Phủ Tây Hồ là điểm đến tâm linh được nhiều du khách ghé đến chiêm bái, vãng cảnh. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Phủ Tây Hồ thường rất đông vì cùng với việc cầu may, du khách còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp tại Hồ Tây. Nhưng Phủ Tây Hồ thờ ai và sự tích về nhân vật đó thì không phải ai cũng biết.

Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu câu chuyện về Phủ Tây Hồ nhé!

Phủ Tây Hồ là gì? Ở đâu?

Trước khi tìm hiểu Phủ Tây Hồ thờ ai thì cần phải biết Phủ Tây Hồ ở đâu và có ý nghĩa gì.

  • Địa chỉ: Số 52 Đặng Thai Mai, Quảng An, quận Tây Hồ
  • Giờ mở cửa: Với những ngày bình thường, Phủ Tây Hồ mở cửa từ 05h00 – 19h00. Với 2 ngày lễ chính 3/3 và 18/3 âm lịch, phủ sẽ đóng cửa muộn hơn bình thường vì dịp khách đến phủ vào những ngày này đông hơn.
  • Giá vé (nếu có): Vãng cảnh, chiêm bái tại Phủ Tây Hồ hoàn toàn miễn phí với tất cả các du khách.

Với giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa cho phủ Tây Hồ. Hàng năm, ngoài những ngày Rằm, Mùng 1, Tết Nguyên Đán, lễ hội phủ Tây Hồ sẽ được diễn ra vào ngày 3/3 và 18/3 Âm lịch. 

Rất đông người dân Thủ đô và du khách bốn phương sẽ tìm về phủ Tây Hồ để trẩy hội. Bên cạnh các hoạt động lễ hội hát chầu văn, đàn hát, du khách còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

Xem thêm: Master Mai Đức Hải chia sẻ: Cách đi lễ Phủ Tây Hồ chuẩn chỉ, khấn sao cho đúng?

Phủ Tây Hồ thu hút rất nhiều người đến cúng bái vào các dịp lễ
Phủ Tây Hồ thu hút rất nhiều người đến cúng bái vào các dịp lễ.

Phủ Tây Hồ thờ ai?

Phủ Tây Hồ là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong truyết thuyết về các vị thần ở Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử (gồm Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Bà là một trong những vị thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu – một trong những tín ngưỡng có lịch sử lâu đời và vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Hình ảnh thờ Chúa Liễu Hạnh trong Phủ Tây Hồ
Hình ảnh thờ Chúa Liễu Hạnh trong Phủ Tây Hồ.

Chúa Liễu Hạnh là ai?

Tương truyền, Liễu Hạnh Thánh Mẫu vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái của Ngọc Hoàng. Trong một lần vô tình làm vỡ ly ngọc quý của vua cha mà bà bị đày xuống hạ giới. Sau hành trình chu du khắp nhân gian, bà đã bị vẻ đẹp thơ mộng đầy trữ tình của đảo Tây Hồ làm say đắm. Chính vì thế, bà quyết định dừng chân và mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên hữu tình của nơi này.

Trong khoảng thời gian sinh sống ở đây, Chúa Liễu Hạnh đã diệt trừ không ít bọn quan tham, gian ác để bảo vệ dân chúng khỏi những mối nguy hiểm khôn lường. Đến triều nhà Nguyễn, Chúa Liễu Hạnh được vua phong làm “mẫu nghi thiên hạ” và là một trong 4 vị thần tứ bất tử của Việt Nam.

Cũng theo truyền thuyết kể lại rằng, trong quá trình sinh sống ở Tây Hồ, công chúa Liễu Hạnh đã gặp Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan. Dù chỉ mới gặp mặt nhưng 2 người rất tâm đầu ý hợp, họ cùng nhau vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” vẫn còn được lưu truyền mãi tới đời nay. Sau khi lên kinh thành bái kiến nhà vua trở về, Phùng Khắc Khoan đã không gặp lại được Chúa Liễu Hạnh bởi bà đã rời đi. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông đã cho lập đền để thờ người tri âm. Kể từ đó, phủ Tây Hồ ra đời và được lưu truyền cho tới ngày nay.

Tham khảo: Văn khấn Phủ Tây Hồ điểm đến linh thiêng bậc nhất tại Hà Nội