Phong thủy vốn là bộ môn khoa học được du nhập vào nước ta từ nhiều đời nay. Kể từ khi du nhập cũng đã để lại rất nhiều điển tích ly kỳ. Bài viết dưới đây của Thăng Long Đạo Quán sẽ tổng hợp cho bạn đọc những câu chuyện phong thủy Việt Nam hay để hiểu thêm về lĩnh vực học thuật độc đáo này. Mời các bạn cùng đón đọc!

1. Các bậc thầy phong thủy nổi tiếng tại Việt Nam 

Phong thủy phương Đông có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng giống như tại quốc gia này, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều bậc thầy phong thủy nổi tiếng. Theo dòng lịch sử, còn xuất hiện những chuyên gia nổi tiếng gắn liền với nhiều giai thoại kỳ thú. 

1.1. Nguyễn Đức Huyên

Nguyễn Đức Huyên là người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông nổi tiếng nhất vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545-1788). 

Do mồ côi từ nhỏ nên ông theo một thầy lang người Tàu học nghề thuốc. Nhờ cơ duyên, ông chữa bệnh cho một thầy địa lý giỏi ở Trung Hoa nên đã được người này truyền lại toàn bộ kiến thức về phong thủy. Khi đã học đủ tốt cả hai nghề xin phép hai thầy cho về Đại Việt lúc bấy giờ cứu giúp đồng bào.

Các câu chuyện phong thủy Việt Nam hấp dẫn nhất
Các câu chuyện phong thủy Việt Nam hấp dẫn nhất

Về nước, ông chuyên tâm hành nghề y cứu người. Dù chỉ cần thiết mới áp dụng phong thủy trong cuộc sống nhưng ông vẫn nổi danh về tài xem phong thủy địa lý và để lại những tác phẩm để đời về thuật xem đất. 

Ông là một trong những người được truyền thụ khoa học phong thủy địa lý chính thống ở Trung Quốc. Nhiều người coi ông là tổ nghề Phong thủy học Việt Nam. 

XEM THÊM:Các đại sư phong thủy nổi tiếng.

1.2. Nguyễn Thiếp 

Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), ông vốn nổi tiếng là danh sĩ bên cạnh vua Quang Trung. Trong triều đình, ông đứng sau phụ trách những công việc đối nội, đối ngoại, đổi mới nền kinh tế, sản xuất, văn hóa, giáo dục. 

Ông cũng được coi là nhà nhà học thuật nổi tiếng về nhâm độn và địa lý, phong thủy. Lăng mộ của ông hiện vẫn được bảo vệ nguyên vẹn và là một trong số những ngôi mộ có phong thủy đẹp nhất Xứ Nghệ. Vào năm 1994 được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 

1.3. Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) vốn nổi tiếng với những lời sấm truyền, nhiều tài liệu từng viết ông cũng là bậc thầy phong thủy. 

Ông vốn nổi tiếng là người thông hiểu thuật lý số. Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở trong nước mà còn vang đến cả Trung Hoa là đất nước phát tích của môn này. Ông nổi danh tới mức các học giả Trung Hoa phải ngưỡng mộ mà ca tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Trình Tuyền tức là hiệu của Trạng Trình vì triều Mạc phong cho ông tước Trình Tuyền hầu.

1.4. Nguyễn Sinh Khiêm 

Nguyễn Sinh Khiêm (1888–1950) còn được gọi là Cả Khiêm, tên tự là Tất Đạt là anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đương thời đánh giá ông là nhà phong thủy học nổi tiếng. Trong sách Búp sen xanh – tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng từng viết rằng: Cụ Nguyễn Sinh Khiêm được kế thừa và truyền dạy về thuật phong thủy, sinh thời cụ tư vấn, hướng dẫn người khác thiết kế nhà ở, bằng một phương pháp độc đáo và sáng tạo của riêng cụ. Cụ cũng là người đóng góp công lao đối với nền phong thủy của dân tộc.

2. Những câu chuyện phong thủy Việt Nam đặc sắc

2.1 Âm mưu trấn yểm phương Bắc

Nhiều tư liệu lịch sử lẫn truyền thuyết đều thuật lại rằng Cao Biền khi sang xâm lấn nước ta đã tiến chiếm thành Đại La và cải tạo, đắp thành. Khu thành mới cao đến 2 trượng 6 thước, chu vi hơn 1982 trượng, trên thành xây 55 vọng gác. Ông ta xây dựng nhiều điểm phòng vệ quân sự. 

XEM THÊM: Nguồn gốc hình thành phong thủy

Vốn là người am hiểu bộ môn Phong thủy có lịch sử từ ngàn đời, Cao Biền đã dò xét rất kỹ vị trí để xây thành Đại La, sau này nổi danh với cái tên Thăng Long – Hà Nội. Đã ra lệnh cho xây mới lại và dò tìm đầu mối long mạch nước ta để trấn yểm, cắt “khí thiên tử”. 

Theo lệnh vua Đường, Cao Biền đến nước ta bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh, thì đều yểm cả. Riêng núi Tản Viên là Cao Biền không dám đụng tới vì cho rằng đó là chỗ thiêng liêng của chư thần thường ngự, không thể yểm được. Trong những nơi Cao Biền nhắm đến có làng Cổ Pháp – nơi sẽ sinh ra bậc đế vương của trời Nam. Ông ta cùng cùng các thầy pháp và thầy địa lý của Trung Quốc đã ra tay “cắt đứt long mạch” bằng cách đục đứt sông Điềm và 19 điểm ở Phù Chấn để yểm. 

Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, âm mưu thâm độc của vua Đường và Cao Biền hủy thế phong thủy và làm tan khí tượng đế vương ở nước ta đã bị một thiền sư thời ấy là ngài La Quý hóa giải. Tương truyền, ông là người vô cùng ông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.

Trước khi mất, vào năm 85 tuổi (năm 936), ngài gọi đệ tử truyền pháp là Thiền Ông dặn dò kỹ càng về việc Cao Biền ra tay trấn yểm và việc lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa. Ông có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo. Đây không phải giống cây bình thường mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch. Ông làm vậy để giúp đời sau xuất một vị hoàng đế nước Việt phò chư Phật. 

Quả thật, vài chục năm sau Lý Công Uẩn – vị hoàng đế sáng lập nhà Lý, mở ra thời đại Phật giáo hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam đã ra đời ngay tại chính ngôi làng Cổ Pháp này.

2.2 Lời sấm truyền lịch sử của Trạng Trình

Tương truyền rằng, chúa Nguyễn Hoàng Nguyễn Hoàng thời trẻ từng bí mật sai sứ giả tìm cách lặn lội ra ngoài Bắc, đến yết kiến Trạng Trình xin sấm giải chọn đất để lập cơ đồ sau này . Trạng Trình dạy: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. 

Làm đúng như lời ông, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho mình vượt Hoành sơn vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. 

Sau này, ông trở thành thủy tổ của dòng họ vua chúa Nguyễn quyền lực bậc nhất sau này.  Trước khi mất vào năm 1613 ông dặn dò con cháu phải hết sức giữ gìn đất Thuận Quảng.

Có giữ vững Thuận Quảng mới mong dựng nên cơ nghiệp muôn đời như sấm ký của Trạng Trình truyền lại “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nhà sử học Trần Trọng Kim giải thích “núi Hoành sơn tức núi Đèo Ngang ở Quảng Bình” vốn là một nhánh của dãy Trường Sơn đột nhiên kéo đâm ra sát biển. 

XEM THÊM:Các câu chuyện hay về Phong Thủy

Các nhà phong thủy bấy giờ luận rằng nếu thấy núi hình thành theo dạng “một vòng bọc lại” (nhất trùng bão khóa) rồi “một vòng mở ra” (nhất trùng khai) thì ở đó có đất công hầu. Nếu lại thấy một dạng núi “vòng ôm” (nhất sơn loan bão) rồi “ngoảnh lại” (nhất sơn cố) là ở đó có đất công khanh. Đối chiếu với hình thế của Hoành sơn thì long mạch ở đây vô cùng đẹp. Từ đó, có thể thấy những lời sấm truyền của Trạng Trình đã giúp nhà Nguyễn khởi phát cơ nghiệp muôn đời. 

2.3 Tả Ao và câu chuyện Giếng nước làm mắt cá

Trong những câu chuyện phong thủy Việt Nam, không hiếm những truyền thuyết mang màu sắc huyền ảo. Nhưng Thăng Long đạo quán xin phép thuật lại chuyện liên quan đến phong thủy thời Tả Ao chu du bốn phương giúp người, tạm bỏ tâm linh sang một bên. 

Câu chuyện bậc thầy phong thủy Việt Nam
Câu chuyện bậc thầy phong thủy Việt Nam

Một trong những giai thoại là việc bậc thầy phong thủy này sửa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định, Khi đi tới ngôi làng này, cụ cho dân làng nhìn thế đất biết làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ có điều con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Nghe vậy, dân làng liền thết đãi và khẩn khoản nhờ cụ giúp xem lại hướng làng. Cụ liền chỉ cho dân đào một cái giếng làm mắt cho cá chép. Từ đấy ngôi làng phát danh về con đường khoa bảng, nhất là họ Đặng. Cái giếng vẫn còn nguyên cho đến tận bây giờ. 

2.4 Thanh Hóa – vùng đất sinh đế vương

Thanh Hóa vốn là vùng đất sản sinh ra nhiều anh tài, bậc đế vương nổi danh của Việt Nam. Nhiều cái tên có thể nhắc tới như: Bà Triệu (huyện Yên Định, Thanh Hóa), “vua không ngai” Dương Đình Nghệ (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Lợi, nhà Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), chúa Trịnh. 

Nhân vật nổi danh bậc nhất ở nơi này có thể nói là vị vua anh hùng Lê Lợi ở đất Lam Sơn (Thanh Hóa). Phong thủy học tin rằng đây là vùng đất “phát vương” tức nơi “chim tụ hội thành đàn” đông vui, ríu rít, là đất “tụ khí tàng phong”. Đặc điểm này trái ngược hẳn với các thế đất hung hiểm.  

Tổ tiên nhà Lê là cụ Hối dời về ở Lam Sơn thì chỉ sau 3 năm đã gây thành sản nghiệp lớn và từ đó trở đi họ Lê làm quân trưởng một phương, trong nhà lúc nào cũng có tới hơn 1.000 người đi theo trung thành. 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, họ Lê sau nhiều thế hệ đã sản sinh ra người con kiệt xuất Lê Lợi “thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có nốt ruồi son, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, bước tới như hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường”. Ông đã dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Trong khoảng 10 năm sau đó đuổi thành công quân Minh xâm lược, thống nhất Đại Việt. Quả thật, phong thủy ở Lam Sơn và Thanh Hóa nói chung quả thật không tầm thường. Xứng đáng được mệnh miền đất danh địa linh nhân kiệt, nơi phát tích đế vương muôn đời. 

3. Lời kết

Hy vọng bài viết tổng hợp về chuyện phong thủy Việt Nam đã cho các bạn hiểu được phần nào về lịch sử phong thủy nước ta hiện vẫn mang nhiều màu sắc huyền bí. Cũng như ở Trung Quốc, phong thủy dần có tác động sâu rộng vào văn hóa, xã hội từ thời phong kiến. Những kiến thức, câu chuyện phong thủy vẫn còn lưu truyền tới ngày nay chính là kinh nghiệm cho việc ứng dụng bộ môn khoa học trong cuộc sống hiện đại này. 

Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc, đừng ngần ngại để lại comment hoặc liên hệ trực tiếp hotline: 1900.3333 hoặc Zalo: 0855.100000Nhanh tay cài đặt ứng dụng Phu hợp về điện thoại của mình tại đây: