, hình thái, trí tuệ không lúc nào mà không thay đổi: da, móng tay, móng chơn, tóc, mọc rồi lại rụng liên tiếp nhau không ngừng, nhưng vì sự biến chuyển từng phút từng giờ quá nhỏ nên ta không thể thấy ngay được, mãi về sau mới thấy.
”Nói rộng ra, ta có thể quan niệm rằng: sự “bại” chưa ắt là bại hẳn, mà sự “thắng” chưa ắt là thắng hẳn, chung bất khả trường 終 不 可 長”; cái gọi là bị cáo chung biết đâu không phải là việc đang bắt đầu khởi phục một cách mạnh mẽ.
Các nước bị xâm lăng mà địch thủ lăm le tiêu diệt là những nước sau này có cơ được phục sinh lạ lùng! “đêm càng sâu, bình minh càng mau đến chóng” và đến một cách rực rỡ chưa từng thấy có. Đạo Trời, là thế ấy, há phải hư vọng của con người? Lão Tử đã nói toạc ra sự thật, là: hòng muốn phế đó, là làm cho đó hưng lên (tương dục phế chi, tất cố hưng chi).
3. Ứng dụng của Trạch Thiên Quải trong cuộc sống và công việc
- Khi giao được quẻ này thì tài vận được hanh thông tuy nhiên không nên tham lam, điều này mang đến điều không tốt. Luôn phải cẩn trọng và cân nhắc khi quyết định làm một việc gì đó.
- Không được áp dụng luật ăn cả, ngã về không. Điều này rất dễ mang đến họa, trắng tay.
- Trong quẻ nêu rõ tiên tổn hậu ích, điều này có nghĩa là phải biết bỏ xe để bảo vệ tướng. Cần phải đề phòng tiểu nhân trên cao hãm hại.
4. Lời kết
Với những thông tin luận giải về Trạch Thiên Quải ở trên bài viết hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Giúp bạn đọc có được những lựa chọn đúng đắn trong kinh doanh và cuộc sống. Chúc quý bạn đọc có nhiều sức khỏe, làm ăn thuận lợi.
Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc, đừng ngần ngại để lại comment hoặc liên hệ trực tiếp hotline: 1900.3333 hoặc Zalo: 0855.100000. Nhanh tay cài đặt ứng dụng phù hợp về điện thoại của mình tại đây: