Hồ Tây là một địa danh vô cùng nổi tiếng, linh thiêng ở Hà Nội. Vì thế hồ cũng có những tên gọi khác nhau khi trải qua đằng đẵng các thời kỳ lịch sử. Trong đó có một tên gọi được cho là gần gũi với người dân Việt Nam nhất. Tên gọi đó là Hồ Kim Ngưu.
Cùng Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu về các câu chuyện được lưu truyền về tên gọi Hồ Kim Ngưu nhé.
Ở ngay bên cạnh Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi đền tên là đền Kim Ngưu. Cũng không nhiều người, đặc biệt là người trẻ để ý ngôi đền này. Cùng với Phủ Tây Hồ ngôi đền này được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó cũng đã nghìn năm tuổi. Ở ngay cửa đền có một tấm bảng vàng ghi chép về một huyền tích. Đó là Huyền tích Kim Ngưu.
Huyền tích Kim Ngưu
Chuyện kể rằng:
Thần Trâu Vàng hồ Tây được lưu truyền lại vào khoảng năm 1030 triều Lý.
Thời đấy có Thiền sư Nguyễn Minh Không có tài chữa bệnh được phong làm Lý Triều quốc sư. Ông được vua phương Bắc mời sang chữa trọng bệnh cho hoàng tử. Chữa khỏi bệnh, Vua phương Bắc có ý muốn thưởng để báo đáp công ơn. Minh Không chỉ xin một túi đồng đen. Nhà vua đồng ý ngay. Sau đó, Minh Không tài năng của mình, hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi thần, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu lờ làm thuyền bơi về nước.
Khi về tới nước Nam Thiền sư Minh Không dâng đồng đen lên vua. Vua Lý sai đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh thử, tiếng vang xa bốn cõi, dội sang tận phương Bắc. Con trâu vàng của Vua Tống tưởng mẹ gọi chạy lồng sang tìm (vì đồng đen là mẹ của vàng). Đường trâu chạy lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu. Trâu chạy đến vùng phía Tây kinh thành thì chuông tắt. Nó lồng lộn dày xéo làm đất sụt xuống thành chiếc hồ lớn, sau gọi là hồ Kim Ngưu, tức hồ Tây.
Vua Lý phải cho ném chuông xuống hồ, trâu mới chịu yên. Tương truyền từ đó về sau, trong dân chúng nếu ai sinh được 10 người con, 5 trai 5 gái thì gia đình lên hồ sẽ gọi được trâu vàng về. Một gia đình sinh được 9 người con đã mừng thầm, nhận thêm một người con trai nuôi nữa để kéo trâu vàng về nhà. Trâu vàng lên khỏi mặt nước vào bờ thì thừng bị đứt, trâu vàng chui ngay vào hang ở gần đó. Nơi đó được nhân dân lập đền thờ gọi là đền Kim Ngưu ngày nay.
Vì thế đến tận bây giờ vẫn còn ca dao về chuyện này:
“Năm trai, năm gái là mười
Năm dâu, năm rể là đôi mười tròn.
Hai bên phụ mẫu song toàn
Rồi ra kéo được trâu vàng hồ Tây”.
Tham khảo: Giai thoại lịch sử Hồ Tây: Tên gọi Hồ Dâm Đàn và “nỗi oan thiên kỷ”
Truyện đức Lý Quốc Sư kể về sự tích Hồ Kim Ngưu
Con trâu vàng của nhà Tống được người cháu Cao Biền đem bút thần điểm nhãn trâu trở nên có cảm giác và hoạt động như trâu thật. Khổng Lồ biết vậy, nên khi về nước đúc chuông xong, đánh một hồi rất dài và kêu. Trâu nghe tiếng liền lồng sang đất Việt. Khi đến kinh đô Thăng Long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu đi vẩn vơ không biết chuông đâu mà tìm cả. Bấy giờ Cao Thị Na là cháu Cao Biền làm một con diều giấy rất lớn , dùng bút thần điểm nhãn, diều bay lên cao. Cao Thị cưỡi lên diều đi tìm trâu vàng. Diều bay đến hồ Tây, trâu vàng sợ quá bèn lặn xuống hồ và không lên nữa. Từ đó, dân gian gọi là hồ Kim Ngưu.
Câu chuyện khác về Hồ Kim Ngưu
Dân gian vẫn lưu truyền một câu chuyện khác kể rằng: Ngày xưa ở núi Tiên Du có con trâu vàng bị một Pháp sư yểm bùa, vùng dậy chạy. Chạy mãi, chạy mãi qua mỗi nơi, bằng sức mạnh của mình, nó đều tạo ra các dấu tích. Cuối cùng nó chạy tới đầu sông Tô gặp một hồ nước, nó nhao xuống bơi lội thỏa thích rồi ở luôn trong lòng như đứa con lưu lạc vừa tìm được mẹ. Từ đó, hồ Tây có tên là hồ Kim Ngưu và dân gian còn truyền tụng câu:
“Trâu vàng ẩn mãi giữa hồ,
Nước dù cạn vẫn mịt mù tăm hơi”
Kết luận
Hồ Tây ngoài là một địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội thì còn là một chỗ vô cùng linh thiêng với nhiều giai thoại lịch sự hay truyền thuyết. Hãy cùng đồng hành với Thăng Long Đạo Quán tìm hiểu thêm về những giai thoại khác ở những bài viết tiếp theo nhé.
Xem thêm: Giai thoại lịch sử Hồ Tây: Truyền kỳ sự hình thành Hồ Xác Cáo, tên gọi xa xưa nhất!