Hàng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, chúng ta thường truyền tai nhau rằng đây là tháng cô hồn, mang đến nhiều xui xẻo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tháng 7 cô hồn là gì, tháng 7 cô hồn bắt nguồn từ đâu? Bài viết sau của Thăng Long Đạo Quán sẽ giải đáp câu hỏi trên và chia sẻ thêm các thông tin về tháng cô hồn, gồm mâm lễ, văn khấn cúng cô hồn, những điều nên và không nên làm trong tháng này.

1. Tháng cô hồn là gì? Tháng cô hồn bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?

Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn là tháng 7 âm lịch hàng năm, có rất nhiều ma quỷ nên chúng ta thường kiêng kỵ rất nhiều điều trong tháng này.

Theo thói quen, mọi người thường gọi tháng 7 là tháng cô hồn nhưng thực tế nó chỉ kéo dài từ ngày mùng 2 đến hết ngày 14 tháng 7 âm lịch, bởi vì đây là khoảng thời gian Diêm Vương mở cửa địa ngục để các vong hồn tự do đi lại trên trần thế.

Tháng cô hồn

2. Tháng cô hồn bắt nguồn từ đâu? Sự tích, ý nghĩa tháng 7 cô hồn

Nhiều người cho rằng, tháng cô hồn bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ cho mở quỷ môn quan (cửa địa ngục) để các vong hồn tự do quay về trần gian. Đến hết ngày 14 tháng 7 âm lịch thì quỷ môn quan được đóng lại, đồng nghĩa với việc các vong hồn sẽ phải quay về địa ngục. Trong thời gian được tự do, các vong hồn sẽ lang bạt khắp nhân gian và thường gây xui xẻo cho con người. 

Chính vì tháng 7 âm mang lại nhiều xui xẻo nên người ta thường cúng các vong hồn lang thang để không bị chúng quấy nhiễu. Ngoài ra, việc làm này cũng thể hiện sự thương cảm những người đã khuất không được hương khói đầy đủ, hy vọng rằng những vong hồn lang thang sẽ có cơm ăn, áo mặc, không bị đói khổ.

Ngoài việc cúng các vong hồn lang thang, không chốn nương tựa thì vào tháng này, nhiều người cũng tổ chức lễ cúng người thân đã mất. Điều đó mang ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo, đạo lý uống nước nhớ nguồn của con cháu đối với tổ tiên. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, ôn lại chuyện cũ.

3. Quan niệm khác về tháng cô hồn

Theo Phật giáo, tháng 7 không phải là tháng cô hồn, chỉ có tục cúng cô hồn trong tháng 7. Tục lệ này gắn liền với sự tích về ông A Nan Đà với quỷ miệng lửa.

Trong một buổi tối nọ, khi A Nan Đà đang ở trong tịnh thất thì bỗng nhiên có một con quỷ cổ nhỏ, khô gầy, miệng nhả ra lửa đến và nói rằng 3 ngày sau, A Nan Đà sẽ chết. Khi chết, ông sẽ biến thành con quỷ y hệt như nó. Lúc này, A Nan Đà rất lo sợ nên đã hỏi con quỷ cách thoát nạn.

Con quỷ cho biết, A Nan Đà phải cúng thí thức ăn cho bọn quỷ và phải soạn lễ cúng dường Tam bảo, có như vậy thì bọn quỷ mới được siêu sinh, A Nan Đà cũng được sống thọ hơn.

Sau đó, ông đã kể lại câu chuyện cho Đức Phật nghe. Đức Phật bèn bảo rằng trong lễ cúng, A Nan Đà hãy tụng bài chú “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni”. Sau khi làm theo, ông đã được sống thọ hơn. Từ đó, tục cúng cô hồn bắt đầu, sau này hiểu rộng hơn là xá tội vong nhân (diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch).

Xem thêm:Tháng cô hồn có thực sự đáng sợ không?

Một số quan niệm khác về tháng cô hồn

4. Gợi ý cách cúng tháng 7 cô hồn

4.1. Mâm lễ cúng cô hồn tháng 7 âm lịch

Ở mỗi miền sẽ có mâm lễ cúng cô hồn khác nhau. Dưới đây là gợi ý mâm cúng cô hồn 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Mâm cúng cô hồn miền Bắc:

  • 7 bát cháo trắng.
  • 1 bát chè.
  • 1 bát con muối trắng.
  • 1 mâm ngũ quả.
  • 2 chén trà.
  • 1 cốc nến.
  • 3 nén hương.
  • 1 lọ hoa cúc.
  • 1 ít tiền lẻ.
  • Vàng mã.

Mâm cúng cô hồn miền Trung:

  • 7 bát cháo trắng loãng.
  • Mâm ngũ quả.
  • 1 đĩa trầu cau.
  • Ngô – khoai luộc, bỏng gạo.
  • 1 thẻ hương.
  • Vàng mã.
  • 3 chén nước.

Mâm cúng cô hồn miền Nam:

  • 1 đĩa muối.
  • 1 đĩa gạo.
  • 12 chén cháo loãng.
  • 5 chén cơm vắt.
  • 12 cục đường thẻ.
  • Bánh, kẹo.
  • Mía để nguyên vỏ hoặc bỏ vỏ, chặt thành từng khúc khoảng 15cm.
  • 3 ly nước.
  • Bỏng ngô, ngô luộc, khoai lang luộc.
  • Mâm ngũ quả: Cam, sung, dừa, đu đủ, xoài…
  • 1 đĩa hoa tươi.
  • 1 đĩa trầu cau.
  • 3 cây nhang.
  • 1 ít tiền thật mệnh giá nhỏ.
  • Vàng mã, quần áo giấy cúng cô hồn.

Mâm lễ cúng cô hồn

4.2. Các bước cúng cô hồn tháng 7 âm lịch

Để cúng cô hồn tháng 7 âm lịch, bạn nên thực hiện dựa vào gợi ý sau:

  • Bước 1: Bày mâm lễ ra mâm hoặc bàn, sau đó để ở ngoài trời, hành lang hoặc ban công. Khi bày mâm cúng, gia chủ nên rải tiền vàng ra mâm đủ 4 hướng: Đông, Tây, Nam Bắc. Phía Đông nên để rượu, lọ hoa. Phía Tây nên để trái cây. Những lễ vật còn lại để ở hướng nào cũng được, miễn là ở trên mâm, bàn.
  • Bước 2: Thắp 1, 3, 5, hoặc 7 nén hương, vái 3 vái rồi đọc văn khấn. Sau đó lạy 4 lạy, vái thêm 3 vái.
  • Bước 3: Sau khi hương cháy hết, gia chủ lấy gạo, muối đã cúng rải ra đường. Vàng mã thì đem hóa tại chỗ. Mang tiền lẻ vứt ra đường. Còn đồ ăn thì nên cho người khác ăn, không nên mang vào nhà, cũng không nên bỏ đi mà lãng phí.

4.3. Văn khấn cúng cô hồn tháng 7

Kính lễ mười phương Tam bảo chứng minh Hôm nay ngày……tháng……năm………………(Âm lịch). Con tên là:………………….. Tuổi………………. Ngụ tại số nhà …, đường…, phường (xã)… , quận (huyện) ……………, tỉnh (TP):…………………

Trân trọng kính mời các chư vị khuất mặt, khuất mày, kẻ lớn, người nhỏ, thập loại cô hồn, các Đảng, âm binh ngoài đường, ngoài xá, hửu danh vô vị, hửu vị vô danh, các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn…về nơi đây hưởng lộc thực đầy đủ…

Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng. Nhờ ơn tế độ, thêm sự phước duyên, nguyện xin gia đình yên ổn, thuận lợi bán buôn, phù hộ được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình, nhơn sanh phước lạc.

Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.

Chân ngôn biến thực : (biến thức ăn cho nhiều) 

NAM MÔ TÁT PHẠ ĐÁT THA, NGA ĐÀ PHẠ LÔ CHỈ ĐẾ , ÁN TÁM BẠT RA , TÁM BẠT RA HỒNG (7 lần)

Chân ngôn Cam lồ thủy: (biến nước uống cho nhiều) NAM MÔ TÔ RÔ BÀ DA, ĐÁT THA NGA ĐA DA, ĐÁT ĐIỆT THA. ÁN TÔ RÔ, TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ , TA BÀ HA (7 lần)

Chân ngôn cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (7 lần)

5. Tháng cô hồn nên và không nên làm gì?

5.1. Tháng cô hồn không nên làm những gì?

5.1.1. Tháng cô hồn kiêng làm gì?

Tháng cô hồn kiêng làm gì

  • Không nên đi chơi vào ban đêm: Ban đêm là lúc âm thịnh, dương suy, có nhiều vong hồn lang thang, nhất là vào tháng cô hồn. Nếu bạn đi chơi ban đêm, các vong hồn có thể sẽ bám theo để quấy rối.
  • Hù nhau khi ra đường: Hù nhau dễ khiến cho người bị hù hồn bay phách lạc, từ đó ma quỷ có thể sẽ nhập hồn vào.
  • Phơi quần áo ban đêm: Ma quỷ hay bị thiếu thốn. Khi phơi quần áo ban đêm, chúng sẽ đến nhập hồn vào quần áo và mượn quần áo của bạn.
  • Nhổ lông chân: Dân gian có câu “Một sợi lông quản ba con quỷ”. Do đó, nếu nhổ lông chân vào tháng cô hồn, ma quỷ sẽ dễ đến quấy rối bạn.
  • Nhặt tiền lẻ rơi trên đường: Vào tháng cô hồn, người ta thường dùng tiền lẻ để cúng và mua chuộc ma quỷ. Khi nhặt phải tiền này, vô tình bạn sẽ rước vận đen về mình.
  • Làm những việc quan trọng: Tháng cô hồn là tháng đen đủi, có rất nhiều ma quỷ. Khi làm những việc quan trọng như cưới hỏi, xây nhà, động thổ thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sau này.

5.1.2. Tháng cô hồn không nên ăn gì?

  • Cháo trắng: Đây là món ăn thường dành cho ma quỷ. Nếu bạn ăn cháo trắng vào tháng cô hồn thì ma quỷ sẽ nghĩ rằng bạn đang tranh giành đồ ăn của chúng, từ đó, ma quỷ sẽ quấy nhiễu bạn.
  • Mực: Mực gắn liền với câu nói “đen như mực”, trong khi đó, tháng 7 lại là tháng xui xẻo nên nhiều người cho rằng, ăn mực vào tháng này khiến bạn đen đủi hơn.
  • Thịt vịt: Vịt gắn liền với câu “lạch bạch như vịt”, tức là làm việc gì cũng chậm chạp. Dân gian cho rằng ăn thịt vịt vào tháng 7 thì mọi việc đã trì trệ, nay càng chậm chạp hơn.
  • Cá mè: Cá mè là thực phẩm có mùi rất tanh, làm khơi dậy lòng tham của quỷ đói, từ đó sẽ thu hút chúng đến làm phiền bạn.
  • Trứng vịt lộn: Nếu không muốn mọi việc bị đảo lộn trong tháng 7 thì bạn không nên ăn trứng vịt lộn.
  • Sầu riêng: Tháng 7 đã là tháng đen đủi, ăn sầu riêng càng khiến cho bạn thêm u sầu.
  • Cam, lê, chuối: Dân gian hay có câu “quýt làm, cam chịu” và “ trượt vỏ chuối” nên nhiều người cho rằng ăn những loại quả này sẽ khiến cho mọi việc dễ thất bại. Do vậy không nên ăn vào tháng cô hồn.

Xem thêm:Tháng cô hồn nên mang theo gì trong người để may mắn?

5.1.2. Tháng cô hồn không nên mua gì?

  • Vàng: Vàng là thứ có giá trị cao. Khi bạn mua vàng vào tháng 7 âm, ma quỷ sẽ nghĩ bạn giàu, có thể chúng sẽ bám lấy bạn để đòi bạn cúng thí.
  • Nhà, đất: Những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi bán sẽ chứa nhiều âm khí, thu hút ma quỷ đến ở, đặc biệt là trong tháng 7. Để tránh vận xui đeo bám thì bạn không nên mua nhà vào tháng cô hồn.
  • Quần áo cũ, quần áo mới: Những vong hồn lang thang thường rất thiếu thốn. Khi thấy có ai đó mua quần áo, chúng sẽ bám lấy để quấy nhiễu.
  • Gương: Mua gương vào tháng 7 cô hồn sẽ khiến bạn dễ bị ám ảnh bởi hình ảnh ma quỷ bên trong gương.

5.2. Tháng cô hồn nên làm gì để may mắn?

Để gặp may mắn, tránh vận đen trong tháng cô hồn, gia chủ nên  làm những điều sau:

  • Mua muối, diêm, máy lửa: Đây đều là những thứ có tác dụng xua đuổi tà khí, mang lại may mắn cho người sở hữu.
  • Ăn chay: Việc làm này giúp cho tâm tĩnh hơn. Tuy nhiên gia chủ cũng cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để có cơ thể khỏe mạnh.
  • Làm lễ cúng cô hồn: Làm lễ cúng cô hồn sẽ khiến bọn ma quỷ không đến quấy nhiễu.
  • Làm việc thiện: Gia chủ nên làm những việc thiện như giúp đỡ người khó khăn, đi từ thiện… để tích đức, từ đó vận may sẽ đến với bạn.
  • Đi lễ chùa, tụng kinh: Hai việc làm này sẽ giúp cho tâm của bạn tĩnh hơn. Ngoài ra tụng kinh còn giúp cho các vong hồn nhanh siêu thoát.

Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ những thông tin đầy đủ nhất về tháng cô hồn. Để cập nhật nhanh chóng các kiến thức về phong thủy, phong tục Việt Nam, gia chủ hãy tải ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại. Ngoài ra, khi dùng ứng dụng này, gia chủ còn được dùng miễn phí các công cụ hữu ích như luận giải lá số Bát tự/ Tử vi, xem ngày tốt – xấu, xem tuổi…

Cài đặt ứng dụng Thăng Long Đạo Quán về điện thoại tại đây: