Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp, lâu đời và linh thiêng nhất đất thủ đô. Cũng như Hà Nội trải qua lịch sử với nhiều cái tên Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Bắc Thành, Hồ Tây cũng có những tên gọi khác nhau khi trải qua đằng đẵng các thời kỳ lịch sử.
Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu xem những tên đó là gì và ý nghĩa của nó nhé.
Đầm Xác Cáo
Đầm Xác Cáo được người đời cho là tên gọi xưa nhất của Hồ Tây. Tên gọi này gắn với sự tích con Hồ Ly chín đuôi. Sự tích kể rằng nơi đây ngày xưa là rừng rậm hoang vu và nhiều gò núi. Ở đó, có một con Hồ Ly chuyên tác oai tác quấy phá cuộc sống dân lành.
Nhưng việc diệt trừ Hồ Ly được kể trong các câu chuyện dân gian cũng khác nhau.
Một chuyện cho rằng Lạc Long Quân vì thương xót con dân nên đã dâng nước biển dìm chết con cáo và tạo ra hồ nước.
Một câu chuyện khác kể về Huyền Thiên cũng vì thương xót và nghe lời cầu khẩn của dân chúng mà diệt trừ con cáo. Việc diệt trừ xảy ra ác liệt, khi con cáo bị diệt xong đã tạo ra một hồ nước. Từ đó, hồ có tên là Đầm Xác Cáo
Tham khảo: Truyền kỳ sự hình thành Hồ Xác Cáo, tên gọi xa xưa nhất!
Hồ Kim Ngưu
Hồ Kim Ngưu gắn với sự tích con trâu vàng. Tuy nhiên sự tích này cũng được thêu dệt thành những câu chuyện khác nhau khi truyền từ đời này sang đời khác.
Truyền thuyết hồ Trâu Vàng kể lại rằng: Lý Triều quốc sư Minh Không được vua phương Bắc mời sang chữa trọng bệnh cho hoàng tử. Chữa khỏi bệnh, vua phương Bắc muốn thưởng cho để báo đáp công lao. Minh Không chỉ xin một túi đồng đen. Nhà vua đồng ý ngay. Sau đó, Minh Không hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi thần, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu lờ làm thuyền bơi về nước.
Khi về tới nước Nam Thiền sư Minh Không dâng đồng đen lên vua. Vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Khi đánh chuông, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng của Vua Tống tưởng mẹ gọi liền chạy sang tìm (đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây.
Câu chuyện khác thì kể rằng ngày xưa ở Núi Tiên Du có con Trâu vàng bị một Pháp sư yểm bùa, vùng dậy chạy. Chạy mãi, chạy mãi qua mỗi nơi, bằng sức mạnh của mình, nó đều tạo ra các dấu tích. Cuối cùng nó chạy tới đầu Sông Tô gặp một hồ nước, nó nhao xuống bơi lội thỏa thích rồi ở luôn trong lòng như đứa con lưu lạc vừa tìm được mẹ. Từ đó, Hồ Tây có tên là Hồ Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng câu:
“Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi.”
Đoc thêm: Truyền kỳ tên gọi “Hồ Kim Ngưu” với những huyền tích đặc biệt!
Dâm Đàm
Dâm Đàm với ý nghĩa là đầm tràn đầy nước. Có lẽ ý nghĩa ấy muốn nói tới sự rộng lớn, mênh mang sóng nước của Hồ Tây. Tên gọi này cũng không biết chính xác được gọi trong thời gian nào, nhưng theo cố GS. Trần Quốc Vượng thì Dâm Đàm có tên thật từ thời Lý – Trần (Thế kỷ X – XV) với huyền tích Lý Nhân Tông ngồi thuyền Mục Thận xem đánh cá, gặp sương mù, có thuyền tới gần, trên có hổ, Mục Thận quăng lưới bắt hổ, hóa ra đó là Thái sư Lê Văn Thịnh, sau đó hồ được đặt tên là Dâm Đàm.
Vụ án Đâm Đàm này là một câu chuyện hoang đường. Nó có thể là màn ngụy trang cho một sự tranh giành quyết liệt trong nội bộ triều đình nhà Lý vào cuối Thế kỷ XI và sự thất thế của Thái Sư Lê Văn Thịnh. Nó phản ánh về sự mâu thuẫn tôn giáo, tư tưởng xã hội của thời đại.
Xem thêm: Tên gọi Hồ Dâm Đàn và “nỗi oan thiên kỷ” của Thái sư Lê Văn Thịnh
Lãng Bạc
Theo Tây Hồ chí thì sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa bi hùng của Hai Bà Trưng, Tướng quân Mã Viện với tư cách là kẻ thôn tính văn hóa đã gọi Hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Tên gọi này thể hiện ý nghĩa rõ nhất vào những ngày giông bão, mặt hồ rộng, sóng nước nổi lên ầm ầm, tạo ra một cảnh hồ hùng tráng và nên thơ.
Tây Hồ
Sử sách ghi rằng: “Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ”.
Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm đặt mình ngang hàng với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của Hồ Tây, và Hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
Đoài Hồ
Đến đời Tây Đô Vương Trịnh Tạc (năm 1657) kiêng chữ “Tây” nên các địa danh nào có chữ Tây đều bị ông ra lệnh đổi thành Đoài (quẻ Đoài thuộc phương Tây – ý nghĩa như nhau, âm và chữ khác nhau) như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoà. Bởi vậy nên Tây Hồ được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, sau đó còn đổi thành Diêm Hồ, Liêm Đàm. Nhưng người ta vẫn quen gọi là Hồ Tây hơn.
Kết luận
Hồ Tây đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi lại hình thành nhiều truyền thuyết khác nhau được dân gian truyền lại. Điều đó, đã tạo nên sự phong phú và đa dạng cho kho tàng sự tích, truyền thuyết của Thăng Long – Hà Nội nói chung và của Việt Nam nói riêng.